Người mang làn gió mới
Trong vài ngày qua, các phương tiện truyền thông đã ca ngợi thành công to lớn của Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St Petersburg, nơi mà các nhà quan sát bày tỏ sự lạc quan về quan hệ được hàn gắn giữa phương Tây và Moscow.
"Phá vỡ sự cô lập – Vì sao tất cả các nước đều bắt đầu muốn hợp tác với Nga" – là một trong những bài viết được hãng thông tấn Nga RIA đăng tải ngay sau khi kết thúc diễn đàn.
Sự hiện diện và những tuyên bố của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại sự kiện khiến cho nhiều người thực sự tin rằng “sự cô lập nước Nga” đã bị phá vỡ.
Tổng thống Pháp tránh các chủ đề nhạy cảm như cuộc khủng hoảng Ukraine, vụ đầu độc điệp viên hai mang Skripal, hay cáo buộc vũ khí hóa học ở Syria và chỉ tập trung vào các cuộc thảo luận về hợp tác.
Nói chung, thái độ của ông Macron dường như có sự mềm mại hơn, không có những lời chỉ trích giống các lãnh đạo phương Tây khác, tờ Al Jazeera nhận định.
Vào thời điểm Nhà Trắng áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga, tấn công Syria và gây áp lực lớn lên đồng minh chính của Nga là Iran - ông Macron đang nói về các cuộc đối thoại cởi mở hơn.
Trong một diễn biến liên quan, Nhóm điều tra quốc tế (JIT) được giao nhiệm vụ điều tra thảm kịch máy bay MH17 đã công bố những phát hiện mới chỉ vài ngày trước diễn đàn ở St Petersburg.
JIT chính thức cáo buộc Lữ đoàn 53 của Nga chịu trách nhiệm trong việc bắn hạ máy bay MH17. Khoảng thời gian đó, một cuộc điều tra khác cũng đã tiết lộ rằng Oleg Ivannikov, một vị tướng tình báo quân đội Nga, đã đóng một vai trò nào đó trong cuộc tấn công.
Tất nhiên, Tổng thống Putin đã cố gắng né tránh các câu hỏi về cuộc điều tra trong diễn đàn. Nhưng khi Tổng Biên tập tờ Bloomberg, Johnberg John Micklethwait đưa ra một câu hỏi về việc có phải là một tên lửa Nga đã bắn hạ máy bay không, ông trả lời: "Tất nhiên là không!"
Tổng thống Macron, người ngồi ngay cạnh ngay nhà lãnh đạo Nga đã không có bất kỳ phản ứng nào.
Trên thực tế, ông cũng tránh nói về những cáo buộc và thậm chí đồng tình với ý kiến của lãnh đạo nước chủ nhà: "Tôi nghĩ rằng Tổng thống Putin hoàn toàn đúng khi chúng ta phải tưởng nhớ những nạn nhân của thảm kịch này cùng với gia đình của họ. Một cuộc điều tra độc lập đã được thực hiện và tôi đồng ý với những gì Tổng thống Putin nói ngày hôm qua: Hợp tác với người Hà Lan là cần thiết".
Ông cũng đi xa hơn như kêu gọi cộng đồng doanh nhân Pháp đầu tư nhiều hơn ở Nga và nói về sự cần thiết phải "xem xét lại cấu trúc quan hệ của chúng ta" và "làm việc cùng nhau".
Băng giá đã tan?
Chỉ một tuần trước khi diễn đàn diễn ra, Tổng thống Putin đã gặp một nhà lãnh đạo châu Âu khác - Thủ tướng Đức Angela Merkel – người cũng chia sẻ những quan điểm thân tình với Moscow.
Bà Merkel đã nói công khai về nhiều vấn đề, thậm chí đề cập đến các vấn đề nhân quyền ở Nga. Tuy nhiên, giai điệu tổng thể của chuyến thăm là một sự nồng ấm, hài hòa – báo hiệu cho quá trình tan băng trong quan hệ.
Đây là những dấu hiệu đáng khích lệ cho Điện Kremlin - lần đầu tiên kể từ khi cuộc khủng hoảng gây tranh cãi bùng nổ ở Ukraine - cho thấy sự cô lập quốc tế đối với Nga có thể sớm kết thúc.
Diễn biến này đặc biệt quan trọng trước khi World Cup 2018 diễn ra, vốn được coi là một sự kiện PR lớn của Nga.
Tuy nhiên giới phân tích cho rằng, mọi cuộc ăn mừng với Moscow lúc này là quá sớm. Nga vẫn đang nằm trong sự dò xét của Pháp và Đức hiện nay vì hai nước đang theo đuổi một số mục tiêu ngắn hạn trong thực tế.
Cả hai nước đều muốn Tổng thống Putin gia tăng áp lực lên Iran (để cứu vãn thỏa thuận hạt nhân) và Syria (để tham gia trong các cuộc đàm phán hòa bình).
Cây bút Roman Dobrokhotov của tờ The Insider cho rằng, quá trình tan băng trong quan hệ này sẽ không diễn ra lâu dài. Đức và Pháp sẽ luôn coi các đồng minh phương Tây của họ quan trọng hơn Nga và sẽ vẫn ủng hộ những đồng minh không muốn hướng tới việc bình thường hóa quan hệ.
Tại Mỹ, Quốc hội và Nhà Trắng đều có ý định tăng áp lực lên Moscow thông qua các biện pháp trừng phạt và rõ ràng là Tổng thống Trump sẽ không cố gắng ngăn chặn điều này, đặc biệt giữa bối cảnh công tố viên đặc biệt Robert Mueller vẫn đang điều tra về sự can thiệp của Nga vào các vấn đề nội bộ nước Mỹ.
Hơn nữa, đảng Dân chủ đang có cơ hội chiếm đa số ghế trong Quốc hội trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ tháng 11 – điều sẽ không có lợi cho Tổng thống Putin.
Quan hệ Nga-Anh đang ở mức thấp nhất mọi thời đại và cuộc điều tra cáo buộc đầu độc cựu điệp viên người Nga Sergey Skripal ở Salisbury có thể làm mọi việc trở nên tồi tệ hơn.
London đã "ném bỏ" quan hệ với Nga bằng cách huy động một cuộc tấn công ngoại giao quy mô lớn, với sự tham gia của cả Đức và Pháp.
Ở phía sau đó, các quốc gia thành viên của JIT - chủ yếu là Hà Lan, Bỉ, Australia tiếp tục giữ lập trường khắc nghiệt chống lại Moscow. Kết hợp với nhau, các nước này chắn chắn sẽ lấn át ảnh hưởng so với Đức và Pháp hiện tại.
Cách duy nhất để thực sự phá vỡ sự cô lập quốc tế sẽ là Tổng thống Putin thực hiện một nhượng bộ, nhưng ông sẽ không bao giờ làm điều đó.
Nga không thể thừa nhận đứng đằng sau vụ thảm kịch MH17 (dù thực sự làm hay không làm) vì điều đó sẽ chỉ càng làm tăng thêm áp lực chỉ trích dữ dội từ phương Tây, kéo sang cả những vấn đề khác.
Nga không thể ngừng ủng hộ chính quyền Bashar al-Assad vì lãnh đạo Syria có thể sẽ gặp số phận tương tự như Muammar Gaddafi hay Saddam Hussein – và Tổng thống Putin sẽ không bao giờ để lặp lại kịch bản tương tự như vậy.
Moscow có thể cố gắng làm nhiều điều để thoát ra khỏi sự cô lập của thế giới phương Tây, nhưng chỉ một mình nỗ lực làm tan băng của Pháp và Đức được cho là không đủ.