Ngoài ý nghĩa “cá hóa rồng, vượt vũ môn”, làm phương tiện cho Táo quân cưỡi về trời, tục thả cá chép trong ngày 23 tháng Chạp còn thể hiện sự từ bi quý báu của người Việt Nam.
Bên cạnh đó, thả cá chép cũng mang ý nghĩa thăng hoa, biểu tượng cho tinh thần vượt khó, hướng đến một kết quả tốt đẹp. Vì vậy, phong tục này vẫn đang được phát huy và lưu truyền lại cho thế hệ sau hiểu được văn hóa dân tộc.
Mặc dù không có quy chuẩn cụ thể, nhưng các nhà sư đều cho rằng phóng sinh là để khơi lòng thiện lành của con người. Vì vậy, nên tránh việc cá bị chết trước khi được phóng sinh.
Theo quan niệm dân gian, cá chép phải được thả trước giờ Ngọ (12h trưa ngày 23 tháng Chạp) thì mới kịp lên Thiên đình. Do vậy, ngay từ tối ngày 22 đến sáng sớm 23 tháng Chạp, người người đã bắt đầu thả cá ra sông, suối, hồ nước gần nhà.
Thả cá chép đúng cách là thả từ từ, nhẹ nhàng xuống sông, hồ để cá còn có cơ hội được sống. Nhiều người cẩn thận còn thắp hương cầu khấn những điều tốt lành cho bản thân, gia đình rồi mới từ từ để cá chép bơi xuống mặt nước với lòng thành kính, thiêng liêng nhất.
Tuyệt đối không đứng ở thành cầu hay các điểm trên cao ném cá xuống sông, hồ, khiến cá không thể sống được. Người thả cá cũng không phóng sinh cá ở những nơi môi trường bị ô nhiễm vì cá sẽ ít cơ hội để sống sót.
Tuyệt đối tránh hành vi thả cá ồ ạt, theo phong trào, không chú ý xem cá có cơ hội sống sót hay không. Người dân cũng cần tránh việc đi thả cá mà đổ, ném, quăng cá hoặc ném luôn cả túi ni lông chứa cá xuống ao, hồ, làm ô nhiễm môi trường.
Ngoài ra, nên lưu lại một chút xem cá có bị mắc kẹt hoặc bị nước xô dạt lại vào bờ hay không rồi hẵng rời đi.
Lam Anh (Tổng Hợp)