Nếu mục tiêu là ê- kíp, vây cánh thì khó chọn được người tài

Nếu mục tiêu là ê- kíp, vây cánh thì khó chọn được người tài

Dương Thị Thu

Dương Thị Thu

Thứ 3, 15/08/2017 12:05

ĐBQH Lê Thanh Vân cho rằng: “Việt Nam không thiếu người tài, nhưng nếu mục tiêu là ê- kíp, vây cánh, nối dõi thì sẽ khó chọn được người tài”.

image

Chọn vây cánh, ê kíp, nối dõi thì không có người tài

Vừa qua, khi góp ý vào dự thảo Quy định về phân cấp quản lý cán bộ, ĐBQH Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội đã có rất nhiều ý kiến tâm huyết. Thậm chí, ông còn viết thư góp ý riêng trên quan điểm cá nhân gửi tới Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính.

Kiểm điểm cá nhân sẽ chỉ thấy hào quang của mình

PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc phỏng vấn ĐBQH Lê Thanh Vân về những điều ông tâm huyết liên quan đến công tác cán bộ hiện nay.

Xã hội - Nếu mục tiêu là ê- kíp, vây cánh thì khó chọn được người tài

ĐBQH Lê Thanh Vân.

PV: Thưa ông, vì sao, ngoài  ý kiến chung vào văn bản của Tổ đảng Ủy ban Tài chính - Ngân sách để báo cáo Đảng đoàn Quốc hội tập hợp,  ông còn viết thư riêng gửi Trưởng ban Tổ chức Trung ương?

ĐBQH Lê Thanh Vân: Nhiều năm làm việc ở ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tôi đã rút ra những kinh nghiệm khi giúp việc cho lãnh đạo Quốc hội.

Sau này khi làm lãnh đạo từ Vụ phó, Vụ trưởng cho đến Phó viện trưởng, tôi thấy rằng, trong hệ thống quản lý, tổ chức bộ máy có nhiều bất cập như: Nhiệm vụ, chức năng và công việc có sự chồng chéo, nặng về phối hợp, trách nhiệm cá nhân không rõ.

Khi làm lãnh đạo, xem xét yếu tố con người, tôi đã nhận ra rằng, ai cũng có điểm mạnh, yếu khác nhau, vấn đề là phải biết khai thác, sử dụng họ vào việc gì cho phù hợp.

Đúng như người xưa nói, “dụng nhân như dụng mộc”, gỗ nào dùng vào việc đấy. Tại sao chúng ta cứ loay hoay mãi về câu chuyện hiệu lực của bộ máy không cao? Đành rằng, hiệu lực của bộ máy còn do cách tổ chức. Hiệu quả, hiệu lực trong lãnh đạo quản lý, điều hành không cao, một phần do thể chế ban hành. Nhưng vấn đề gốc rễ, ai là người tạo ra bộ máy, ai là người ban hành ra chính sách và chủ trương, pháp luật, ai là người thực thi pháp luật? Đều là con người cả.

Thời điểm đang là Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách, được Trung ương luân chuyển về làm Phó Bí thư tỉnh Hải Dương gần 2 năm và rồi quay về vị trí cũ, tôi càng thấy chất lượng cán bộ hiện nay có vấn đề, nếu không thay đổi thì không được. Từ việc lựa chọn cán bộ ra sao, cách thức nhận diện cán bộ thế nào, sử dụng họ vào việc gì cho đúng sở trường, sở đoản.

Rõ ràng, việc này không khác gì sự uyển chuyển khi sử dụng các chất liệu gỗ, tùy thuộc vào lợi thế từng người mà bố trí công việc cho phù hợp. Cũng như mỗi bộ phận cấu thành động cơ có một chức năng, nếu sắp xếp con người đúng sở trường sẽ phát huy được tác dụng.

Dùng người là một nghệ thuật. Nghệ thuật ở đây không phải là thủ đoạn mà là một khoa học quản lý, sử dụng người. Làm sao để người nào việc ấy, bộ máy vận hành nhịp nhàng sẽ đạt được hiệu quả công việc.

PV: Qua nghiên cứu, ông đánh giá thế nào về phân cấp quản lý cán bộ hiện nay? Điều gì khiến ông trăn trở nhất?

ĐBQH Lê Thanh Vân: Từ những thực tế kể trên, nhìn rộng ra bộ máy hiện nay, chất lượng cán bộ có nhiều vấn đề khiến đại biểu Quốc hội và nhân dân phải lên tiếng, trong đó có những tiêu cực. Ngay cả về phân cấp quản lý cán bộ, dường như chưa đi theo chuẩn mực.

Việc lựa chọn cán bộ có quy định nhưng lại rất chung chung, tiêu chí, tiêu chuẩn cho từng chức danh không rõ ràng. Người đứng đầu gọi là lãnh đạo cũng được, quản lý cũng được, điều hành cũng được; chưa phân biệt đâu là lãnh đạo, đâu là quản lý, đâu là điều hành. Thực tế, mỗi tên gọi của người đứng đầu có vai trò khác nhau, ví dụ như lãnh đạo phải là người khởi xướng được chính sách, có tầm nhìn xa, trông rộng...

PV: Cũng liên quan đến công tác cán bộ, dư luận xã hội băn khoăn khi nhiều vụ việc “chọn người tài, không chọn người nhà” bị “phanh phui” thời gian qua. Rõ ràng là Việt Nam không thiếu người tài, vì sao vẫn có tình trạng này?

ĐBQH Lê Thanh Vân: Chọn người tài không khó, nhưng vì người đi chọn người tài tâm không sáng, trí không minh. Một người có khả năng nhận diện người tài thì bản thân họ phải là người tài. Còn tâm sáng là tính công bằng, nghĩa cử với cái chung. Nếu mục tiêu là phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân sẽ chọn được người tài. Nhưng mục tiêu là chọn ê- kíp, chọn vây cánh, chọn người nối dõi thì chắc chắn họ tìm những tiêu chí phù hợp.

PV: Sau khi gửi thư, ông có những kỳ vọng như thế nào từ phía người tiếp nhận?

ĐBQH Lê Thanh Vân: Sau khi gửi thư, tôi rất vui khi đã nhận được thư cảm ơn của Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính. Ít nhất, tôi biết người nhận thư đã đọc và có những động thái, nhận thấy giá trị của những kiến nghị tôi đã nêu.

Tôi vẫn cho rằng, với công tác cán bộ, yếu tố con người là quan trọng nhất. Tuy nhiên, cần tính đến tính hợp lý trong tổ chức hệ thống chính trị như thế nào, đặc biệt là trong bối cảnh chúng ta đang cải cách hành chính thì còn hàng loạt vấn đề. Cần làm sao sắp xếp bộ máy vận hành có hệ thống, tạo ra động lực để nâng cao chất lượng, hiệu quả trong quản lý xã hội.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Dương Thu (thực hiện)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.