Dù mới ở giai đoạn xây dựng dự thảo nhưng Đề án quản lý phương tiện cá nhân, trong đó nhấn mạnh lộ trình cấm xe máy tại Hà Nội từ năm 2020 đặc biệt thu hút sự quan tâm của dư luận.
Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ĐBQH khóa XIII Nguyễn Ngọc Bảo (đoàn Vĩnh Phúc), người đã có nhiều ý kiến về vấn đề giao thông ở nghị trường, xung quanh chủ trương cấm xe máy trong Đề án quản lý phương tiện cá nhân ở Hà Nội.
Hà Nội có chủ trương cấm xe máy theo lộ trình từ năm 2020. Chủ trương này đang được người dân đặc biệt quan tâm. Ông đánh giá gì về chủ trương này?
Việc này tôi đã nói trước Quốc hội cách đây 4 năm. Tôi từng tham gia vào luật Thủ đô và nhấn mạnh việc quy hoạch tất yếu là trong nay mai phải cấm tất cả các phương tiện giao thông, nhất là xe máy đi vào nội đô.
Đương nhiên đó sẽ là quy luật phát triển tất yếu. Quan trọng là đưa ra lộ trình, quy hoạch. Chúng ta không được làm bất cứ gì mà khiến người dân giật mình. Tôi đã từng nói lộ trình này nếu Hà Nội đưa ra cách đây 5 năm thì bây giờ đã thực hiện được một bước rồi! Vì có lộ trình cụ thể, việc sản xuất, hệ thống phương tiện giao thông… sẽ được bố trí, sắp xếp, cũng như tạo điều kiện để giao thông xã hội hóa tối đa chứ Nhà nước không thể “ôm”, làm hết được các việc này đâu.
Văn hóa tụt, tạt của nhiều người dân Hà Nội cũng từ xe máy mà ra. Nếu cấm xe máy thì nhà trong phố với ngoài phố chẳng khác gì nhau cả. Theo tôi, lúc đó nhà trong phố chẳng có giá trị gì cả. Những nhà này chỉ có giá trị văn hóa ở những ngôi nhà cổ mà thôi. Giải quyết được việc cấm xe máy thì sẽ xóa được văn hóa tụt, tạt, văn hóa vỉa hè, ùn tắc giao thông.
Như ông nói, có vẻ như xe máy đang làm cho Hà Nội trở nên “xấu xí”, kém văn minh?
Hà Nội đang có thói quen, chỗ nào cũng là cửa hàng, chỗ nào cũng tạt, cũng đậu xe. Nếu cấm được xe máy, Hà Nội sẽ văn minh lên và quy hoạch sẽ đơn giản hơn rất nhiều hiện nay. Chẳng có Thủ đô nước nào mà nhà nhà mở cửa hàng như nội đô Hà Nội của chúng ta cả.
Tuy nhiên, những người phản đối lại cho rằng, các phương tiện công cộng chưa đáp ứng nổi nhu cầu của người dân thì việc cấm xe máy sẽ không mang lại hiệu quả?
Chúng ta làm có lộ trình, làm bài bản, trên cơ sở khoa học. Cứ cấm rồi sẽ có những cái khác, đó là cung cầu.
Cứ cho là có cầu thì sẽ có cung nhưng cấm xe máy không vào nội đô mà các trung tâm thương mại, nhà ở vẫn mọc lên trong các khu vực đó thì cấm xe máy có đem lại hiệu quả, thưa ông?
Chúng ta quản lý được vĩ mô rồi thì các trung tâm thương mại sẽ tự phải dịch chuyển ra ngoài. Tại sao như các hệ thống siêu thị nước ngoài như Aeon có đặt ở Trung tâm đâu mà vẫn sầm uất, vì họ đi trước mình. Chúng ta hiện nay rất manh mún kể cả ngay trong tư duy lãnh đạo. Khi hạn chế được xe máy, hạn chế được văn hóa "tụt", "tạt", các khu trung tâm sẽ dịch chuyển ra ngoài.
Tôi nghĩ, Hà Nội cần quyết tâm cao để có thể làm được việc này. Nếu làm được, tôi tin chắc, Hà Nội không những có cải thiện về giao thông mà các quy hoạch khác cũng trở nên đơn giản hơn rất nhiều.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Đỗ Thơm (thực hiện)