Liên quan đến dự án xây dựng ga tàu điện ngầm C9 cạnh Hồ Gươm, thông tin với PV báo Người Đưa Tin lãnh đạo ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội cho biết, qua điều tra, khảo sát xác định trong khu vực xây dựng ga C9 có khoảng 54 cây xanh, bóng mát phải đánh chuyển, chặt hạ.
Trong số đó, có nhiều loại cây như sưa đỏ, mõ, phượng, tếch, muồng, móng bò, đa, thàn mát, quếch, bằng lăng, me, sấu, chẹo… Cây to nhất có đường kính khoảng 115cm, nhiều cây đường kính dao động từ 30 - 80cm.
Được biết, có 9 cây sưa đỏ đều được lên phương án đánh chuyển. Một số cây khác như muồng, móng bò, quếch... đáp ứng đủ điều kiện cũng được ưu tiên đánh chuyển. Sau khi sở Xây dựng cấp phép phương án chặt hạ, đánh gốc với 33 cây, đánh chuyển 21 cây, việc này sẽ được thực hiện. Ban Quản lý đường sắt đô thị chi trả kinh phí.
Ông Lê Trung Hiếu, Phó Trưởng ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội khẳng định với PV báo Người Đưa Tin rằng, việc thi công sẽ làm mọi cách để đỡ ảnh hưởng nhất đến cây xanh và cảnh quan khu vực.
“Trong quá trình thực hiện quy hoạch ga C9, ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội đã làm việc với sở Xây dựng, công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội để được hướng dẫn thủ tục lập phương án xử lý di chuyển, bảo tồn cây xanh theo quy định của TP.
Trong giai đoạn tiếp theo, khi quy hoạch tổng mặt bằng ga C9 được phê duyệt, ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội sẽ phối hợp công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội điều tra chi tiết, cập nhật lại số lượng, chủng loại tất cả các loại cây xanh, thảm cỏ trong khu vực thi công ga C9, lập phương án xử lý, thay thế hoặc duy trì đối với từng vị trí cây xanh, phương án khôi phục nguyên trạng công viên, cây xanh trong khu vực trình các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt để thực hiện.
Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội đảm bảo rằng, sau khi thi công xong ga C9, hệ thống cây xanh, thảm cỏ... trong khu vực, nhất là vườn hoa Bờ Hồ sẽ được khôi phục và tôn tạo như nguyên trạng ban đầu, thậm chí đẹp hơn”, đại diện ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội thông tin.
Lãnh đạo ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội thông tin thêm, trên bản vẽ công bố quy hoạch xin ý kiến người dân cũng đã thể hiện rõ ký hiệu của các cây xanh nằm trong khu vực xây dựng nhà ga C9. Theo thông tin tìm hiểu, kinh phí chặt hạ đối với một số cây xà cừ ở khu vực đền Bà Kiệu khoảng 22 triệu đồng/cây, còn nếu đánh chuyển thì chi phí hết khoảng 100 triệu đồng/cây.
Theo phương án quy hoạch, ga C9 được bố trí ngầm dưới phố Đinh Tiên Hoàng và phần dưới vườn hoa Hồ Hoàn Kiếm. Nhà ga dài 150m, rộng 21,4m, sâu 17,45m, có 3 tầng. Theo đó, khoảng cách ngắn nhất từ thân ga C9 tới Hồ Hoàn Kiếm khoảng 10m, tới tượng đài Cảm tử 81m, tới đền Bà Kiệu 83m, tới Tháp Bút 36m, tới vườn hoa tượng đài Lý Thái Tổ 120m. Ga có 4 cửa lên xuống, gồm cửa số 1 được bố trí cùng cụm công trình phụ trợ trong khuôn viên tổng công ty Điện lực Hà Nội; cửa số 2 có một phần nằm trên vỉa hè đường Trần Nguyên Hãn và trên một phần đất của tổng công ty Điện lực miền Bắc; cửa số 3 đặt bên cạnh thân ga trên vườn hoa Bờ Hồ Hoàn Kiếm; cửa số 4 bố trí phía sau tượng đài Cảm tử, phố Hàng Dầu.
Trước đó, tại cuộc trưng bày phương án quy hoạch nhà ga C9 diễn ra sáng 9/3, đã có rất đông các nhà nghiên cứu, chuyên gia kiến trúc, xây dựng và người dân đến tham quan, đóng góp ý kiến cho bản quy hoạch. Bên cạnh nhiều ý kiến đồng tình thì việc xây dựng ga ngầm cạnh Hồ Gươm cũng nhận được nhiều ý kiến tranh cãi phản bác cho rằng, việc đặt ga ngầm cạnh Hồ Gươm là không phù hợp.