17 chiếc đầu đá khổng lồ
Những câu hỏi xoay quanh nền văn minh mới được phát hiện này liên tục được đặt ra bởi nền văn minh Trung Mỹ luôn ẩn chứa những điều bí ẩn hết sức thú vị. Theo các tài liệu khoa học, Olmec là nền văn minh Trung Mỹ đầu tiên, tồn tại trong khoảng từ năm 1400 đến năm 300 trước Công nguyên. Tộc người Olmec cư ngụ tại bờ biển đất thấp của Vịnh Mexico. Tuy nhiên, họ đã phát triển một mạng lưới giao thương buôn bán từ thung lũng Mexico ở phía Bắc tới Trung Mỹ ở miền Nam. Mạng lưới này cho phép họ chia sẻ các sáng kiến như tục hiến tế người, lịch, các trò chơi bóng kiểu Trung Mỹ và một hệ thống chữ viết gồm các thanh ngang và chấm tròn cùng với những nền văn minh của người Maya và Aztec sau này. Điều đáng chú ý ở nền văn minh Olmec là 17 chiếc đầu đá khổng lồ, nằm rải rác khắp nơi trên lãnh thổ sinh sống của họ. Các nhà khoa học ngày nay vẫn chưa hiểu bằng cách nào người Olmec có thể tạo ra những khối tượng khổng lồ như vậy.
Nhà nghiên cứu bên chiếc đầu đá khổng lồ của người Olmec
Chính những bí ẩn mới mẻ đó đã thu hút các nhà khoa học - nghiên cứu vào cuộc. Matthew Stirling, người đứng đầu cục Dân tộc học của Mỹ đang tiến hành nghiên cứu một vài di chỉ khảo cổ thời tiền sử vào thời điểm đó. Ông đang hướng tới Tres Zapota, một địa điểm có thể mang nhiều dấu vết của người tiền sử. Cùng làm việc với ông là cộng sự William Duncan Strong, đứng đầu bộ phận Nhân chủng học trường đại học Columbia trong việc tìm kiếm. Tuy nhiên, do Tres Zapota là khu vực chưa phát triển, còn nhiều hoang sơ nên họ cần tới sự giúp đỡ của một người am hiểu về vùng đất bí ẩn này. Bởi vậy, họ đã tìm tới Clarence Wolsey Weiant, một nghiên cứu sinh đang thực hiện luận án tiến sĩ về Tres Zapota huyền bí. Công cuộc thám hiểm bắt đầu.
Mặc dù đã chuẩn bị sẵn tinh thần rằng, chuyến đi sẽ gặp rất nhiều khó khăn nhưng họ vẫn bị bất ngờ với con đường họ phải đi qua. Bốn tháng sau khi bắt đầu, đoàn thám hiểm gặp rất nhiều chướng ngại như địa hình đầm lầy, mưa liên tục, các loại nhện, rắn và côn trùng khi họ tìm kiếm suốt hai dặm quanh vùng. Nhưng bù lại, tại đây, họ phát hiện những phiến đá cổ xưa nhất của nền văn minh Trung Mỹ, một bức tượng tôn giáo và 15 tác phẩm điêu khắc chữ U.
Đầu đá Olmec có sắc thái biểu cảm rất sinh động
Và phát hiện lớn nhất của họ là những hiện vật nhân tạo khổng lồ trong rừng: 17 chiếc đầu khổng lồ được chôn rải rác khắp nơi. Để có được thành công này, đoàn nghiên cứu cũng phải cám ơn sự may mắn của họ. Weiant đã được nghe một người dân địa phương thuật lại một câu chuyện của đoàn thám hiểm vài năm trước đó về di chỉ trong rừng. Anh quyết định dẫn đoàn thám hiểm vào rừng và tại đây, họ đã đào một cái rãnh sâu và phát hiện ra hiện vật nhân tạo nổi tiếng nhất nền văn minh Trung Mỹ: Chiếc đầu Cabeza Colosal cao 1,8m. Tiếp sau đó, họ đã dần tìm được thêm 16 tượng đầu khổng lồ nữa tại bốn địa điểm, cụ thể là Tres Zapota (2 chiếc), Rancho la Cobata (1 chiếc), La Venta (4 chiếc) và San Lorenzo (10 chiếc).
Olmec "hạ bệ" Maya
Theo phân tích của đoàn nghiên cứu, những chiếc đầu Olmec được khắc từ đá badan núi lửa nguyên khối của núi Tuxtlas và có chiều cao dao động từ 1,47m đến 3,4m. Trước khi các khối đá được khắc, chúng được di chuyển về địa điểm khắc từ khoảng cách 300km. Cho đến nay, các nhà khoa học vẫn thắc mắc, không hiểu làm sao người Olmec có thể di chuyển được những khối đá nặng đến gần 20 tấn như vậy. Họ lập luận, nếu dùng sức người thì cần phải có 1.500 người di chuyển liên tục trong 3 - 4 tháng mới có thể đưa đá về nơi chạm khắc. Dụng cụ khắc cũng là đồ đá chứ không phải sắt hay đồng nên việc chạm khắc rất tốn thời gian. Tuy nhiên, điều kỳ lạ là biểu cảm trên khuôn mặt các bức tượng đều sống động đến khó tin.
Các nhà khoa học tìm thấy một chiếc đầu khổng lồ trong rừng
Câu hỏi thứ hai được đặt ra là những chiếc đầu đá này tượng trưng cho ai? Có hai giả thuyết chính về các nhân vật được chạm khắc trên đầu đá. Giả thuyết đầu tiên và phổ biến nhất là người Olmec khắc tượng những tướng lĩnh vĩ đại của họ trong quân sự. Tuy nhiên, nếu dựa vào chiếc mũ các pho tượng mang trên đầu, có thể đây là tượng biểu trưng cho đầu của các cầu thủ bóng đá bị hành quyết thời đó (thời Trung Mỹ, nếu chơi bóng thua thì người thua sẽ bị chặt đầu). Tuy nhiên, dù những chiếc đầu này đại diện cho ai, chúng vẫn có điểm đặc biệt là không có chiếc đầu nào có nét biểu cảm trùng với chiếc đầu nào. Mỗi chiếc có những họa tiết và biểu trưng cá nhân riêng rẽ. Một điểm bí ẩn nữa trong số 17 chiếc đầu đá là có hai chiếc đầu đã được khắc lại, không rõ nguyên do là tôn giáo hay vì... thiếu đá.
Quả thực, cho đến thời điểm hiện tại, phát hiện về nền văn minh Olmec, đặc biệt là 17 chiếc đầu kỳ lạ đã thay đổi suy nghĩ của các nhà nhân chủng học trước đó. Họ từng cho rằng nền văn minh Maya mới là khởi nguồn cho văn minh Trung Mỹ, nhưng có lẽ người Olmec mới thực sự là những người chủ đầu tiên ở khu vực này từ năm 1400 đến năm 300 trước Công nguyên. Điều này càng có cơ sở khi những nghiên cứu sau này cho thấy, nền văn minh Maya và Aztec đều có gốc Olmec. Điểm tuyệt vời là họ đã xây dựng được những thành phố vĩ đại và các kim tự tháp trước khi thành Rome và các kim tự tháp Ai Cập ra đời.
Cư dân Olmec là người châu lục nào? Điều khiến các nhà nhân chủng học "đau đầu" nhất kể từ khi 17 chiếc đầu này được công khai là nguồn gốc của chúng. Họ tranh cãi kịch liệt khi phân tích những chiếc đầu. Chúng có đôi môi dày, mặt mỏng và mũi to, đặc điểm nổi bật của người châu Phi và các nhà khoa học tin rằng, người Olmec là những người châu Phi đã tới định cư tại châu Mỹ. Tuy nhiên, giả thuyết này ngay sau đó bị nhiều nhà nhân chủng học khác bác bỏ. Những người này suy đoán rằng, sở dĩ tượng được khắc như vậy là do việc chạm khắc trên đá bằng công cụ thô sơ và rất khó khăn nên các đường nét sẽ trở nên to và dày hơn bình thường. Nếu dựa vào lập luận này để tìm ra nguồn gốc của các pho tượng thì người ta càng có cơ sở khẳng định pho tượng Jade (tượng phật lớn nhất thế giới) mang các đặc điểm của người châu Á. |
An Mai (Theo Suite101)