Theo Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, Việt Nam nằm trong khu vực Đông Nam Á - là khu vực lưu hành sốt xuất huyết quanh năm với số ca mắc và tử vong cao.
Từ đầu năm 2022 đến nay, cả nước ghi nhận hơn 292.400 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 112 ca tử vong. So với cùng kỳ năm 2021, số ca mắc sốt xuất huyết tăng 4,8 lần, số ca tử vong tăng 91 trường hợp. Thời gian qua, dịch bệnh sốt xuất huyết bùng phát mạnh tại một số tỉnh, thành phố.
Tại Hà Nội, đến thời điểm này, số ca mắc sốt xuất huyết đã vượt qua ngưỡng cảnh báo dịch, tình hình dịch đang diễn biến phức tạp. Cộng dồn từ đầu năm 2022 đến nay, Hà Nội đã có 12.059 ca mắc sốt xuất huyết (tăng gấp 3,8 lần so với số mắc cùng kỳ năm 2021), trong đó có 12 ca tử vong (trong khi năm 2021 không có ca tử vong do sốt xuất huyết). Bệnh nhân phân bố tại 30/30 quận, huyện, thị xã; 545/579 xã, phường, thị trấn. Type virus Dengue lưu hành đã xác định được là DENV1 và DENV2, DENV4.
"Chưa năm nào, gia đình tôi lại có nhiều người mắc sốt xuất huyết cùng lúc như thế. Hàng xóm cũng mắc nhiều. Cả nhà cứ người này sắp khỏi thì người kia nhập viện, 2 bố con cùng nhập viện, muốn chăm sóc con mà người cứ bải hoải, đau đầu như búa bổ, không thể nào gượng dậy được. Lúc nhập viện, tiểu cầu giảm còn có 19. Nếu không nhập viện, có lẽ tôi không sống nổi", anh Nguyễn Đình Hoàn (quận Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ với báo Lao Động về 13 ngày nằm viện điều trị sốt xuất huyết.
Tương tự, chị Hà Thị Hiền (SN 1992, thị xã Sơn Tây, Hà Nội) cũng bị ám ảnh bởi những ngày khổ sở vì sốt xuất huyết. Chủ quan nghĩ sức khỏe tốt, những ngày đầu chị Hiền không đi viện. Xét nghiệm dương tính sốt xuất huyết, chị Hiền mua thuốc hạ sốt và một vài loại thuốc điều trị tại nhà. Nhưng đến ngày thứ 5, chị Hiền buộc phải nhập viện vì tiểu cầu giảm mạnh. Sau gần 2 tuần, chị mới được xuất viện.
Ghi nhận tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, không ít bệnh nhân mắc sốt xuất huyết đang trong tình trạng nặng, phải thở máy.
PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết, theo chu kỳ 5 năm miền Bắc sẽ xảy ra một đợt dịch sốt xuất huyết lớn và dự báo năm nay sẽ có dịch sốt xuất huyết lớn xảy ra.
Tại Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, số lượng bệnh nhân sốt xuất huyết ở Hà Nội và các tỉnh lân cận đang gia tăng. Nếu trong tháng 8, số bệnh nhân sốt xuất huyết có dấu hiệu cảnh báo phải nhập viện chỉ 70 ca, đến tháng 9, con số này tăng lên 160 ca và từ đầu tháng 10 đến nay, Trung tâm đã ghi nhận thêm hàng trăm bệnh nhân.
Mỗi ngày, có hàng chục bệnh nhân nặng phải nhập viện điều trị. Các bệnh nhân đến trong tình trạng tiểu cầu giảm nặng hoặc biểu hiện cô đặc máu, sốc, suy đa tạng... nhiều bệnh nhân tiểu cầu chỉ còn dưới 5G/L. Nhiều bệnh nhân còn có bệnh nền như bệnh gan, thận, tim, hoặc trên cơ địa phụ nữ có thai, trẻ em cần phải theo dõi điều trị sát sao.
PGS.TS Đỗ Duy Cường cho biết, nhiều người khi bị sốt thì nghĩ do Covid-19, cúm hoặc bệnh khác, không nghĩ tới bệnh sốt xuất huyết. Chỉ đến ngày thứ 4, thứ 5 của bệnh, khi máu bị cô đặc và có biểu hiện tiểu cầu hạ quá thấp thì mới đến viện. Lúc đó, bệnh nhân phải truyền tiểu cầu, hoặc dung dịch cao phân tử. Một số trường hợp nặng dẫn đến suy đa tạng, men gan tăng, suy gan, suy thận, thậm chí có bệnh nhân suy đa tạng phải lọc máu.
Theo bà Trần Thị Nhị Hà, Đại biểu Quốc hội, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, chúng ta nên ứng xử với dịch bệnh sốt xuất huyết như một sự kiện y tế công cộng khẩn cấp.
"Qua kiểm tra, giám sát, người dân trên địa bàn thành phố vẫn còn lơ là, chủ quan. Đặc biệt, ở các khu nhà trọ, những người dân thuê trọ mới chuyển đến chưa được tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết", bà Hà nói.
Bà Hà cho hay, điều quan trọng nhất để ngăn chặn sự bùng phát của dịch sốt xuất huyết là diệt muỗi, lăng quăng, bọ gậy, phòng muỗi đốt và giữ vệ sinh sạch sẽ nhà ở cũng như môi trường xung quanh.
“Người dân cần tích cực tham gia vào quá trình phòng, chống dịch và chung tay với chính quyền địa phương thực hiện phòng, chống dịch”, bà Hà nhấn mạnh.
Mặt khác, các tổ xung kích diệt bọ gậy, đội giám sát cộng đồng cũng được yêu cầu hoạt động thực chất, hiệu quả, phát hiện kịp thời các điểm nguy cơ cao, từ đó có biện pháp xử lý sớm.
Ngoài ra, với thực trạng ghi nhận nhiều ca bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn thời gian qua, Sở Y tế Hà Nội chỉ đạo các đơn vị trong ngành thực hiện phân luồng, phân tuyến cho các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn, từ đó đảm bảo người dân được chăm sóc, điều trị và chuyển tuyến kịp thời. Sở cũng yêu cầu các cơ sở khám, chữa bệnh bố trí giường bệnh, thuốc, vật tư tiêu hao... đáp ứng nhu cầu điều trị cho người dân.
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội dự báo dịch bệnh sốt xuất huyết trong thời gian tới vẫn sẽ diễn biến phức tạp, số ca mắc có thể tiếp tục gia tăng do điều kiện khí hậu phù hợp cho sự phát triển của muỗi truyền bệnh, kết hợp với việc di biến động dân cư trên địa bàn thành phố. “Dịch bệnh sốt xuất huyết sẽ bùng phát đỉnh điểm vào tháng 11, 12”, vị lãnh đạo cảnh báo.
Lúc này, vai trò của chính quyền địa phương là rất quan trọng. Chủ tịch UBND thành phố đã ban hành chỉ thị, yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm toàn diện về công tác phòng, chống sốt xuất huyết trên địa bàn, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng lơ là, chủ quan.
Theo bà Hà, các hình thức tuyên truyền cũng cần thay đổi, dễ hiểu, dễ nhớ, đơn giản hơn... để người dân tiếp cận được các biện pháp phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết.
Minh Hoa (t/h theo Lao Động, Zing)