Lễ hội Nghinh Ông theo thông lệ 2 năm một lần với mục đích bảo tồn và phát triển văn hoá dân gian truyền thống của bà con người Hoa, một bộ phận cộng đồng dân cư trong quá trình hình thành và phát triển Tp. Phan Thiết.
Lễ hội Nghinh Ông trong ký ức của nhiều người
Kể từ lúc người Hoa xây dựng và hoàn thiện dần Chùa Ông vào năm 1778 cũng là năm chính thức các nghi lễ thờ cúng Quan Công bắt đầu được thực hiện ở Chùa theo phong cách và phương thức của người Trung Hoa. Phong tục tập quán của người Hoa gần như được giữ nguyên khi di cư sang Việt Nam.
Cũng trong thời gian xây dựng Chùa Bà Thiên Hậu, Chùa Ông, các Hội quán của người Hoa ở Bình Thuận lần lượt được xây dựng như: Hội quán Hải Nam xây dựng năm Kỷ Hợi 1839; Hội quán Quảng Đông xây dựng năm Kỷ Sửu 1889; Hội quán Triều Châu xây dựng năm Kỷ Dậu 1909; Hội quán Phúc Kiến xây dựng năm 1944 và đền thờ Bà Chúa Sanh năm Canh Dần 1890. Tất cả những thiết chế văn hóa này đều theo kiểu kiến trúc xưa của Trung Hoa.
Người Hoa ở Việt Nam đại đa số thờ Quan Công ở chùa hay ở trong từng gia đình, đi đôi với nghi thức thờ cúng là phần lễ thông thường nhưng không có phần lễ hội Nghinh Ông như ở Tp.Phan Thiết. Và một điều được khẳng định từ lâu nay, là chỉ có ở Tp.Phan Thiết mới có lễ hội Nghinh Ông.
Đây là đặc trưng cơ bản nhất trong văn hóa của người Hoa ở Phan Thiết. Và chính đặc trưng văn hóa này đã làm nên bản sắc văn hóa của cộng đồng cư dân ở tỉnh Bình Thuận, thể hiện được ước mong cao đẹp của con người về một cuộc sống tốt đẹp và hướng tới cái "Chân - Thiện - Mỹ".
Ông Huỳnh Xương, Hội quán Quảng Đông - người tham gia Lễ hội Nghinh Ông từ năm 1996 cho đến nay chia sẻ: “Lễ hội Nghinh Ông Quan Thánh Đế Quân là một lễ hội của người Hoa ở Tp.Phan Thiết. Thông lệ, 2 năm một lần, người Hoa ở Tp.Phan Thiết tổ chức lễ hội Nghinh Ông Quan Thánh tại miếu Quan Đế (chùa Ông). Lễ hội diễn ra với những nghi thức khá đa dạng và sự hòa quyện giữa tín ngưỡng dân gian với tư tưởng Phật giáo, gắn với các loại hình nghệ thuật truyền thống của người Hoa. Đây là một hình thức sinh hoạt văn hóa truyền thống theo tôi là rất đặc sắc.
Lễ hội này cầu mong cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, cho một cuộc sống thanh bình, mọi người trong xã hội được ấm no hạnh phúc. Nét độc đáo của Lễ hội Nghinh Ông Quan Thánh Đế Quân chính là lễ và hội hòa quyện vào nhau, trong lễ có hội và trong hội có lễ.
Mỗi nghi thức đều diễn ra hết sức long trọng, nhưng người dự khán không cảm thấy rập khuôn, nhàm chán, bởi xen vào đó là những hình thức biểu diễn của các đội nhạc, các điệu múa truyền thống dân tộc, múa lân - sư - rồng, các hình thức hóa trang… do các hội quán, các đơn vị nghệ thuật thực hiện khi đến Quan Đế miếu làm lễ ra mắt Ông và trong quá trình nghinh Ông”.
Anh Nguyễn Văn Mạnh, Hội quán Quảng Đông chia sẻ: “Tôi tham gia từ năm 2004, đến nay đã được 18 năm gắn bó với Lễ hội Nghinh Ông. Lúc 7 tuổi đã được ba dẫn vào Quan Đế Miếu để tham gia vào đoàn Quân sĩ phục vụ cho đoàn nghinh Ông. Lớn hơn chút nữa vào năm 2008 có được cơ duyên được một người ông là Trưởng ban Hội quán Quảng Đông dẫn vào đi theo xe hoa Bao công. Những năm tiếp theo tôi luôn tham gia với lễ hội và tới bây giờ đã là thành viên của Hội quán Quảng Đông.
Nếu như lúc nhỏ được các ông các chú, các día (được gọi là cô trong hội quán) lo lắng chăm sóc thì nay tôi được chung tay góp chút ít công sức của mình tập những động tác múa và làm các đạo cụ để chuẩn bị cho lễ hội ngày càng đẹp hơn, hoành tráng hơn. Cứ mỗi lần tham gia vào lễ hội thì cảm giác lúc nào cũng như ngày đầu tiên.
Vào trước ngày đi, tôi không thể ngủ được vì trong lòng nôn nao. Để được cùng hoà mình vào không khí vừa trang nghiêm vừa rộn rã vui tươi của dòng người đang đón chờ đoàn cung nghinh Thánh giá. Theo tôi, đây là lễ hội đặc sắc đậm màu sắc dân tộc của đồng bào người Hoa đang sinh sống tại quê hương Bình Thuận cần được bảo tồn và phát huy”.
Niềm vui cũng những người tham gia Lễ hội Nghinh Ông
Bạn Huỳnh Lâm Mỹ Hương, Hội quán Triều Châu vui mừng chia sẻ: "Mỗi lần nghe năm nào có tổ chức Lễ hội Nghinh Ông là trong lòng tôi thấy nôn nao, nôn được tập múa để đi rước ông. Chuẩn bị có thông báo có Lễ hội Nghinh Ông là tụi mình chuẩn bị tỉ mỉ từng bộ trang phục, cái mão đội, đôi giày cũng được đặt riêng rồi làm lại cho hoàn chỉnh từng chút một."
“Em đi nghinh ông từ năm 6 tuổi, lúc đó hồn nhiên nên không chuẩn bị và nghĩ nhiều. Còn bây giờ tụi em lớn nên sự chuẩn bị cần chu đáo hơn, từ khâu chuẩn bị bài múa, mão đội đầu, trang phục cổ trang và phụ kiện. Bây giờ công nghệ hiện đại nên khâu chuẩn bị của tụi em rất dễ. Ngày xưa thiếu thốn lắm, vải may đồ cũng khó mua, có khi tìm mãi cũng không mua được vải. Vì đây là phụ kiện và trang phục cổ trang. Nó cần sự sáng tạo và tỉ mỉ để tạo nên bộ đồ phù hợp. Chúng em mong muốn lễ hội được diễn ra một cách hoàn hảo và chu đáo”, bạn Đinh Phạm Như Quỳnh, Hội quán Triều Châu chia sẻ.
Ông Trần Chấn Khôn, Phó ban Thường trực ban Quản lý Quan Đế Miếu, Hội trưởng hội quán Triều Châu chia sẻ: “Trong đời sống hiện đại, Lễ hội Nghinh Ông Quan Thánh Đế Quân là một hình thức sinh hoạt văn hóa truyền thống, thể hiện sâu sắc những giá trị văn hóa tộc người và sự giao lưu tiếp biến văn hóa. Có thể nói, đây là một trong những lễ hội ở Việt Nam.
Không chỉ thỏa mãn nhu cầu tâm linh của một bộ phận cư dân, mà còn là hình thức sinh hoạt văn hóa tinh thần với ý nghĩa bao trùm là cầu cho “quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, nhân khang vật thịnh”. Yếu tố đặc biệt của lễ hội là nó tổng hợp hầu hết các loại hình nghệ thuật truyền thống mà cộng đồng cư dân Hoa ở Phan Thiết - Bình Thuận và ở nhiều địa phương lân cận còn lưu giữ và lễ hội chính là dịp để họ phô diễn.
Chính vì vậy, nó đã tạo nên nét độc đáo riêng của lễ hội, góp phần làm phong phú nền văn hóa đa tộc người ở Việt Nam nói chung, ở Phan Thiết - Bình Thuận nói riêng”.
Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa trong Lễ hội Nghinh Ông
Ông Trần Xuân Phong, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bình Thuận cho biết: “Ban Quản lý Quan đế miếu cần chú trọng việc tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức cho cộng đồng người Hoa, đặc biệt là thế hệ trẻ trong việc bảo tồn và phát huy giá trị Lễ hội Nghinh Ông. Đồng thời, nhận thức vấn đề về bảo tồn, phát huy giá trị Lễ hội trước hết phải bảo tồn ngay từ cái gốc của chủ thể văn hóa, có nghĩa là chính bản thân cộng đồng người Hoa phải có trách nhiệm cao trong việc bảo vệ, gìn giữ di sản văn hóa của dân tộc. Đặc biệt, cần quan tâm, chú trọng đúng mức đến việc trao truyền bí quyết thực hành các nghi lễ trong lễ hội cho thế hệ trẻ đương thời để tạo nên một sự kết nối liên tục trong việc kế thừa, bảo tồn và phát huy vốn di sản văn hóa phi vật thể trong cộng đồng người Hoa, tránh nguy cơ bị thất truyền, mai một, biến thể hoặc mất đi trong tương lai”.