Biểu tượng của sự đoàn kết
Bắc Ninh - Kinh bắc được biết đến như cái nôi của văn hóa văn hiến lâu đời. Nếu có dịp về mảnh đất Quế Võ nằm sát trục đường quốc lộ 18 hướng Hà Nội đi Quảng Ninh, chúng ta sẽ cảm nhận rõ điều đó qua từng phong tục, tập quán. Bên cạnh những ngôi nhà cao tầng thể hiện một nông thôn đang chuyển mình thời công nghiệp hóa, hiện đại hóa sẽ thấy thấp thoáng những mái nhà cổ được xây theo dáng của đình làng. Đó là những ngôi nhà thờ họ mang đậm bản sắc văn hóa thờ cúng tổ tiên của người Việt.
Ông Dương Viết Dung (SN 1955), trưởng dòng họ Dương Viết ở thôn Lựa, (xã Việt Hùng, Quế Võ) cho biết: "Tôi là trưởng đời thứ chín của dòng họ Dương Viết ở thôn. Từ năm 2000, tôi đã ấp ủ kế hoạch xây nhà thờ cho dòng họ mình. Trước hết, nhà thờ họ là tài sản chung của tất cả con cháu dòng họ, thể hiện trách nhiệm và nghĩa vụ với tổ tiên. Hơn nữa, nhà thờ dòng họ là chốn tâm linh để con cháu trong cả dòng họ dù có đi đâu, làm gì cũng luôn nhớ đến cội nguồn. Tuy nhiên, khoảng hơn mười năm trước đây, kinh tế của dân cư nông thôn nói chung còn nhiều khó khăn nên ý tưởng của tôi mãi đến bây giờ mới thực hiện được".
Nhà thờ dòng họ Dương Viết ở thôn Lựa thờ cúng cụ tổ Dương Văn Khương, người đầu tiên mang dòng họ Dương đến an cư lạc nghiệp tại làng. Thôn Lựa hiện nay có 12 dòng họ thì đã có hơn nửa trong số đó xây dựng được nhà thờ. Số còn lại, do thấy các dòng họ khác có nhà thờ, quy tụ con cháu vào những dịp đặc biệt hàng năm nên cũng đang có ý tưởng phấn đấu để xây dựng. Khắp các xã trong huyện đều có phong trào xây nhà thờ họ khi kinh tế dân cư được nâng cao. Nhà thờ họ đã trở thành nét văn hóa đặc biệt của vùng quê bên dòng sông Cầu này.
Nhà thờ họ không chỉ là nơi thờ cúng tổ tiên mà còn là nơi để anh em con cháu trong dòng họ xích lại gần nhau hơn, cùng chia sẻ những khó khăn và kinh nghiệm làm kinh tế, tiến kịp với thời đại. Ông Dương Viết Trang (SN 1952), một thành viên trong ban khánh tiết họ Dương (mỗi dòng họ cử ra ban khánh tiết để lo các công việc chung của dòng họ - PV) cho biết: "Thời gian ba tháng xây dựng nhà thờ là khoảng thời gian giúp người trong họ hiểu nhau hơn và thông cảm, chia sẻ nhiều chuyện trong cuộc sống gia đình. Tôi là một trong những người phụ trách công việc xây dựng đã chứng kiến những việc rất cảm động. Nhiều người trong quá trình làm nhà thờ mà chưa được phân công làm việc gì đều xin một chân chạy việc dù là nhỏ nhất với ý nghĩa đóng góp công sức, biết ơn tiên tổ. Có cụ trong họ tuổi đã cận kề 90 hay cả những cháu nhỏ 5 - 7 tuổi cũng theo bố mẹ ra xin việc để làm".
Niềm tự hào không của riêng ai
Khi nhà thờ họ được khánh thành, trưởng họ có trách nhiệm phân côngå cắt cử người trông coi và nhang nến trên ban thờ không bao giờ tắt. Mỗi năm, cứ vào ngày giỗ tổ của dòng họ, hay những ngày lễ Vu Lan, thanh minh, Tết Nguyên đán... nhà thờ là nơi tụ họp của tất cả anh em con cháu trong dòng họ. Dù làm ăn nơi xa hay định cư xứ khác, người trong dòng họ cũng cố gắng sắp xếp thời gian để tìm về thắp một nén nhang thơm trên bàn thờ tổ tiên với lòng thành kính tạ ơn và cầu mong những điều tốt đẹp cho bản thân và gia đình.
Đặc biệt, người nông thôn rất trọng lễ nghĩa. Vào các ngày lễ của dòng họ, ban khánh tiết sẽ chịu trách nhiệm tổ chức dâng hương, tế lễ rất trang trọng. Những người được xếp vào danh sách tuổi lên cụ (từ 50 tuổi trở lên - PV) sẽ có mặt trong đội dâng hương và tế lễ của dòng họ. Đội dâng hương chủ yếu là các cụ bà và đội tế là các cụ ông. Nghi thức tế lễ dâng hương được tập duyệt cẩn thận không khác nghi thức tế lễ của làng là mấy, rất cầu kỳ và trang trọng, từ trang phục cho đến việc thực hiện quan niệm. Người ta quan niệm nghiêm túc là thể hiện đúng thái độ thành kính với tổ tiên và nghiêm túc còn là một nét văn hóa cho con cháu tự hào về dòng họ mình mà phấn đấu trong học tập và công tác.
Từ mỗi nóc nhà thờ, các truyền thống văn hóa tốt đẹp được khơi gợi cho con cháu trong dòng họ tự hào và phấn đấu thành công trong học tập cũng như công việc ngoài xã hội. Hàng năm, các dòng họ sẽ phát động phong trào khuyến học từ nhà thờ của dòng họ. Những cháu học sinh đạt thành tích cao trong học tập sẽ được ghi tên lên bảng vàng của dòng họ được treo ở chính giữa nhà thờ. Những ông bố bà mẹ có con học giỏi rất vinh dự và tự hào trước cả dòng họ khi thấy tên con, cháu mình. Những ai chưa thấy tên con cháu mình trên bảng thì tự thấy thua thiệt mà về đốc thúc con cái học hành tiến tới. Các cụ cao niên trong họ cũng sẽ được động viên khích lệ bằng những phần quà nhỏ để vui hưởng tuổi già và vơi bớt cảm giác cô đơn.
Bảo Vy