Đọc thêm >> Bị chế ảnh trên facebook, nữ sinh uống thuốc sâu tự tử
>> Di thư của nữ sinh tự tử vì bị chế ảnh trên facebook
Như báo Nguoiduatin.vn đã có bài phản ánh về việc một nữ sinh lớp 12 trường THPT Hai Bà Trưng huyện Thạch Thất, Hà Nội đã tự tử bằng thuốc diệt cỏ và chết vì bị bạn chế ảnh “nhạy cảm” đăng lên facebook.
Liên quan đến vụ việc này, PV báo Nguoiduatin.vn đã có cuộc trao đổi với luật gia Giang Văn Quyết, thuộc thành hội luật gia Hà Nội:
PV: Thưa ông! vụ việc nữ sinh lớp 12 tự tử vì bị bạn chế ảnh “nhạy cảm” rồi tung lên mạng facebook chia sẻ cho người khác đang nhận được rất nhiều sự quan tâm từ phía bạn đọc. Nhiều người cho rằng hành vi này có dấu hiệu của tội bức tử, dưới góc độ pháp lý luật gia có thể cho biết đánh giá của mình?
Mấy ngày qua, tôi cũng theo dõi vụ việc này trên báo điện tử Nguoiduatin.vn, đây là một vụ việc rất đau xót. Nó là lời cảnh báo cho những ai lạm dụng mạng xã hội, lạm dụng sự tự do cá nhân làm ảnh hưởng đến người khác, thậm chí gây ra hậu quả rất nghiêm trọng.
Di thư mà em Linh để lại trước khi chết.
Về phương diện pháp lý, căn cứ những tình tiết mà báo Nguoiduatin.vn đã phản ánh thì có thể thấy ở đây chưa có dấu hiệu đầy đủ của tội “bức tử”. Mặc dù một trong những dấu hiệu của tội bức tử là dẫn đến hậu quả người khác “tự sát” tuy nhiên chủ thể nạn nhân của tội bức tử phải là người “lệ thuộc” với người phạm tội. Trong khi ở vụ việc này nữ sinh tự sát là do bạn cùng lớp ghép ảnh, chế ảnh mà dẫn đến tự tử, chứ không phải là việc có hành vi đối xử tàn ác, thường xuyên ức hiếp, ngược đãi hoặc làm nhục người lệ thuộc dẫn đến người lệ thuộc tự sát như quy định của Bộ luật hình sự về tội bức tử.
PV: Vâng, thưa luật gia, vậy trong vụ việc này, người chế ảnh có dấu hiệu của hành vi phạm tội không? Và nếu có thì đó là tội gì?
Vụ việc vẫn đang được cơ quan chức năng tiến hành xác minh, điều tra. Việc khẳng định người chế ảnh có tội phạm hay không có lẽ phụ thuộc vào kết quả điều tra cụ thể.
Tuy nhiên, việc một cá nhân chế ảnh người khác lên facebook, nhất là ảnh nhạy cảm, rồi chia sẻ cho người khác xem thì đúng là có dấu hiệu của “tội làm nhục người khác”.
Rõ ràng hành vi ghép ảnh này, dù là mục đích trêu đùa hay mục đích gì thì ít nhiều ảnh hưởng đến danh dự của nạn nhân. Nhất là khi nạn nhân đã có động thái yêu cầu người ghép ảnh gỡ ảnh xuống mà người này vẫn cố tình đưa lên mạng thì có thể xem xét về động cơ và lỗi cố ý của người có hành vi làm nhục.
Cần phải lưu ý, với mỗi con người thì việc cảm thấy bị làm nhục bị tổn thương là khác nhau. Trường hợp của em Linh, em vì bị chế ảnh mà xấu hổ dẫn đến tự tử thì có nghĩa là với em ấy hành vi đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự và nhân phẩm.
Tôi cho rằng phía cơ quan điều tra cũng phải xem xét kỹ vấn đề này, nếu đủ điều kiện khởi tố thì cần khởi tố vụ án, khởi tố bị can để răn đe và làm gương cho người khác. Thực trạng nhiều người lạm dụng mạng xã hội có những hành vi gây ảnh hưởng đến người khác đang rất báo động.
Điều 100. Tội bức tử (Bộ luật hình sự sửa đổi bổ sung năm 2009) 1. Người nào đối xử tàn ác, thường xuyên ức hiếp, ngược đãi hoặc làm nhục người lệ thuộc mình làm người đó tự sát, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm. 2. Phạm tội làm nhiều người tự sát thì bị phạt tù từ năm năm đến mười hai năm. Điều 121. Tội làm nhục người khác 1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến ba năm: a) Phạm tội nhiều lần; b) Đối với nhiều người; c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; d) Đối với người thi hành công vụ; đ) Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình. 3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm. |
Băng Tâm