Nét đẹp không dễ “gộp” của Tết Nguyên đán

Nét đẹp không dễ “gộp” của Tết Nguyên đán

Trương Ngân Hà

Trương Ngân Hà

Thứ 6, 16/02/2018 10:16

Đâu phải cứ đề ra một ngày mặc định làm Tết là mọi thành viên trong gia đình đều sẽ gác lại những lo toan thường nhật sau một năm bận rộn, trở về bên mâm cơm tất niên để quây quần, trò chuyện.

Cách đây hơn chục năm, ý tưởng gộp Tết Nguyên đán với Tết Dương lịch, đón Tết theo lịch Dương đã mở ra cuộc tranh luận dai dẳng cho tới ngày hôm nay. Khi phong vị đặc trưng của mùa xuân dần bao phủ lên mọi miền đất nước, những phiền muộn từ câu chuyện “phú quý sinh lễ nghĩa” lại tiếp tục sắm vai chính trong “tiết mục” gộp Tết, bên cạnh dàn “kép phụ” không kém phần long trọng bao gồm thiệt hại về kinh tế, mất an toàn giao thông...

Gần đây nhất, một vị PGS.TS nêu quan điểm: “Tết phải là sự sung sướng, trẻ thơ vui mừng nhận bao lì xì đỏ một cách đầy trong sáng, người lớn dọn dẹp trang hoàng nhà cửa, mua sắm với một tâm thế thoải mái nhẹ nhàng nhất có thể. Còn bây giờ Tết là gì? Nó đang dần trở thành chuỗi gánh nặng của mọi nhà với sự cầu kỳ, tiểu tiết trong các công tác chuẩn bị”.

Nhưng trước khi bàn về những mặt lợi - hại khi bỏ đón Tết Nguyên đán theo truyền thống, nên chăng mọi người, dù ở bên tán đồng hay phản đối ý tưởng kể trên hãy trả lời thành thật: Chúng ta đang “ăn" mấy cái Tết? Và Tết chỉ đơn giản là những ngày người lao động nghỉ ở nhà nhưng vẫn được cộng lương?

Xi nhan Trái Phải - Nét đẹp không dễ “gộp” của Tết Nguyên đán

Chẳng có hạnh phúc nào bằng Tết đoàn viên. Ảnh minh hoạ: Internet. 

Đâu phải cứ đề ra một ngày mặc định là mọi thành viên trong gia đình đều sẽ gác lại những lo toan thường nhật sau một năm bận rộn, trở về bên mâm cơm tất niên để quây quần, trò chuyện. Đâu phải cứ cho nghỉ là trăm mối tơ vò như giá cả leo thang, chuyện làm ăn ngày càng khó khăn hơn hay... sóng wifi không nhích nổi 2 vạch bỗng chốc trở nên quá đỗi vụn vặt so với phút giây gắn kết gia đình. 

Đổi lấy khoảnh khắc sum họp, có ông bố bà mẹ miền Bắc chấp nhận khăn gói quả mướp, lắc lư trên xe hơn 32 giờ đồng hồ trên cung đường vào miền Nam ăn Tết với các con.

Có chuyến bay miễn phí hiện thực hoá ước mơ trở về quê hương của những người con nhiều năm xa xứ.

Giữa dòng xe hối hả xuôi về miền Tây, có người đàn ông vẫn thong dong điều khiển chiếc xe hút kim loại, chặn đứng nguồn sống của “đinh tặc”, đem lại bình yên cho bà con tham gia giao thông.

Nhớ lại, hơn hai chục năm trước, bố tôi cũng rơi vào cảnh màn trời chiếu đất khi đặt chân tới phương Nam vào những ngày giáp Tết. Nhưng một người Sài Gòn hào hiệp và trượng nghĩa đã đưa ông về nhà, giúp ông có một cái Tết ấm no và sau đó là một tương lai sáng sủa hơn.

Như hai mặt luôn song hành; những việc tử tế vẫn diễn ra hàng ngày hàng giờ càng trở nên ý nghĩa bội phần trong dịp Tết và đồng thời, con người ta cũng có xu hướng xích lại gần nhau, chia sẻ, trao đi yêu thương, hành động nhân văn khi Trời đất lặng lẽ chuyển mình, thay áo mới.

Họ, dù cao - thấp, giàu - nghèo, già - trẻ đều cùng ngắm nhìn những bông pháo rực rỡ thắp tráng bầu trời xuân; cùng thắp hương, đi lễ chùa để tỏ lòng tôn kính, biết ơn với các bậc tiền nhân; cùng nhìn về phía quê hương và thấy trong thâm tâm cháy lên chuỗi ký ức rạo rực, bùi ngùi...

Đến đây, người viết xin được khép lại bài viết bằng lời tâm sự của một người mẹ già sau khi vượt hàng trăm cây số để được đoàn tụ với con: “Tết năm nay, mẹ con tôi được ở bên nhau rồi. Chẳng có hạnh phúc nào bằng điều đó đâu”.

Ngân Hà

 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.