Tuổi trẻ lầm lạc
Bây giờ kể lại, anh Tuấn không dám nhớ lại tuổi thơ của mình. Khi bạn đồng trang lứa ấp ủ xây những giấc mơ tương lai, thì chính anh lại giết cuộc đời bằng cuộc chơi thâu đêm, đắm mình trong ma tuý và những lần vào trại cai nghiện không thành. Nhóm bạn của anh có hơn một nửa bị nghiện hút. Trong đó, có người phải đi trại cai nghiện, có người chết vì sốc thuốc. Tuấn thở dài: "Đó là thời kỳ đen tối nhất của cuộc đời tôi".
Anh Tuấn ân hận và day dứt khi nhắc lại quá khứ lầm lỗi của mình.
Là con trai út trong một gia đình khá giả giữa Thủ đô Hà Nội, Nguyễn Anh Tuấn được cha mẹ khá nuông chiều. Nhưng bố mẹ Tuấn chỉ quan tâm đến việc làm ăn mà không để ý đến những thay đổi của con trai mình. Mới 11 tuổi, Tuấn đã được mệnh danh là "đầu gấu" trong trường, với "thành tích" là những lần trốn học đi chơi hay gây hấn với bạn bè. Cả tuần, Tuấn chỉ đến trường 1 - 2 buổi. Lên đến lớp 7, sức học của Tuấn không thể theo kịp bạn bè. Khuyên con chú tâm học hành không được, bố mẹ Tuấn dù rất buồn phiền, cũng chấp nhận cho con đi làm với hy vọng Tuấn sẽ trưởng thành hơn. Nào ngờ, chưa kịp kiếm ra tiền, Tuấn đã vướng vào ma túy, "nướng" tiền bố mẹ vào thứ bột trắng và những cơn nghiện kéo dài triền miên.
Để có tiền chích hút, Tuấn cùng bạn đi trộm cắp, cướp giật. Tuấn lang thang các trường học, lợi dụng sơ hở của học sinh và giáo viên để chôm đồ. Trong một lần đang mon men lấy đồ của giáo viên tại trường cũ, Tuấn bị phát hiện và bắt giữ. 17 tuổi, Tuấn đã phải đối mặt với quyết định cải tạo 2 năm về hành vi trộm cắp tài sản.
Hết hai năm cải tạo, vừa về với xã hội được mấy tháng, Tuấn đã gây sự đánh nhau và tiếp tục bị bắt giữ. Lần này, Tuấn tiếp tục vào trại giam 1 năm.
Chứng kiến con trai rơi vào vũng lầy tối tăm, bố mẹ Tuấn khóc cạn nước mắt. Mỗi lần thấy bố mẹ vào thăm mình trong trại, nỗi ân hận cứ cào xé tâm can Tuấn. Khao khát được làm lại cuộc đời trỗi dậy. Nhưng vừa tự do, những cám dỗ không buông tha Tuấn. Anh tái nghiện. Đổ lỗi cho quá khứ không thể giúp con hoàn lương, bố mẹ Tuấn ép Tuấn đi trại cai nghiện.
Được một năm, thấy sức khỏe đã khá, Tuấn được cho về cai nghiện tại nhà. Nhưng dính vào ma túy khác nào tự đeo án tù chung thân suốt đời. Tuấn cứ cai xong rồi lại nghiện. "Trong trại, cán bộ giúp mình cắt được cơn. Thời gian còn lại thì đi lao động để quên đi cảm giác thèm.
Nhưng về đến nhà, chỉ cần ngửi thấy mùi thuốc lá là chân tay đã bủn rủn, miệng khô khốc đến bỏng rát. Thiếu thuốc, con người tôi điên dại, cồn cào, bức bối, bất cứ cái gì cản trở đều khiến tôi khó chịu. Tôi không thể làm chủ được bản thân, chỉ muốn chạy đi tìm thuốc thật nhanh", Tuấn kể. Có hôm đang lên cơn, mẹ Tuấn vừa khóc vừa ôm chân, cầu xin anh kiềm chế, đừng đi tìm thuốc nhưng không được. Anh hất tay mẹ, chạy thục mạng đến nơi có thể cho anh thuốc hút. Bốn lần đi cai nghiện của Tuấn đều bất thành.
Năm 2006, trong một lần đi mua đồ ở chợ Đồng Xuân, Tuấn gặp cô gái làm thay đổi cuộc đời anh. Lần đầu tiên nhìn thấy chị Vũ Thị Nga (SN 1979), Tuấn cảm thấy trái tim đập loạn nhịp. Đêm về, chàng trai chưa một lần yêu đương bỗng nhớ nhớ, thương thương nụ cười cô gái đó. Rồi bước chân Tuấn cứ tự động tìm đến chợ Đồng Xuân, để chỉ được nhìn thấy người con gái mà mình thầm thương, trộm nhớ.
Để chinh phục Nga, Tuấn mặc áo sơ mi dài tay, quần âu để che vết xăm trổ trên người rồi lân la, bắt chuyện với Nga. Sau 5 tháng yêu nhau, Tuấn vẫn giấu người yêu chuyện mình nghiện hút. Mãi đến khi tin vui đã báo đi, Tuấn mới khai thật là đã từng đi tù và đi cai nghiện. "Tôi ích kỷ, sợ cô ấy sẽ bỏ tôi đi. Nhưng cô ấy không than trách, chỉ hỏi tại sao tôi lại giấu giếm chuyện đó. Rồi cô ấy ôm chặt tôi và hứa sẽ bên cạnh để cùng tôi vượt qua giai đoạn khó khăn nhất này, làm lại cuộc đời. Thế mà tận 5 năm sau ngày cưới, tôi mới cai nghiện thành công, có việc làm để đỡ đần cô ấy", anh Tuấn kể.
Anh Tuấn cùng các thành viên trong công ty Hòa Hương.
Gian nan hoàn lương
Tỉnh dậy sau những lần say thuốc, cảm nhận cơ thể đầy vết kim châm, các khớp xương rã rời, nỗi ân hận ngập tràn. Thương bố mẹ, yêu vợ nhưng sức cám dỗ của ma túy bóp chết sự dũng cảm của Tuấn. Mỗi khi lên cơn, Tuấn như một kẻ điên mất hết lý trí và phương hướng, dọa chém, dọa giết khi Nga cố ngăn chồng không đi tìm thuốc. Có lần, Tuấn xô vợ ngã ra sàn, trầy xước tay chân rồi bỏ chạy, mặc cho vợ khóc lóc, van xin.
Năm 2007, sau một thời gian tái nghiện, anh đồng ý đi trại cai nghiện ở Ba Vì. Lúc anh đi, chị Nga đang mang bầu đứa con trai đầu lòng được 6 tháng. Mặc dù vợ và bố mẹ luôn động viên, nhưng anh hiểu, trong đôi mắt sâu ầng ậc nước đó là cả một bầu tâm sự của người mẹ sắp lâm bồn, ngày sinh con không có chồng bên cạnh.
Những ngày ở trại, giấc mơ về cậu con trai bé bỏng sắp chào đời và khuôn mặt hạnh phúc của vợ cứ ám ảnh anh, khiến anh khắc khoải ngày trở về. Giận bản thân mình, càng vùng vẫy muốn thoát khỏi 4 bức tường, anh càng thấy cuộc sống chật chội. Khi con được hai tháng tuổi, vợ bế con vào trại thăm anh. Bế đứa con còn đỏ hỏn đang ngủ ngoan trên tay, nước mắt Tuấn trào ra. Nước mắt của người cha lần đầu được gặp con, giọt nước mắt ân hận xen lẫn tình thương. Sau đó, đều đặn mỗi tháng chị Nga lại bế con lên trại cai nghiện thăm anh. Vợ chồng anh đặt tên con là Nguyễn Vũ Nam.
Những tưởng trở về với cuộc sống tự do, ngày ngày vui đùa bên con sẽ giúp Tuấn quên đi bóng ma của ma tuý, quên đi những cám dỗ đời thường. Nhưng ra đường, nhận về những ánh mắt xa lánh của mọi người, cảm giác mặc cảm là người xấu lại ùa về trong Tuấn. Không công ăn việc làm, Tuấn tìm đến nhóm bạn cũ rồi lại sa ngã thêm lần nữa. Năm 2010, anh lại bước chân vào trại cai nghiện.
Lấy lại cuộc đời
Hai năm sau, anh trở về bên mái ấm của mình. Thật may mắn cho anh, người anh họ là Đỗ Minh Hòa, giám đốc công ty TNHH Hòa Hương đã giúp anh cứu lấy cuộc đời mình. Anh Hòa gọi anh lại bảo anh đi học lái xe và sẽ xin việc cho. Nhìn vào số tiền học phí, anh Tuấn chần chừ, bởi hoàn cảnh gia đình khó khăn sau một thời gian dài anh "nướng" tiền vào ma túy. Nghe vợ nói: "Dù có phải đi vay nặng lãi thì em vẫn sẽ cố gắng để anh đi học lái xe" làm Tuấn rưng rưng nước mắt. Anh đã có lỗi với cha mẹ, vợ con nhiều như thế, nhưng họ luôn dang rộng cánh tay đón anh về. Làm sao anh có thể tiếp tục làm khổ họ nữa?
Tháng đầu tiên cầm đồng lương do sức lao động làm ra, Tuấn nghẹn ngào, chỉ muốn òa khóc như một đứa trẻ. Anh đưa hết cho vợ để trang trải sinh hoạt và nộp học cho con. "Tôi thấy mắt cô ấy ướt nhòe nhưng miệng cười tươi rói. Có lẽ, cô ấy đã chờ đợi giây phút này lâu lắm rồi, không phải vì mấy đồng lương ít ỏi của tôi mà vì chồng đã có ý thức trách nhiệm với gia đình", Tuấn kể.
Sau khi lái xe cho công ty, Tuấn được tham gia CLB Hướng thiện dành cho những người lầm lỡ do giám đốc Hòa tổ chức. CLB thường xuyên phát cháo, cơm từ thiện đến với bệnh nhân nghèo ở bệnh viện K (Thanh Trì, Hà Nội).
Từ khi có công việc và đi làm từ thiện, cuộc sống của anh rẽ sang hướng khác. Nói chuyện với tôi, anh không giấu được niềm vui: "Con trai tôi hiện đang học lớp 1. Cứ 4h chiều là tôi phải đi đón con". Thỉnh thoảng, Tuấn dẫn vợ và con đi sắm đồ. Chị Nga hiện đang mang bầu đứa con thứ hai. Sức khỏe anh cũng được cải thiện. Trong đôi mắt của người đàn ông đó ánh lên niềm hạnh phúc, thứ hạnh phúc của một người vừa mới có cảm giác được sống một cuộc sống theo đúng nghĩa.
Muốn gột sạch quá khứ sai lầm Cứ chiều thứ 3 và thứ 7 hàng tuần, Tuấn lại cùng mọi người mang suất cơm nấu sẵn đến viện K2 để phát cho các bệnh nhân ung thư. Những đứa trẻ vừa 4 - 5 tuổi nhưng có thâm niên 3 năm điều trị ở bệnh viện, đầu trọc lóc vì thuốc kháng sinh và xạ trị; có đứa hôm trước còn cười nói với người phát cháo, hôm sau đã nghe tin cháu qua đời; có đứa trẻ còn bé xíu đã phải cắt bỏ một chân. Tất cả những hình ảnh đó cứ ám ảnh anh. Quá khứ ùa về, Tuấn càng day dứt muốn làm thật nhiều cho những người bất hạnh. |
Vân Thanh - Thuỷ Triều