Vào ngày 7/11, hàng trăm học viên ở Trung tâm cai nghiện Đồng Nai đã ra yêu sách, đập phá trung tâm, chống lại lực lượng cảnh sát gây nên cảnh náo loạn tại khu vực.
Đây cũng không phải lần đầu tiên Trung tâm cai nghiện này “thất thủ”. Trước đó, vào ngày 23/10, cũng tại trung tâm này đã có gần 600 học viên cầm theo hung khí, chống lại lực lượng bảo vệ, tràn ra Quốc lộ 1 chặn ô tô, xe máy để xin tiền khiến người dân vô cùng lo sợ và hoang mang.
Có thể thấy, chuyện trung tâm cai nghiện “thất thủ” bởi chính những học viên của mình những năm gần đây không còn là chuyện lạ. Vô hình chung, sau mỗi lần “vỡ trại” như thế, trại cai nghiện đã trở thành một “quả bom nổ chậm”, là nỗi sợ hãi cho những người dân sống ở khu vực lân cận. Vậy, nên hay không việc duy trì mô hình trại cai nghiện tập trung?
Thứ nhất, bàn về hiệu quả cai nghiện của những trung tâm, chúng ta có thể tóm tắt bằng ba chữ: "Không hiệu quả". Tất cả những thống kê ở những tổ chức y tế, xã hội đều khẳng định trên 95% số người cai nghiện ma túy đều tái nghiện khi quay trở lại cộng đồng.
Đương nhiên, những con số chỉ là tương đối, tỉ lệ “tái nghiện thành công” có thể ít hơn, nhiều hơn hoặc thậm chí là "tuyệt đối thành công".
Thứ hai, ngoài chức năng cai nghiện thì những trung tâm này còn có chức năng phục hồi nhân phẩm cho người nghiện. Nhưng có lẽ chức năng này cũng dần bị tê liệt. Chẳng cần nói đâu xa, nhìn vào những sự kiện gần đây là rõ nhất.
Nhiều học viên biết rằng mình đến trung tâm cai nghiện chỉ đơn thuần là điều trị bệnh chứ không phải phạm pháp nên họ không biết sợ và đưa ra nhiều yêu sách với trung tâm. Khi xảy ra sự cố, các học viên cũng thừa hiểu rằng cơ quan chức năng không thể làm gì được họ vì đây không phải nơi giam giữ tội phạm nên họ rất bình thản và cho rằng việc mình “đòi quyền lợi” là chuyện bình thường.
Không những vậy, khi tập trung những người nghiện ma túy vào cùng một chỗ sẽ dễ tạo nên hiệu ứng Domino, một người trốn trại được sẽ rủ rê, lôi kéo thêm nhiều người khác. Hậu quả nhãn tiền, Trung tâm cai nghiện Đồng Nai là một ví dụ điển hình cho hiệu ứng này.
Thứ ba, con người ta thường cân nhắc hành động của mình bởi sự sĩ diện và lòng tự trọng. Những người nghiện ma túy dạng nhẹ (ít người biết) thường họ sẽ vẫn giữ hình ảnh bản thân trước cộng đồng nên họ sẽ biết kìm nén bản năng của mình. Đẩy những người như thế vào trại cai nghiện chẳng khác nào khắc lên trán họ chữ “Nghiện”. Giống như chàng Mõ trong truyện Tư cách Mõ của Nam Cao, rồi tự trọng của họ chẳng thể thằng nối định kiến. Bản năng lại khiến họ hành động như những con thú hoang.
Sẽ có nhiều người đặt câu hỏi, vậy những người nghiện ma túy nặng sẽ như thế nào nếu không đưa vào trung tâm cai nghiện. Đương nhiên, với những người như thế thì nên có một thiết chế khác dành cho họ đó là nhà tù (hoặc những nơi tương tự như vậy). Khi quy họ thành một hình thức tội phạm, họ sẽ có thái độ khác với thực tại, sẽ có môi trường khắt khe hơn để cai nghiện và đặc biệt sẽ không có cơ hội để rủ rê những người “đồng môn” cùng gây rối trật tự xã hội nữa.
Tóm lại, những trung tâm cai nghiện không tạo ra bất cứ một hiệu quả xã hội nào, cũng không thể chủ động quản lí học viên của mình thì tốt nhất nên đóng cửa, trao lại chức năng đó về gia đình hoặc cho những cơ quan công quyền khác.
Cứ vài hôm người dân lại bị đe dọa bởi những học viên cai nghiện “tức nước vỡ bờ” như thế này thì… hoang mang lắm!
Mạnh Thường
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả