Vì sao tháng 7 âm lịch được gọi là tháng cô hồn?
Thông tin trên VTV, ở Trung Quốc, nguồn gốc của tháng 7 âm lịch (tháng cô hồn) bắt nguồn từ việc Ngọc Hoàng cho Diêm Vương mở cửa Quỷ môn quan vào ngày 2/7 hàng năm để ma đói quỷ đói được trở lại trần gian rồi đến rằm lại quay về. Chính vì thế, theo tục lệ dân gian, người trần gian phải cúng cháo, gạo, muối cho ma quỷ đói để ma quỷ không quấy nhiễu cuộc sống thường ngày. Hàng năm, người dân Trung Quốc tiến hành cúng cô hồn vào ngày 14/7 Âm lịch.
Ở Việt Nam, theo dân gian, người Việt cúng tháng 7 âm lịch kéo dài 1 tháng, tùy thuộc vào từng gia đình, từng vùng miền khác nhau chứ không ấn định riêng một ngày nào. Người dân cũng quan niệm rằng, tháng 7 âm lịch là tháng không đem lại may mắn nên hầu hết các công việc cưới hỏi, khởi công xây dựng, mua sắm, đi xa,… đều tránh tháng 7.
Trong tháng 7 âm lịch hàng năm, ngoài lễ cúng Cô hồn còn có lễ Vu Lan. Lễ Vu lan hay còn gọi là Lễ báo hiếu - một trong những ngày lễ chính của Phật giáo. Lễ Vu Lan gắn với tích về Mục Kiền Liên, đệ tử của Đức Phật, là một vị tôn giả tu luyện được nhiều phép thần thông. Theo lời Phật dạy, các phật tử muốn báo hiếu cha mẹ nên cử hành lễ Vu Lan để cầu siêu cho các đấng sinh thành và cầu phá địa ngục cho những vong hồn.
Tháng cô hồn và lễ Vu Lan không chỉ phổ biến ở Việt Nam, Trung Quốc mà còn ở rất nhiều các quốc gia khác, đặc biệt là các nước Á Đông. Ở Nhật Bản, ngày lễ này được tổ chức vào ngày 7/7 Âm lịch và cả ngày rằm tháng 7. Ở Đài Loan (Trung Quốc), ngày lễ này được kéo dài cả tháng nhưng thông thường tập trung vào ngày 15 của tháng với 3 phần khác nhau.
Những điều nên và không nên làm trong tháng 7 âm lịch
Cúng tháng 7 âm lịch là một tín ngưỡng dân gian quan trọng. Ngoài những lễ tiết cúng bái, dân gian còn tương truyền cả những điều con người nên làm và không nên làm trong tháng 7 âm lịch để cầu mong được bình an, hạnh phúc. Chia sẻ với VietNamNet, Giáo sư, Viện sĩ Lương Ngọc Huỳnh nêu ra những điều nên và không nên làm trong tháng 7 âm lịch theo quan niệm dân gian:
1. Mọi người nên đọc sám hối trong tháng này. Đọc sám hối thay cho cả gia tiên. (Đọc nhiều lần, đọc ở bất kỳ nơi nào, bất kỳ thời điểm nào chỉ cần kính tâm hành lễ).
2. Không nên nổi nóng cáu giận, chửi nhau, đánh nhau… trong tháng này.
3. Hạn chế tiếp xúc, chơi bời tụ tập trong tháng này.
4. Không nên sát sinh động vật trong tháng này.
5. Tổ chức cầu siêu cho những linh hồn của người và vạn vật trong tháng này.
6. Tạ ơn Diêm Vương và Địa Tạng Vương trong tháng này (ngày 7/7 (âm lịch).
7. Thờ cúng gia tiên cẩn thận cùng các lễ vật cần thiết cho gia tiên trong tháng này.
8. Không cưới xin, động thổ, khai trương, đào giếng, chặt cây trong tháng này.
9. Không xem bói toán, tử vi, tướng số trong tháng này (tháng cô hồn, lộ thiên cơ không tốt).
10. Dành dụm tiền bạc để báo hiếu mẹ cha trong tháng này.
11. Thận trọng khi tham gia giao thông trong tháng này vì rất dễ xảy ra tai nạn.
Những điều nên làm hay không nên làm trong tháng cô hồn đều là những tín ngưỡng dân gian theo kinh nghiệm truyền lại mà không ai hay một ngành khoa học nào có thể kiểm chứng đúng sai. Nhưng với quan niệm rằng "có thờ có thiêng, có kiêng có lành" nên người dân vẫn chú trọng làm theo. Hơn nữa, người Việt xưa cho rằng cúng tháng 7 âm lịch là một hành động nhân đạo, mang tính nhân văn cao cả của con người, thể hiện lòng kính trọng, tôn nghiêm của người còn sống đối với người đã khuất, đề cao việc báo hiếu và làm phúc bố thí.
* Thông tin trong bài chỉ mang tính chất tham khảo