Tùy thuộc vào các đặc tính khác khác như kiểu động cơ, loại hộp số, các trang bị đi kèm (option), giá bán của các phiên bản 1 cầu chủ động và 2 cầu chủ động sẽ khác nhau. Và nếu không kể các yếu tố khác thì phiên bản 2 cầu chủ động thường đắt hơn bản 1 cầu chủ động từ 10% đến 15%.
Giả sử bạn đang lưỡng lự lựa chọn giữa Toyota Fortuner 2.7V 4x4 (2 cầu chủ động bán thời gian) và Fortuner 2.7V 4x2 (cầu sau chủ động). Ngoài cấu hình dẫn động, sự chênh lệch về một số trang bị tùy chọn như camera lùi, hệ thống hỗ trợ đổ đèo, số lượng túi khí, kiểu đèn pha,… khiến phiên bản Fortuner 4x4 đắt hơn bản 4x2 hơn 150 triệu đồng. Tuy nhiên, bỏ qua yếu tố giá và các trang bị tùy chọn, thì nên chọn bản 4x4 hay 4x2? Câu hỏi tương tự cũng có thể được đặt ra đối với Ford Ranger, Toyota Hilux, Ford Everest…
Như đã nói trong bài “Các kiểu hệ thống dẫn động trên ô tô”, hệ thống dẫn động 2 cầu bán thời gian (4x4) có ưu thế vượt trội hơn hệ thống dẫn động 1 cầu (4x2) về khả năng chinh phục địa hình. Khi gặp các điều kiện đường khó khăn như đường đất sình lầy trơn trượt, đường cát lún, đường dốc nhiều sỏi, đường đất gập ghềnh nhiều chướng ngại vật, các dòng xe 4x2 sẽ gặp khó khăn khi cầu dẫn động bị mất bị bám, quay trơn trên mặt đường và có thể khó thoát khỏi một tình huống sa lầy. Với các phiên bản 4x4, lực kéo được truyền đến cả 4 bánh nên sẽ có lợi thế hơn, dễ thoát lầy và chinh phục địa hình tốt hơn.
Lợi thế này của hệ thống dẫn động hai cầu bán thời gian (4x4) chỉ phát huy trên đường địa hình. Với các loại xe này, khi gài dẫn động hai cầu thì cầu trước và cầu sau sẽ được nối cứng với nhau và quay cùng tốc độ. Do đó, chế độ dẫn động này không nên dùng khi đi trên mặt đường nhựa khô ráo, nhất là ở các đoạn cong, bởi ở những đoạn đường này thì tốc độ quay của bánh trước sẽ lớn hơn bánh sau. Việc gài cứng cầu trước và sau sẽ khiến các bánh trước không thể quay nhanh hơn bánh sau, dẫn đến một trong hai cầu buộc phải trượt trên mặt đường, khó đánh lái, nhanh mòn lốp, hoặc có thể gây hỏng hộp số phụ. Trên mặt đường nhựa có độ bám tốt, nhà sản xuất cũng khuyến cáo người dùng chỉ nên gài chế độ một cầu.
Trên thực tế thì ở Việt Nam, thời gian phải cần đến chế độ hai cầu dẫn động của đa phần người sử dụng xe là rất ít. Nhiều người thậm chí trong vài năm sử dụng chỉ cần đến chế độ dẫn động hai cầu đôi ba lần. Nên không ít ý kiến cho rằng, tậu một phiên bản dẫn động hai cầu bán thời gian (4x4) cũng gần giống như mua bảo hiểm, chi thêm tiền nhưng chỉ cần đến khi gặp rủi ro. Trong khi đó, mặc dù không nhiều nhưng các phiên bản 4x4 thường nặng hơn các bản 4x2 tương ứng, mức tiêu hao nhiên liệu cũng sẽ cao hơn chút ít. Nhận định này được đưa ra không đồng nghĩa với việc phủ nhận giá trị của các bản 4x4. Đã có không ít người chọn mua phiên bản 4x2, và sau vài lần đối mặt với đường địa hình khó khăn đã cảm thấy hối tiếc vì trước đó đã không chọn phiên bản 4x4.
Đối với hệ thống dẫn động 2 cầu bán thời gian, ngoài chế độ gài 1 cầu hoặc 2 cầu, hộp số phụ thông thường còn cho phép gài 2 cầu nhanh (4H) hoặc 2 cầu chậm (4L). Với chế độ 2 cầu chậm, tỷ số truyền cuối làm giảm tốc cầu dẫn động, tăng mô men xoắn trên bánh chủ động, giúp xe dễ dàng vượt chướng ngại vật và chinh phục địa hình tốt hơn. Tuy nhiên nhược điểm của hệ thống dẫn động này là không phù hợp để cài hai cầu chủ động khi đi đường trường như đã nói. Nhược điểm này được giải quyết trên các hệ thống dẫn động bốn bánh toàn thời gian (AWD) qua cơ cấu vi sai trung tâm giới hạn trượt, hoặc vi sai trung tâm kèm theo các hệ thống điều khiển điện tử phanh chống quay trơn trên từng bánh riêng lẻ. Đối với các hệ thống AWD thì người lái không cần can thiệp, mà xe sẽ tự động điều chỉnh cơ chế dẫn động.
Do có khả năng tự động điều chỉnh để phù hợp với điều kiện đường, nên các mẫu xe AWD tất nhiên sẽ cải thiện tính năng vận hành trên đường địa hình tốt hơn so với xe dẫn động 1 cầu, đồng thời khắc phục nhược điểm của xe 4x4 bán thời gian trên đường trường.
Ford Everest các thế hệ trước đây sử dụng hệ thống dẫn động 4 bánh bán thời gian (4x4) tương tự như Toyota Fortuner, nhưng ở thế hệ hiện tại thì mẫu xe này đã chuyển sang sử dụng hệ thống dẫn động 4 bánh toàn thời gian, trong đó người lái không cần thực hiện thao tác gài 1 cầu hoặc 2 cầu mà xe sẽ tự động điều chỉnh thông qua hộp phân phối chủ động và hệ thống kiểm soát địa hình, để tương thích với nhiều kiểu đường. Vậy, vẫn như câu hỏi đề ra ban đầu, trong trường hợp này thì nên chọn Ford Everest phiên bản 4x2 hay bản dẫn động hai cầu toàn thời gian? Câu trả lời vẫn là do nhu cầu đi địa hình nhiều hay ít, nhưng với Everest thì chênh lệch về số tiền bỏ ra là rất lớn. Hiện tại, các bản 4x2 của Ford Everest ở Việt Nam sử dụng động cơ 2.2, còn bản dẫn động bốn bánh toàn thời gian sử dụng động cơ dung tích tới 3.2L. Ngoài sự khác biệt về động cơ, Ford Everests 3.2 còn phong phú hơn rất nhiều về mặt trang bị. Tuy nhiên hệ thống dẫn động mới cũng góp phần làm cho giá bán của bản Everest 3.2 đắt hơn các bản 2.2 tới khoảng 600 triệu đồng.