Người dùng đang phân vân, có thể mua ngay Lumia 620 hoặc chờ khoảng một tháng để mua Lumia 520 với giá rẻ hơn 1 triệu đồng. Vậy Lumia 520 có đáng để chờ đợi không?
Thiết kế
Về thiết kế bên ngoài, Lumia 520 và 620 có nhiều điểm tương đồng. Cả hai đều sử dụng vỏ máy chất liệu polycarbonate, với nhiều màu sắc cá tính. Cả hai cũng có cách bố trí nút và kết nối tương đương nhau, với các nút cứng ở cạnh phải, cổng cắm tai nghe ở đỉnh máy và cổng MicroUSB ở đuôi máy.
Dù vậy, kiểu dáng của hai chiếc điện thoại này lại rất khác nhau. Trong khi Lumia 620 có kiểu dáng tròn trịa, thì Lumia 520 lại vuông vắn hơn hẳn. Màn hình của Lumia 520 cũng có kích thước lớn hơn một chút (4 inch, so với 3,8 inch của Lumia 620).
Thân máy Lumia 520 nhìn khá dày, giống như Lumia 620.
Kích thước của Lumia 520 cũng không chênh lệch nhiều so với Lumia 620, nhưng do màn hình to và kiểu dáng vuông hơn nên trông nó có vẻ to hơn. Lumia 520 cũng mỏng hơn Lumia 620 khoảng 1 mm, nhưng theo các ảnh chụp thực tế thì có lẽ dáng máy cũng khá giống Lumia 620, tạo cảm giác dày hơn thực tế.
Nhìn chung điểm khác biệt giữa Lumia 520 và Lumia 620 là kiểu dáng của hai máy. Lumia 620 có kiểu dáng tròn trịa nên có thể phù hợp với khác hàng nữ hơn. Trong khi đó Lumia 520 có kiểu dáng vuông vắn, nam tính hơn.
Thông số
Hai chiếc điện thoại Lumia này có cấu hình rất giống nhau: vi xử lý Snapdragon S4 tốc độ 1 GHz, đồ họa Adreno 305, và bộ nhớ RAM có dung lượng 512 MB. Theo kinh nghiệm sử dụng điện thoại Windows Phone của mình, tôi thấy các điện thoại Windows Phone 8 gần như không có sự khác biệt về hiệu năng khi sử dụng thông thường. Vì thế, có lẽ tốc độ xử lý của Lumia 520 sẽ tương đương với Lumia 620. Cả hai đều sẽ bị hạn chế với nhiều game "khủng" trên hệ điều hành Windows Phone, vốn yêu cầu máy phải có RAM tối thiểu 1 GB.
Màn hình Lumia 620 hiển thị rất tốt ngoài ánh nắng.
Khi so sánh về thông số màn hình thì Lumia 520 trội hơn một chút. Về kích cỡ, màn hình Lumia 520 có kích thước 4 inch, lớn hơn một chút so với màn hình 3,8 inch của Lumia 620. Về công nghệ, Lumia 520 sử dụng tấm nền IPS, có thể đem lại khả năng hiển thị màu sắc tốt. Trong khi đó, Nokia không đề cập đến những cái tên như AMOLED hay IPS khi nói tới màn hình của Lumia 620, mà chỉ đơn giản ghi là công nghệ TFT, cùng với ClearBlack giúp nhìn rõ màn hình ngoài nắng. Trong thực tế thì màn hình của Lumia 620 hiển thị tốt, đặc biệt là rất dễ nhìn dưới ánh nắng. Nokia không nhắc tới ClearBlack trên Lumia 520.
Ngoài ra, Nokia cũng đề cập đến công nghệ "Super-sensitive touch" trên màn hình Lumia 520, đem lại khả năng cảm ứng qua găng tay hay với các vật liệu khác. Lumia 620 thì không được trang bị công nghệ này, và không thể sử dụng khi đeo găng tay.
Dung lượng pin của Lumia 520 cũng cao hơn 10% so với Lumia 620 (1430 mAh so với 1300 mAh). Khi sử dụng thực tế, tôi thấy Lumia 620 có thể trụ được một ngày nếu sử dụng các tác vụ thông thường, nhưng hết pin khá nhanh nếu như sử dụng 3G. Lumia 520 có thể cải thiện một chút tình hình này tùy vậy cũng không nên kỳ vọng nhiều bởi màn hình của máy cũng lớn hơn một chút so với Lumia 620.
Về thông số máy ảnh, Lumia 620 lại trội hơn Lumia 520. Độ phân giải của camera sau trên hai máy là như nhau, và tôi nghĩ chúng sử dụng cùng loại cảm biến và các thành phần cấu thành máy ảnh, do đó chất lượng ảnh cũng tương đương nhau. Tuy nhiên Lumia 520 không có camera mặt trước, và cũng không có đèn flash. Chất lượng camera mặt trước của Lumia 620 không xuất sắc, nhưng nó cũng rất hữu ích đối với các chương trình gọi điện như Skype. Ảnh chụp từ Lumia 620 thường hơi tối, do đó đèn flash có thể là một sự bổ sung hữu ích, nhất là nếu bạn hay chụp ảnh trong nhà. Đèn flash trợ sáng cũng hỗ trợ lấy nét tốt hơn trong nhiều trường hợp.
Có đáng chờ hay không?
Hiện tại giá bán của Lumia 620 phổ biến khoảng hơn 5 triệu đồng, trong khi giá dự kiến của Lumia 520 là dưới 4 triệu. Sự chênh lệch giữa hai máy là khá lớn, nhất là đối với phân khúc smartphone giá rẻ.
Với một triệu đồng bỏ ra thêm, những ưu điểm bạn nhận được từ Lumia 620 là không nhiều. Điểm đáng kể nhất chính là camera trước và đèn flash trợ sáng. Chúng sẽ là các bổ sung hữu ích nếu như bạn thường xuyên thực hiện cuộc gọi qua các chương trình như Skype, hoặc thường chụp ảnh ở các môi trường thiếu sáng như trong nhà. Nếu không rơi vào các trường hợp trên, bạn có thể hài lòng với camera của Lumia 520. Lumia 620 cũng hơn ở điểm được hỗ trợ NFC, nhưng tính năng này hiện chưa có nhiều ứng dụng và cũng ít được dùng trong thực tế.
Trong khi đó, nếu lựa chọn Lumia 520, bên cạnh việc tiết kiệm được một khoản tiền không nhỏ, bạn còn có một điện thoại với màn hình lớn hơn, pin tốt hơn và có khả năng cảm ứng khi dùng găng tay. Kiểu dáng của máy cũng nam tính và phù hợp với nhiều người dùng hơn, nhưng đây là sự lựa chọn thuộc về sở thích từng người.
Nếu như bạn có thể chờ đợi khoảng một tháng nữa, và có thể bỏ qua một số thiếu sót về máy ảnh, thì Nokia Lumia 520 sẽ là điện thoại Windows Phone giá rẻ tốt nhất bạn có thể chọn.
Khánh Tuân
(Theo GenK)