Ông Võ Kim Cự, Chủ tịch Liên minh hợp tác xã Việt Nam, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cùng ông Nguyễn Minh Quang, nguyên Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường và nhiều cá nhân, tổ chức vừa bị đề nghị xem xét có hình thức thi hành kỷ luật theo kết luận tại Kỳ họp thứ 13 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Ông Võ Kim Cự sẽ bị xem xét kỷ luật với hình thức nào là điều được dư luận xã hội chú ý. Vì không chỉ đứng đầu Liên minh hợp tác xã Việt Nam, ông Võ Kim Cự hiện đang làm Đại biểu Quốc hội khóa XIV.
Là một đại biểu dân cử, việc xử lý với ông Võ Kim Cự có gì khó khăn? PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.
Với kinh nghiệm nhiều năm hoạt động nghị trường, cũng từng bỏ phiếu đồng ý bãi nhiệm với một số Đại biểu Quốc hội có vi phạm trong thời kỳ còn đương chức, ông Lê Như Tiến cho rằng, nếu thấy một Đại biểu Quốc hội không còn xứng đáng với niềm tin, sự tín nhiệm của cử tri và nhân dân cả nước thì Quốc hội nên xem xét.
“Tôi nghĩ, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị Ban Bí thư và cơ quan chức năng về kỷ luật với ông Võ Kim Cự cũng như các cá nhân, tổ chức vi phạm trong sự cố môi trường là dấu hiệu tốt. Điều đó thể hiện quyết tâm phòng chống tham nhũng, bảo vệ môi trường, xử lý nghiêm người đứng đầu”, ông Tiến nói.
Ông Lê Như Tiến cũng nhìn nhận, sự nghiêm minh của pháp luật còn thể hiện ở việc, nhiều người không còn giữ chức vụ vẫn bị truy trách nhiệm đến cùng.
“Nhìn một cách toàn diện, địa phương không quyết hết được mọi vấn đề, còn có trách nhiệm các cơ quan chức năng quản lý Nhà nước ở cấp Trung ương. Do đó, việc xử lý tập thể và cá nhân cấp Trung ương vi phạm, kể cả lãnh đạo đã về hưu như nguyên Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường là xác đáng”, ông Lê Như Tiến nêu quan điểm.
Riêng về những câu hỏi băn khoăn của dư luận đối với trường hợp ông Võ Kim Cự còn đang làm Đại biểu Quốc hội, việc xem xét hình thức kỷ luật có bị ảnh hưởng hay không, ông Lê Như Tiến nhận định: “Xử lý về Đảng do Đảng, xử lý về chính quyền do các cơ quan hành chính Nhà nước, còn việc xử lý một đại biểu dân cử là thẩm quyền của Quốc hội”.
“Cá nhân tôi thấy rằng, sau khi có kiến nghị của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, chắc chắn Đảng đoàn Quốc hội, ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ kiến nghị với Quốc hội trong kỳ họp gần nhất về việc xử lý với ông Võ Kim Cự. Nếu thấy không còn xứng đáng là người đại biểu của nhân dân nữa thì xem xét bãi nhiệm tư cách ĐBQH. Trước đây, Quốc hội cũng từng bãi nhiệm một số trường hợp”, ông Tiến nhấn mạnh.
“Việc xảy ra hàng năm nay, nếu xử lý được sớm hơn thì người dân sẽ an lòng, dư luận, cử tri cả nước sẽ thấy được sự kịp thời. Với khuyết điểm rõ ràng nên xử lý nhanh để càng thấy hơn sự quyết tâm xử lý sai phạm. Tuy nhiên, quy trình của Đảng là rất chặt chẽ”, ông Lê Như Tiến nói thêm.
Trước đó, tại kết luận Kỳ họp thứ 13 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương có nội dung nêu rõ: “Ông Võ Kim Cự chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh và UBND tỉnh giai đoạn 2008-2016, ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn từ năm 2008 đến năm 2010.
Ông Võ Kim Cự đã trực tiếp ký nhiều văn bản trái quy định, như: Cấp giấy chứng nhận đầu tư, cho thuê mặt nước biển nằm ngoài Khu kinh tế; đồng ý chủ trương cho công ty Formosa tự giải phóng mặt bằng để xây dựng đường ống xả nước thải... thiếu trách nhiệm chỉ đạo, thanh tra, giám sát quá trình triển khai thực hiện dự án.
Theo đó, những vi phạm của ông Võ Kim Cự là nghiêm trọng; căn cứ Quy định số 181-QĐ/TW của bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật ông Võ Kim Cự theo quy định”.
Dương Thu