Điều đáng nói, khi chuyển vàng nhái về vàng thương hiệu người dân sẽ phải mất phí và chịu không ít thiệt thòi. PV đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Ngọc Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam để rộng đường dư luận.
Gấp rút thu hồi vàng nhái
Một số người cho rằng, 300 lượng vàng nhái SJC bị phát hiện chỉ là bề nổi của tảng băng chìm, thực tế còn lớn hơn rất nhiều. Ông có bình luận gì về luồng ý kiến này?
Điều đó là hoàn toàn có căn cứ. Số vàng nhái đang trong quá trình SJC cho phép dập lại bao bì mới chắc chắn sẽ không dừng lại ở con số 300. Trong thời gian tới, khi hoạt động dập bao bì được tiếp tục tiến hành chắc chắn con số đó sẽ lớn hơn rất nhiều.
Ông Phạm Ngọc Hùng.
Theo ông, tại sao hiện tượng vàng nhái lại nở rộ trong thời gian gần đây?
Theo quan điểm của tôi, việc SJC được lựa chọn làm thương hiệu vàng quốc gia là nguyên nhân chính khiến số lượng vàng nhái thương hiệu này xuất hiện ngày càng nhiều. Hơn nữa, việc chênh lệch giữa giá vàng SJC với các thương hiệu vàng khác cũng dẫn đến tình trạng này. Chỉ cần làm nhái một lượng vàng SJC, đúng tuổi vàng và hàm lượng thì cũng lãi hơn 2 triệu đồng rồi.
Việc quy định thương hiệu vàng quốc gia là một cách để hạn chế tình trạng hỗn loạn về giá trước đây. Tuy nhiên làm thế nào để tránh được những rắc rối nảy sinh như hiện nay?
Chúng ta cần xem xét định lượng của miếng vàng đó có đảm bảo không, định tính có đạt tiêu chuẩn không. Tôi được biết, trong quá trình mua và bọc lại bao cho miếng vàng của khách, SJC miền Bắc có kiểm định thì phần lớn vàng nhái thương hiệu đều đảm bảo chất lượng, còn lại một phần là vàng bị rớt tuổi 9996, 9997 chứ không phải vàng 9999. Chính vì vậy, nếu trọng lượng đủ, hàm lượng đủ thì cớ gì chúng ta gọi đó là hàng giả.
Trước đây theo quy định của NHNN, giá trị của vàng căn cứ theo định lượng và độ tinh khiết. Giá trị của vàng không nằm trên giá trị của thương hiệu. Giờ đây NHNN ra quyết định độc quyền kinh doanh vàng miếng theo SJC. Chính vì vậy, việc kinh doanh dựa trên giá trị của vàng lại bị chuyển thành kinh doanh trên thương hiệu. Đây là điểm chúng ta cần lưu ý khi xem xét quyền lợi của những người không may bị mua nhầm vàng nhái.
Theo tôi, Nhà nước cần làm rõ cho người dân hiểu để họ yên tâm. Họ đang không hiểu tại sao cùng là vàng 4 số 9999 nhưng vàng của họ lại bị coi là nhái còn vàng SJC thì mới có giá trị, mới được coi là thật.
Hiện tượng vàng bị làm nhái sẽ ảnh hưởng ra sao tới quyền lợi của người tiêu dùng?
SJC được lấy làm thương hiệu vàng quốc gia sau khi chúng ta đang kinh doanh vàng bình thường. Sau đó khi có quy định về thương hiệu vàng quốc gia, những người mua SJC từ trước được hưởng lợi, còn những người mua các thương hiệu khác bỗng dưng phải chịu thêm một số chi phí. Nhiều người đã chịu thiệt thòi khi phải chuyển từ vàng miếng các thương hiệu khác sang vàng SJC và giờ đây lại xảy ra tình trạng vàng nhái SJC này.
Theo tôi, để người dân khỏi hoang mang và lấy lại được niềm tin khi đầu tư kinh doanh vàng, chúng ta cần phải có chính sách kịp thời để thu hồi hay mua lại vàng nhái vì điều này đang gây ra những thiệt hại đáng kể cho cả người tiêu dùng và doanh nghiệp SJC.
Nên miễn phí phí chuyển đổi
Các ngân hàng tỏ ra “vô can” trong vấn đề này, ông đánh giá thái độ của họ như thế nào?
Khi ngân hàng thu vàng của dân thì không quy định rõ về thương hiệu. Và khi trả lại cho dân lại nói rằng đó không biết là giả hay thật là vô trách nhiệm. Họ tin tưởng và đã gửi vàng cho ngân hàng thì ngân hàng không thể "phủi tay" như thế.
Đối với những người lao động, có khi họ phải chắt chiu dành dụm cả đời để có được những lượng vàng dùng vào việc lớn. Giờ đây họ lại phải khóc dở mếu dở khi phải bỏ ra tiền thật mười mươi mà lại chịu thiệt khi mua phải vàng nhái. Để trấn an người dân và giải quyết quyền lợi cho họ, theo ông, các bên có liên quan cần làm gì?
Theo tôi, để người dân bớt hoang mang và thị trường vàng không rơi vào tình trạng hỗn loạn, NHNN cần chỉ đạo SJC cho kiểm tra lượng vàng của dân. Đối với những người đang có vàng nhái, nếu số vàng đó đủ định tính, định lượng thì cần cho phép người dân chuyển đổi từ các vàng khác sang vàng SJC với mức phí mà họ có thể chịu đựng được.
Thị trường vàng thời gian qua có nhiều biến động, theo ông giải pháp tốt nhất cho thị trường này hiện nay là gì?
Theo dự đoán của Ủy ban giám sát tài chính quốc gia, lượng vàng trong dân lên tới 400 tấn. Để dân đưa lượng vàng khổng lồ này vào đầu tư kinh doanh sản xuất, thúc đẩy phát triển kinh tế của đất nước thì cần tạo thế ổn định cho thị trường vàng. Mục đích quản lý vàng là để tăng cường sự quản lý của Nhà nước và đưa lượng vào đang tồn trữ trong dân vào kinh doanh để tạo động lực phát triển kinh tế. Và nếu thị trường vàng ổn định thì mục đích này cũng mới đạt được.
Trên quan điểm của cá nhân tôi, chúng ta cần có cái nhìn thực tế hơn. Nếu chúng ta muốn thành lập một thương hiệu vàng quốc gia thì có thể xây dựng một thương hiệu riêng, không nên lấy một thương hiệu đã có trên thị trường rồi và gây ra những vấn đề chưa minh bạch được.
Nhiều người còn nghi vấn liệu có sự nâng đỡ của lợi ích nhóm trong vấn đề này. Vậy ông nghĩ sao?
300 lượng vàng nhái SJC chỉ là con số nhỏ. Đó là chưa tính đến con số hàng triệu lượng vàng của các thương hiệu khác đang bị chênh lệch tới 3-4 triệu đồng so với vàng SJC. Vì vậy, nếu để Nhà nước nắm độc quyền kinh doanh vàng, chúng ta có thể tạo ra một thương hiệu hoàn toàn mới. Vốn dĩ vàng trong dân ở thế bình đẳng, vì vậy khi cho chuyển từ các thương hiệu khác sang thương hiệu mới này chúng ta nên miễn phí phí chuyển đổi.
Làm được như thế, tôi chắc chắn người dân sẽ thêm tin tưởng vào vào thị trường vàng và mạnh dạn đầu tư. Số lượng 400 tấn vàng kia chắc chắn sẽ phát huy tác dụng với nền kinh tế đất nước.
Xin cảm ơn ông!
Phạm Hạnh - Anh Đức