Bộ LĐ-TB&XH đang dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) với nhiều nội dung quan trọng, trong đó đề xuất 2 phương án về tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động từ 60 lên 62 tuổi đối với nam và từ 55 lên 60 tuổi đối với nữ.
Để có cái nhìn khách quan, đa chiều phóng viên báo điện tử Người Đưa Tin đã lắng nghe phân tích của chuyên gia kinh tế TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương.
Thưa ông, đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu của bộ LĐ-TB&XH trong dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) mới đây đang nhận được nhiều sự quan tâm. Theo ông, đề xuất này có cần thiết?
Tôi cho rằng, việc bộ LĐ-TB&XH nâng tuổi nghỉ hưu là có lý vì tuổi thọ bình quân của Việt Nam hiện nay tăng lên. Nếu giữ nguyên tuổi nghỉ hưu như cũ thì từ khi nghỉ hưu cho đến khi mất, số năm được hưởng tiền hưu có thể lên đến hơn 20 năm. Như vậy, sẽ làm cho quỹ hưu trí bị hao hụt quá nhiều, quỹ hưu trí sẽ không chịu đựng được dẫn đến đổ vỡ quỹ.
Nên việc tăng tuổi nghỉ hưu một mặt phản ánh sự tiến bộ của xã hội, mặt khác phản ánh sự khó khăn trong việc thực hiện quỹ bảo hiểm xã hội. Điều này, không chỉ diễn ra ở Việt Nam mà ở các nước châu Âu cũng tương tự.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng việc tăng tuổi nghỉ hưu không hợp lý với các nhóm ngành lao động trực tiếp. Cá nhân ông nghĩ thế nào?
Đề xuất này nên áp dụng cho các viên chức Nhà nước, còn đối với các ngành nghề khác thì đề nghị nên xem xét, tính toán tuổi về hưu cho thích hợp. Có những ngành nghề rất nặng nhọc, độc hại nên có quy định một độ tuổi hợp lý. Còn tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ cũng cần phải được điều chỉnh phù hợp với tuổi thọ tăng lên của nam và nữ. Làm sao việc hưởng quỹ bảo hiểm không quá lâu, quỹ bảo hiểm có thể đài thọ được. Vấn đề ở đây là tuổi thọ đã tăng lên thì phải tăng độ tuổi nghỉ hưu lên để một mặt đóng góp cho xã hội, mặt khác không để quỹ bảo hiểm chi vượt quá khoản thu.
Bên cạnh đó, một số người lại bày tỏ ý kiến tăng tuổi nghỉ hưu ở mức trên 60 tuổi, vậy những người ở dưới độ tuổi nghỉ hưu muốn nghỉ sớm, không còn khả năng lao động thì phải làm thế nào?
Có thể có các quy định bổ sung để những ai muốn nghỉ hưu sớm thì về nghỉ sớm hoặc có sự điều chỉnh về tiền hưu trí.
Nên lập một hội đồng tư vấn độc lập để tính toán, giám sát để xem việc nâng từ 60 lên 62 tuổi đối với nam và từ 55 lên 60 tuổi đối với nữ đã hợp lý chưa, có bảo đảm được từ năm về hưu cho đến khi bình quân người mất thì quỹ hưu trí trả được bao nhiêu, như vậy có trả được không?
Tôi lấy ví dụ: Trước đây, 60 tuổi về hưu, đến năm 75 tuổi mất thì quỹ hưu trí chịu được, còn bây giờ tuổi thọ trung bình tăng đến khoảng 82 tuổi mới mất thì quỹ hưu trí phải trả 22 năm, như vậy quỹ này khó đảm bảo được.
Xin cảm ơn ông!
Nghe audio: Tăng tuổi nghỉ hưu lên 60-62 tuổi: Nên hay không?
Tăng nhưng đừng cào bằng!
Liên quan đến vấn đề trên, trao đổi với PV Người Đưa Tin, nguyên ĐBQH Bùi Thị An bày tỏ: “Việc tăng tuổi nghỉ hưu hiện nay là cần thiết. Bởi, điều kiện kinh tế xã hội, dịch vụ phát triển chính vì thế con người khoẻ, tuổi thọ kéo dài. Thêm nữa, để đảm bảo cho quỹ bảo hiểm không bị “vỡ”.
Nhưng, tăng tuổi nghỉ hưu không cào bằng, có những ngành nghề độc hại thì cần cho nghỉ hưu sớm. Tôi cũng đề nghị thay đổi cách tiếp cận quyền bình đẳng công việc, nghĩa là mọi người đều được bình đẳng như nhau trong làm việc, nhưng nếu ưu tiên thì cho nữ nghỉ sớm 5 năm, rút ngắn thời gian đóng bảo hiểm y tế. Về độ tuổi nghỉ hưu của nam và nữ cũng cần phải bình đẳng như nhau, vì sao nam và nữ lại khác nhau. Tăng tuổi nghỉ hưu là cần nhưng tăng như phương án bộ LĐ-TB&XH nêu tôi thấy chưa ổn”.