Bây giờ, mỗi lần ngang qua con đường Đồng Khởi (xưa là đường Catinat), không ít người Sài Gòn từng sống trước năm 1975 như vẫn thấy thấp thoáng đâu đây quá vãng của một thuở xưa. Lúc đó, đường Catinat là bộ mặt sinh hoạt của cả Sài Gòn - thành phố thuộc địa đầu tiên ở vùng Viễn Đông, với sự hiện diện của khoảng 3.000 người Pháp, hơn 3/4 trong số này là sĩ quan và viên chức.
Người Pháp đã xây dựng nhiều công trình kiến trúc trên đất Sài Gòn, mang đến đây cả lối sống theo phong cách châu Âu, như một bản sao của nước Pháp. Tiêu biểu cho sinh hoạt trên đường Catinat vào thời kỳ đầu Pháp thuộc là nhiều cơ sở dịch vụ thương mại được thành lập từ rất sớm: Những khách sạn, nhà hàng bắt đầu xuất hiện, những cửa hiệu buôn bán sang trọng, những thương xá sầm uất… Và đương nhiên, không thể thiếu những khu giải trí, vui chơi kiểu Pháp: Rạp hát, quán cafe, quán bar, vũ trường…
Người Sài Gòn ngày ấy cũng mưu sinh bằng đủ thứ nghề, người trí thức thì làm công sở, kẻ ít học thì buôn bán nhỏ lẻ hay lao động chân tay. Người giàu có thì làm ông chủ, kẻ nghèo thì làm công, làm mướn. Lẫn đâu đó trong cái không gian sang trọng, hiện đại nơi những ngôi nhà cao tầng, những biệt thự nhỏ xinh là cuộc sống khốn khó, vất vả của phần đông tầng lớp cư dân đô thị nghèo. Họ làm trong các công xưởng, buôn thúng bán mẹt ngoài chợ hoặc cả ngày "mài chân" trên đường chạy xe ngựa, xích lô kiếm sống. Hai bên lề đường, các thợ may, thợ đóng giầy người Hoa hoạt động khá đông, sau đó đến các cửa hiệu tạp hóa, nơi mọi người có thể tìm thấy thức ăn khô, mũ nón hay yên cương...
Gabrielle M.Vassal, một phụ nữ Pháp có chồng là bác sĩ, trong lộ trình theo chồng sang Việt Nam ở Nha Trang, bà đã dừng chân ở Sài Gòn một thời gian. Bằng sự quan sát tinh tế, bà đã miêu tả khá sinh động nhịp sống Sài Gòn xưa trong quyển ký "Mes trois ans d Annam" (Ba năm sống ở Việt Nam) do nhà Hachette (Paris) xuất bản năm 1912. Trong đó có đoạn: "Người ta nhìn thấy nhiều dân bản xứ đi trên phố. Ngày làm việc kết thúc, họ đi thành từng nhóm trên đường về nhà. Trong số họ, các thầy thông ngôn được phân biệt bởi mái tóc cắt ngắn, chiếc khăn đội đầu xếp nhiều lớp một cách hoàn hảo, quần dài trắng, giầy cổ thấp và vớ ngắn. Các nông dân mặc áo cánh màu xanh sẫm, có khi vá nhiều chỗ đến nỗi không còn thấy mảnh vải gốc nào nữa, và quần dài trắng.
Họ đi một bên lề đường, chân để trần, người này đi sau người kia. Những phụ nữ bản xứ có địa vị cao hơn thì ngồi xe kéo (pousse - pousse), người thì quấn khăn bằng lụa mỏng trên đầu, người thì cẩn thận cài chiếc trâm vàng trên búi tóc đen nhánh...
Chúng tôi ngồi ăn tối trên sân thượng nhà hàng Continental. Dù đã khuya, những bàn ăn chất đầy rượu mạnh và thức uống lạnh vẫn còn đông khách. Con đường (Catinat) im ắng, nhưng đồng thời cũng rất náo nhiệt. Xe kéo chạy thật êm trên những chiếc bánh cao su, người phu xe nện đôi chân trần xuống đất mà không gây ra một tiếng động nhỏ nào.... Đó chính là bức tranh của Sài Gòn những năm Pháp thuộc. Những mảng màu sáng tối rõ ràng, những thân phận đã được mặc định ở nơi bị biến thành thuộc địa".
Nhưng vốn là vùng đất cởi mở, linh hoạt do yếu tố cấu thành từ nhiều thành phần dân cư từ các vùng miền khác nhau nên người Sài Gòn cũng rất dễ tiếp nhận những cái mới và dung hòa nó. Trong "Gia Định thành thông chí", Trịnh Hoài Đức có đoạn viết: "Vùng Gia Định nước Việt Nam, đất đai rộng, lương thực nhiều, không lo đói rét, nên dân ưa sống xa hoa, ít chịu súc tích, quen thói bốc rời. Người tứ xứ, nhà nào tục nấy".
Bởi thế nên trong mắt nhiều người, người Sài Gòn là dân chơi thứ thiệt với lối sống làm bao nhiêu xài bấy nhiêu và dù sống trong khó khăn, nghèo khổ vẫn giữ cho mình những thú vui giải trí và hưởng thụ. Như Hồ Biểu Chánh từng miêu tả trong tác phẩm "Từ hôn" rằng: "Tại các cửa lớn, người ta tựu lại chật nứt, trai chải đầu láng mướt, gái thoa môi đỏ lòm, già ngậm thuốc điếu phì phà, khói bay tưng bừng. Mẹ dắt bầy con, đứa chạy trước nghinh ngang, đứa theo sau núc ních, kêu nhau inh ỏi. Tốp chen lấn mua giấy, tốp ùng ùng vào cửa, người mặc y phục đàng hoàng chung lộn với kẻ bình dân lao động không ái ngại chi hết, mà coi ra thì trên gương mặt mỗi người đều có vẻ hân hoan hớn hở"...
Những nếp sinh hoạt này của người Sài Gòn hầu hết vẫn còn giữ cho đến ngày nay. Nhưng là ở một thời kỳ mới, trong một không gian khác: Tự do và hiện đại.
Hương Lam