Chia sẻ tại Diễn đàn Quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ số (VFTE 2022), ông Peter Huỳnh - CEO Sun Electronics Group cho biết, vấn đề nguồn nhân lực được coi là chìa khoá quan trọng để phát triển công nghiệp công nghệ số.
Vị đại diện Sun Electronics Group phân tích, có 3 vấn đề cốt lõi để phát triển. Đầu tiên, con người là nền tảng quan trọng nhất. Thứ hai là kinh nghiệm. Nếu doanh nghiệp có nhân sự, kinh nghiệm thì yếu tố cuối cùng để thu hút đối tác là cơ sở vật chất. Để đưa sản phẩm ra thế giới và được chấp nhận, Việt Nam phải chứng minh sản phẩm có sức cạnh tranh.
Với kinh nghiệm làm việc tại nhiều quốc gia, theo ông Peter Huỳnh, kỹ sư Việt Nam có điều kiện được đào tạo về công nghệ tốt, làm việc tại nhiều tập đoàn lớn trên thế giới, có khả năng cạnh tranh với bất cứ quốc gia nào trong lĩnh vực điện tử.
Theo ông, yêu cầu cấp bách đầu tiên là cần xây dựng nền tảng cho đội ngũ kỹ sư. Trong đó, một trong những giải pháp là đẩy mạnh hợp tác giữa kỹ sư Việt Nam với kỹ sư Việt từ nước ngoài về. "Cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực bằng việc cử kỹ sư Việt Nam đi thực tế ở nước ngoài, đến trực tiếp các doanh nghiệp, nhà máy sản xuất để học hỏi kinh nghiệm thực tế, tiếp thu kỹ thuật hiện đại với các kỹ sư Việt Nam đang làm việc tại nước ngoài.
Nguồn nhân lực cũng cần được đào tạo bài bản về kiến thức và thiết kế sản phẩm, sản xuất. Trong đó, người học có thể lựa chọn các trung tâm đào tạo điện tử cấp các chứng chỉ dựa trên tiêu chuẩn quốc tế, các chương trình đào tạo tiêu chuẩn IPC, thiết kế sản phẩm, sản xuất EMS...
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Tuấn Huy, đại diện MobiFone cũng cho hay, công ty đang chuyển từ nhà mạng sang nhà cung cấp dịch vụ số và vấn đề khó khăn nhất là nhân sự. Bởi chuyển đổi số đang là vấn đề cấp bách, thu hút nhân lực nên doanh nghiệp khó khăn trong tuyển dụng.
Năm nay, MobiFone đặt mục tiêu chuyển 200 nhân sự công nghệ thông tin nhưng chưa đạt chỉ tiêu. "Muốn phát triển công nghệ cần nhân lực. Nếu không có con người tốt thì khó có sản phẩm tốt", ông Huy nói.
Từ đó, ông Huy đề xuất cần tham khảo bài học từ Hàn Quốc, họ kết nối với các trường đại học, viện nghiên cứu để tìm kiếm nhân lực. Do đó, cần có sự kết nối giữa các bên, từ doanh nghiệp, trường đại học...
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp không cần hỗ trợ chi phí nhưng cần hỗ trợ kết nối, học tập kinh nghiệm. Ví dụ như Singapore, các chuyên gia hàng đầu sẽ tư vấn, giúp đỡ các doanh nghiệp sử dụng nên tảng chuyển đổi số quốc gia. Sự kết nối này cực kỳ quan trọng trong quá trình thúc đẩy chuyển đổi số.
Hội nhập nhân sự cũng là một trong những vấn đề được chú trọng chiến lược của FPT văn phòng Nhật Bản, bởi hiện tại chất xám chủ yếu mang từ Việt Nam sang nước ngoài. Hiện, trong số 2.000 nhân viên FPT Nhật Bản, tỉ lệ người Nhật chỉ 20%. Thời gian tới, doanh nghiệp đặt mục tiêu phát triển tỷ lệ người Nhật lên 50%.
"Nhân sự người Nhật chính là cầu nối gắn kết giá trị Việt Nam với Nhật Bản. Nhân sự là vấn đề cốt lõi nên FPT rất chú trọng điều này", vị đại diện tại đất nước này cho hay.
Tổng kết các giải pháp để ngành công nghiệp điện tử Việt Nam bắt kịp với các nước lớn, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long nhấn mạnh đây là vấn đề trăn trở của nhiều thế hệ lãnh đạo. Cách đây nhiều năm khi vừa mở cửa, lãnh đạo cũng nhìn nhận phải phát triển công nghệ điện tử, cũng từng đi theo Trung Quốc, lập ra các liên doanh với mong muốn nắm bắt công nghệ để trở thành các nhà sản xuất. Nhưng chúng ta không thành công.
Thứ trưởng phân tích, con người Việt Nam có sự khéo tay, tính toán tốt nhưng làm không được. Ngành công nghiệp Việt Nam dựa chủ yếu vào sự đầu tư nước ngoài, nếu chúng ta không gia tăng hàm lượng Make In Viet Nam thì khi đối tác nước ngoài rút đi thì còn gì. Muốn làm được phải có con người để dẫn đắt, phát triển cộng đồng 100 triệu dân. Nếu không có con người không làm được.
"Chúng ta cần mạnh dạn đi vào lĩnh vực công nghệ, muốn vậy phải có con người. Chúng ta có nhiều kỹ sư ở Sillicon Valley vậy tại sao không đưa họ về. Phải có cơ thế để thu hút nhân tài", ông Long nhất mạnh.
Vấn đề nguồn nhân lực đang thiếu, nhu cầu bùng nổ nhưng các trường đại học vẫn chỉ đào tạo được phần nhỏ. Do đó, Thứ trưởng đề xuất doanh nghiệp có thể đưa ra cơ chế nếu học lấy được bằng thì sẽ hỗ trợ việc làm. Nếu không có công nghệ, không được đào tạo thì khó có nhân lực chất lượng cao.