Nếu bộ GD&ĐT nhận… sai: Còn ai dám than ‘học tài thi phận’ nữa?

Nếu bộ GD&ĐT nhận… sai: Còn ai dám than ‘học tài thi phận’ nữa?

Trương Ngân Hà

Trương Ngân Hà

Chủ nhật, 06/08/2017 09:10

Không ít người trong chúng ta vẫn giữ thói quen đổ lỗi để giải thích cho thất bại, như trong thi cử có câu "Học tài thi phận" chẳng hạn. Nếu bộ GD&ĐT sòng phẳng nhận sai, còn ai dám nói như vậy nữa?

“Nại lý do” hay “đổ lỗi” là thói quen của nhiều người, khi gặp bất kỳ thất bại nào trong cuộc sống. Khi không thành công, người ta có quyền giải thích nguyên nhân, nhưng một khi lạm dụng quá mức, không tự nhìn nhận lại, thì nó sẽ trở nên xấu xí.

Trong thi cử, người ta thường nói câu “Học tài thi phận” như một cách “đổ lỗi” rất khách quan để giải thích cho những điểm số không như mong muốn.

Hẳn nhiều người học hành tử tế sẽ cảm thấy rất khó chịu với cách bao biện “Học tài thi phận” đó, vì như thế, chẳng khác nào đánh đồng người có kết quả thi cao cũng như thấp.

Đa chiều - Nếu bộ GD&ĐT nhận… sai: Còn ai dám than ‘học tài thi phận’ nữa?

Ảnh minh họa.

Tất nhiên, người ta chỉ có thể bác bỏ hoàn toàn thứ quan điểm “học tài thi phận” khi có một kỳ thi công bằng, sòng phẳng với tất cả.

Có lẽ đây là điều mà bộ GD&ĐT thực sự thấu cảm, nên trong khoảng 20 năm qua, nhiều thay đổi tích cực đối với kỳ thi tuyển vào Đại học đã được áp dụng.

Cách đây hơn 20 năm, kỳ thi Đại học tồn tại đầy rẫy bất cập, khi các trường tự ra đề thi riêng. Bởi thế mới sinh ra những kiểu đề thi “không giống ai”, vô cùng đánh đố, và thường chỉ những học sinh được luyện thi tại đúng “lò” của thầy ra đề thì mới hiểu và làm được. Một loạt vấn đề tiêu cực cũng từ đó mà nảy sinh, như các học sinh rỉ tai nhau “phải làm sao tìm đúng thầy ra đề năm nay để mà theo học”…

Khi ấy, lời than “Học tài thi phận” đúng là… có đất sống thật!

Nhưng theo thời gian, với những cải cách bước ngoặt của bộ GD&ĐT, đặc biệt là việc tổ chức thi đề chung do Bộ đưa ra, với những kiến thức bám chặt vào chương trình, thì sự công bằng và sòng phẳng trong kỳ thi “lớn nhất đời học sinh” bắt đầu được tôn trọng.

Kỳ thi THPT Quốc gia 2017 tiếp tục chứng kiến những cải tiến trong thi cử của bộ GD&ĐT, như đây là năm đầu tiên thi trắc nghiệm đối với môn Toán, hay cũng là năm đầu tiên môn Giáo dục công dân được đưa vào thi.

Chỉ cần thí sinh ghi lại phần chọn đáp án của mình, thì ngay sau khi Bộ công bố đáp án chính thức, các em đã lập tức biết mình được bao nhiêu điểm. Đó là một sự cải tiến rất lớn và không thể phủ nhận, bởi trước đây, nếu làm bài dạng tự luận, thí sinh không may có thể bị trừ điểm oan vì trình bày không rõ ràng…

Thế nhưng, đã là “đầu tiên” thì khó tránh khỏi sai sót! Những lợn cợn của dư luận sau khi kỳ thi kết thúc hoàn toàn có cơ sở, như độ khó của các mã đề trong một môn thi là không giống nhau, hay môn Lịch sử, Giáo dục công dân đều có những câu gây tranh cãi về đáp án.

Một khi độ khó – dễ của các mã đề không như nhau, thì rõ ràng sự công bằng và sòng phẳng không được đáp ứng như mong muốn. Chưa kể thí sinh nào gặp phải câu hỏi gây tranh cãi, số phận đôi khi lại bị quyết định bởi một khoanh tròn trị giá 0,25 điểm.

Mà như thế, những người theo trường phái “Học tài thi phận” lại có cơ hội để lưu truyền thứ quan điểm đầy bất công này!

Bộ GD&ĐT phản ứng ra sao trước những lợn cợn dư luận ấy? Người ta chưa thấy một sự thừa nhận thẳng thắn, rõ ràng từ phía Bộ. Điều ấy dễ khiến chúng ta hiểu theo nghĩa: Bộ cho rằng những bất cập mà dư luận nêu ra không tới mức to tát, và năm đầu tiên áp dụng thì sai sót nếu có cũng… chấp nhận được.

Như thế thì thật nguy hiểm!

Trong 20 năm qua, bộ GD&ĐT đã làm nhiều điều đáng ghi nhận trong việc xóa bỏ thứ quan điểm đổ lỗi “Học tài thi phận”, để hướng tới một kỳ thi công bằng và sòng phẳng. Có lẽ điều dư luận mong chờ nhất lúc này là một sự lên tiếng công khai, thừa nhận thẳng thắn từ bộ GD&ĐT đối với những bất cập trong kỳ thi vừa qua, để từ đó thực sự quyết tâm rút kinh nghiệm cho kỳ thi tiếp theo – một kỳ thi “Học tài, thi cũng… tài” đúng nghĩa!

Trung Hiếu

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.