Gìn giữ nét đẹp truyền thống
Lễ hội Katê là một bộ phận quan trọng trong kho tàng di sản văn hóa phi vật thể của người Chăm (tỉnh Bình Thuận). Hàng năm, lễ hội diễn ra trong 2 ngày, ngày cuối cùng của tháng 6 và ngày đầu tiên của tháng 7 Chăm lịch giữa một không gian rộng lớn.
Đầu tiên là tại các đền, tháp, nhà làng, nhà các vị Sư Cả và sau cùng là tại các gia đình trong cộng đồng với những nghi lễ tôn giáo, tín ngưỡng theo phong tục tập quán có từ lâu đời của người Chăm Bàlamôn. Lễ hội Katê tại tháp Pô Sah Inư.
Tháp Pô Sah Inư tọa lạc trên ngọn đồi Bà Nài (sau này còn có tên là đồi Lầu Ông Hoàng) thuộc phường Phú Hài (trước kia có tên là Phố Hài), Tp.Phan Thiết.
Đây là một trong 3 nhóm tháp Chăm ở Bình Thuận thuộc phong cách kiến trúc nghệ thuật Hòa Lai, có niên đại sớm từ đầu thế kỷ VIII đến thế kỷ IX (trong phong cách kiến trúc nghệ thuật Hòa Lai ở Bình Thuận còn có tháp Pô Dam (Pô Tằm) ở huyện Tuy Phong và tháp Làng Gọ ở huyện Hàm Thuận Bắc).
Tháp Pô Sah Inư do các chức sắc, cộng đồng người Chăm Bàlamôn huyện Hàm Thuận Bắc (địa bàn cư trú của họ cách tháp khoảng 20km) thực hiện các nghi lễ cúng tế trong lễ hội.
Quần thể tháp Pô Sah Inư có 3 ngôi tháp gồm: tháp chính (tháp A) thờ thần Shiva cao 15m, tháp thờ bò thần Nandin (tháp B) cao 12m và tháp thờ thần Lửa (tháp C) cao 5,4m. Nhóm đền tháp Pô Sah Inư đã được Bộ Văn hóa và Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia.
Từ nhiều thế kỷ trước cho đến nửa đầu thế kỷ XX, tại tháp Pô Sah Inư diễn ra nhiều lễ nghi phục vụ cho sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo của người Chăm. Tuy nhiên, do hoàn cảnh lịch sử tác động nên các lễ nghi, lễ hội diễn ra tại tháp ngày càng thưa dần và rơi vào quên lãng, trong đó có Lễ hội Katê.
Được sự đồng ý của Bộ Văn hóa và Thông tin, năm 2005, Sở Văn hóa và Thông tin tỉnh Bình Thuận đã tiến hành nghiên cứu, phục dựng Lễ hội Katê tại tháp Pô Sah Inư sau 2/3 thế kỷ bị thất lạc.
Các giá trị văn hóa dân gian truyền thống đặc sắc của dân tộc Chăm qua đó cũng được khôi phục. Ngày nay, Lễ hội Katê tại tháp đã thực sự trở thành ngày Tết của cộng đồng người Chăm các huyện Tuy Phong, Bắc Bình và Hàm Thuận Bắc.
Tết Katê của người Chăm diễn ra như thế nào?
Sau khi kết thúc Lễ hội Katê tại các đền, tháp, nhà làng, người Chăm Bàlamôn ở Bình Thuận thực hiện cúng Lễ Katê tại nhà. Theo tập tục, Lễ Katê diễn ra tại nhà vị Sư Cả trong làng trước, sau đó mới đến các hộ gia đình.
Trao đổi với PV Người Đưa Tin, Sư cả Thông Minh Toàn, Phó Chủ tịch Hội đồng chức sắc Bàlamôn giáo tỉnh Bình Thuận cho biết: “Lễ vật trong Lễ Katê ở nhà ông Sư Cả gồm: gà, vịt, trứng, hoa quả, các loại bánh chế biến từ gạo, nếp, trầu cau, trà rượu…
Theo tập tục, lễ vật trong Lễ Katê ở nhà ông Sư Cả không được cúng dê (vì người Chăm quan niệm thịt dê chỉ được dâng cúng các vị thần linh trong các lễ nghi, lễ hội mang tính cộng đồng tại các đền, tháp và nhà làng chứ không dùng làm lễ vật dâng cúng tại các gia đình riêng lẻ). Nếu gia đình vị Sư Cả và các hộ gia đình riêng lẻ có điều kiện kinh tế thì có thể làm dê để đãi khách.
Sau khi các loại lễ vật đã được chuẩn bị xong, ông Sư Cả thực hiện nghi lễ cúng tế thần linh và ông bà, tổ tiên. Nghi lễ Katê tại nhà Sư Cả được bắt đầu bằng những hồi kinh do ông Sư Cả chủ trì.
Nội dung lời khấn thể hiện sự thành kính, biết ơn của gia đình, làng xóm đối với các vị thần linh và ông bà, tổ tiên, cầu mong thần linh và ông bà, tổ tiên phù hộ, che chở cho gia đình và cộng đồng dồi dào sức khỏe, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no, an lành…”
Sư cả Thông Minh Toàn chia sẻ thêm: “Sau khi gia đình vị Sư Cả cúng Lễ Katê xong, lần lượt các hộ gia đình trong làng thực hiện nghi lễ cúng thần linh, ông bà, tổ tiên tại nhà. Lễ vật trong nghi lễ này gồm những vật phẩm gắn với sản xuất nông nghiệp của cộng đồng.
Tuy nhiên, lễ vật nhiều hay ít tùy thuộc vào điều kiện kinh tế của mỗi gia đình. Trong Lễ Katê tại nhà, chủ nhà và các thành viên trong gia đình khấn cầu cầu thần linh, ông bà, tổ tiên phù hộ, độ trì cho mọi người trong gia đình sức khỏe, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, cuộc sống no ấm, hạnh phúc.
Trong dịp này, các gia đình chuẩn bị bánh trái, thức ăn… để thết đãi bạn bè, họ hàng gần xa đến chung vui”.
Ông Trần Xuân Phong, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bình Thuận cho rằng: "Bằng nhiều hình thức, chính quyền địa phương phải thực hiện việc tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức cho cộng đồng người Chăm, đặc biệt là các vị chức sắc, nghệ nhân, trí thức và thế hệ trẻ trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nói chung và Lễ hội Katê nói riêng”.
Sư cả Thường Xuân Hữu, Chủ tịch Hội đồng chức sắc Bàlamôn giáo tỉnh Bình Thuận chia sẻ: Lễ hội Katê của người Chăm tỉnh Bình Thuận được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, đây là niềm vinh dự và tự hào của người Chăm. Vì vậy, chúng tôi cần phải giữ gìn những phong tục này và truyền lại cho thế hệ trẻ. Đồng thời để giữ gìn và phục vụ những công ơn các vị thần linh cũng như các ông bà, tổ tiên trước kia được bảo vệ, bảo tồn giá trị văn hoá một cái lễ hội của dân tộc.