Người làm báo chân chính phải là người luôn giữ được “mắt sáng, lòng trong, bút sắc” trong mọi hoàn cảnh. Tôi xin mượn câu thơ của Lỗ Tấn để nói về hành trình tôi đã, đang và sẽ tiếp tục bước đi: “Nếu phải đi trở lại/Tôi đi lại đường này”.
Tuổi 22: Khủng hoảng tài chính, hỗn độn suy tư
Năm 17, chuẩn bị bước vào kỳ thi đại học, mọi người thường hỏi rằng ước mơ, khát vọng của tôi là gì? Tôi lại bật cười, nửa đùa nửa thật trả lời: “Con có hai nguyện vọng nho nhỏ trong cuộc đời: điều 1 là trở thành một nhà báo, còn điều 2 là lấy chồng cùng họ Ứng”. Câu nói ngô nghê tuổi 17 không ngờ lại trở thành “hoa tiêu” dẫn lối. Sau 5 năm phấn đấu, hành trình giờ mới thực sự bắt đầu...
Hồi bé, tôi rất thích xem những bộ phim nói về: Luật sư, cảnh sát, công tố viên, nhà báo. Tôi say sưa lùng sục, xem trọn các bộ phim của Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản trong niềm háo hức, si mê. Những con người chiến đấu bảo vệ công lý trở thành tượng đài vĩ đại trong tôi. Tuy nhiên, có hai bộ phim Hàn Quốc thật sự lay động tới trái tim, là làn gió thổi bừng khát vọng đam mê theo nghề là phim: Pinocchio (Cô bé người gỗ) và Remember ( Hồi ức). Mỗi năm, tôi lại dành chút thời gian xem lại chúng và chiêm nghiệm về cuộc đời. Đó là hai tác phẩm điện ảnh bóc trần, lột tả chân thật nhất về nghề báo và những điều được, mất.
Tôi quyết định thi vào Học viện Báo chí & Tuyên truyền, chuyên ngành Báo mạng (Khoa Phát thanh – Truyền hình) để viết tiếp ước mơ trở thành một nhà báo. Năm thứ hai đại học, tôi đi làm thêm để có thêm thu nhập và rèn nghề. Công việc đầu tiên là làm cộng tác viên cho UBND phường Bồ Đề, quận Long Biên, TP. HN. Những bài viết được đăng tải trên cổng thông tin của phường gồm các nội dung: Đại hội, hội nghị, chương trình tuyên truyền chủ trương và chính sách của Đảng và Nhà ước, tấm gương người tốt việc tốt... Các bác, các cô chú, anh chị nơi đây là những người đặt viên gạch đầu cho công việc báo chí truyền thông sau này.
Sau đó, trong một lần tình cờ đến trụ sở Tạp chí Biển Việt Nam, tôi có cơ hội gặp nhà báo Nguyễn Văn Ba (Ban Khoa giáo Đài Truyền hình Việt Nam). Nhà báo Văn Ba là người thực hiện hàng loạt các bộ phim tài liệu đạt thưởng báo chí trong nhiều năm như: Hai cô giáo, Lớp học trên nóc ông ruộng, Thầy Cương, Lớp học trong mây... Anh Văn Ba hướng dẫn tôi viết kịch bản truyền hình, sửa câu chữ kỹ lưỡng, gắt gao mỗi khi tôi sai phạm. Nhờ sự nghiêm khắc của anh, khả năng viết của tôi tiến bộ lên từng ngày.
Sau đó, tôi cộng tác thêm với vài tờ tạp chí chuyên ngành trong suốt những năm tháng sinh viên. Vừa học vừa làm, tôi tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý báu từ những người đi trước. Mỗi trải nghiệm đều thú vị, là hành trang để tôi vững bước sau này. Tại các cơ quan báo chí mà tôi cộng tác, tôi may mắn được gặp nhiều người sếp, người anh người chị vững chuyên môn, tâm trong sáng. Họ làm việc chân chính, cẩn trọng, rèn giũa tôi từng ngày.
Nhưng va vấp sớm khiến tôi nhìn ra nhiều những mặt tiêu cực của cuộc sống nói chung và của nghề báo nói riêng. Một cô sinh viên 20 từng rất sốc, từng bàng hoàng, từng thất vọng trước những điều “mắt thấy, tai nghe”. Nhưng sau cùng, tôi đã dũng cảm đối diện, chấp nhận và sống theo quan điểm của riêng cá nhân. Tôi luôn có một niềm tin mãnh liệt: Làm việc có tâm thì sẽ có tầm. Tôi chưa bao giờ tán thành hay cổ xúy lối suy nghĩ và cách làm việc chớp nhoáng, chột giật, sẵn sàng chà đạp lên người khác để hưởng vinh lợi cá nhân.
Ra trường, tôi xin thử việc vào một tờ báo uy tín. Khi ấy, tôi khá tự tin, chắc mẩm mình sẽ trúng tuyển bởi tôi có kinh nghiệm trong công việc. Nhưng, tôi trượt ngay từ vòng đầu. Điều đó khiến tôi suy sụp, chán chường, thất vọng về bản thân. 15 ngày tôi chìm trong trạng thái cực đoan với những suy nghĩ tiêu cực. 15 ngày tôi không có định hướng, không có mục tiêu theo đuổi. Vấp ngã đầu đời khiến tôi không dám thổ lộ, tâm sự với ai, ngay cả với những người thân thiết nhất. Chỉ tới sau này, khi đã mạnh mẽ bước qua, tôi mới dám bộc bạch câu chuyện đó.
Sau đó, chị Đỗ Chang – Phóng viên Tạp chí Đời sống & Pháp luật, cũng là một người chị thân thiết đã biết nỗi khủng hoảng trong tôi. Chị đã giúp tôi vực lại được tinh thần sau khủng hoảng đó. Chị Đỗ Chang chia sẻ: “Đời sống & Pháp luật là cơ quan báo chí năng động, chuyên nghiệp. Về đây, em sẽ không bị mòn bút”.
Đời sống & Pháp luật – Nơi tôi dừng chân
Nhờ lời động viên của chị ấy mà tôi đã quyết tâm nộp hồ sơ xin việc vào Đời sống & Pháp luật, tiếp tục theo đuổi niềm đam mê. Tuy chỉ mới gắn bó với cơ quan trong 3 tháng nhưng tôi nhận thấy đây là môi trường báo chí tuyệt vời. Cảm ơn lãnh đạo cơ quan rất nhiều khi đã cho tôi một cơ hội để làm việc, trải nghiệm và cống hiến.
Nhớ thời gian đầu, tôi gặp nhiều khó khăn. Tôi mắc nhiều lỗi trong việc nhập bài, sửa bài: Lỗi chính tả, lỗi câu từ, lỗi cú pháp, lỗi diễn đạt. Nhưng tôi lạc quan nghĩ rằng khi đi làm điều hạnh phúc là được sếp mắng. Bởi chỉ có vậy, mình mới rút kinh nghiệm, tránh lặp lại sai lầm. Nhờ sự nghiêm khắc của các thư ký đã giúp tôi tiến bộ trông thấy, bài viết trở nên hay và sâu sắc hơn.
Tôi thường được giao viết phóng sự xã hội. Đây cũng là thể loại tôi yêu thích, muốn gắn bó và phát triển. Mỗi sớm thức dậy là một ngày thật tuyệt vời bởi tôi được làm công việc mình yêu thích, được thỏa chí đi đây đó, được tiếp xúc với nhiều người và được viết như chưa bao giờ được viết. Sau một ngày làm việc, tôi ra quán cà phê thân thuộc như một thói quen. Tôi sẽ viết lại câu chuyện hôm nay chứng kiến, sẽ ghi lại những điều thú vị vào một quyển sổ riêng.
Mỗi câu chuyện, mỗi con người, mỗi mảnh đời, mỗi số phận đều rất đặc biệt, rất đáng nhớ. Họ không cho tôi tiền bạc, vật chất nhưng họ cho tôi những giá trị nhân văn lớn lao. Đôi khi sự cao cả lại trú ngụ qua điều bình thường. Và những chi tiết nhỏ thường là những chi tiết bình thường.
Ba tháng ngắn ngủi nhưng tôi đã đi qua rất nhiều những vùng đất, gặp rất nhiều người thú vị. Tôi không biết bắt đầu câu chuyện của họ như thế nào bởi ai cũng thật đặc biệt, thật đáng yêu, đáng mến. Họ mang lại những bài học nhân sinh sâu sắc. Với tôi, suy nghĩ đơn giản, nghề báo là nghề kể câu chuyện mình đã chứng kiến, đã ghi nhận một cách chân thật và xúc cảm nhất. Như JefMallet đã từng nói: “Một tay viết tốt không bao giờ phải nói rằng: “Gía mà cậu có mặt ở đó nhỉ?”
Trải nghiệm đáng giá hơn bất kỳ giải thưởng báo chí nào. Tôi từng say sưa lắng nghe nghệ nhân Lê Hàm giới thiệu về Đào Thất Thốn – loại đào tiến vua ông tâm đắc nghiên cứu cả một đời. Tôi từng bật khóc khi nghe câu chuyện của “nữ tướng phố cổ”. Chị ấy lẫy lừng, khét tiếng một thời nhưng đến cuối cùng chỉ có một mong ước giản đơn là được ở bên chăm sóc cha già bại liệt. Đằng sau sự cứng rắn, mạnh mẽ, dứt khoát, ai cũng có khoảng lặng yếu mềm, tổn thương. Hay một chuyên gia trang điểm tử thi từng trầm ngâm nói với tôi: “Cảm ơn em, lâu lắm rồi mới có người ngồi nghe anh kể chuyện”. Có thể nhiều người có định kiến với công việc tiếp xúc tử thi, cho rằng điều đó thật dơ dáy, bẩn thỉu, đen đủi. Nhưng tôi thì lại thấy công việc đó là nghệ thuật và chuyên gia trang điểm tử thi là người nghệ sĩ tài ba.
Đặc biệt, trải nghiệm thú vị nhất trong thời gian gần đây là chuyến đi công tác tại tỉnh Cao Bằng. Tôi được thử cảm giác chạy xe máy gần trăm cây số trong tiết trời giá lạnh, được thưởng thức những món ăn giản dị tại địa phương. Hơn thế nữa, đó còn là cảm xúc tò mò, háo hức khi được vào bản, ở nhà sàn, sống cùng người dân tộc Lô Lô. Trong quá trình tác nghiệp gặp nhiều khó khăn về việc di chuyển, phong tục tập quán, ngôn ngữ nhưng tôi đã khắc phục được tất cả và có bài viết sâu sắc. Với tôi, đó là một thành công, thành công khi đã dũng cảm, dám bước đi, dám trải nghiệm... Những nơi đi qua, những người tôi gặp, có thể có, cũng có thể mãi mãi không gặp lại nữa. Nhưng cái tình sẽ vẫn còn đó, ở sâu thẳm nơi trái tim, là miền ký ức tươi đẹp
Đừng nhìn lại để hối hận mà cứ tiến lên đi!
Nếu sau cú sốc bị loại khỏi tờ báo lớn, tôi lựa chọn làm truyền thông tại một công ty nào đó thì sẽ không có tôi của ngày hôm nay. Nếu tôi luôn lo sợ những khó khăn của nghề báo, luôn nặng nỗi lo tài chính thì sẽ thui chột mọi xúc cảm và kỹ năng. Chỉ đến với nghề báo, tôi mới được sống thật với bản ngã của mình. Và chỉ khi làm việc tại Đời sống & Pháp luật, tôi mới có những cơ hội quý giá để phát triển.
Thật may mắn khi cô gái tuổi 22 từng rơi vào khủng hoảng đã mạnh mẽ bước qua, không bỏ cuộc trước khó khăn. Thật may mắn khi bên tôi luôn có những người đồng hành, an ủi, động viên vững bước. Và cảm ơn những người đồng nghiệp tốt bụng, nhiệt tình, đó là những người anh người chị trong cơ quan dìu dắt, chỉ bảo cho tôi những điều bổ ích.
“Khi tăm tối, bất hạnh nhất hãy không ngừng hy vọng”. Sau này, những nhân vật tôi gặp đã giúp tôi nhận ra điều ấy càng rõ nét hơn. Biết quãng đường sống với nghề báo còn nhiều khó khăn, thử thách nhưng tôi sẽ nhủ lòng mình kiên cường, bình tâm vững bước. Bởi hạnh phúc lớn nhất trong cuộc đời là được làm công việc mình yêu thích, ở bên những người mình yêu thương. Hạnh phúc thật sự không phải là những vật chất, danh vọng phù du.
Xã hội ngày nay, mong muốn đứng trên đỉnh cao của sự nghiệp, có danh tiếng, có quyền lực, có tiền bạc khiến không ít người làm báo đưa ra những lựa chọn sai lầm. Có những sai lầm có thể sửa lại. Nhưng cũng có sai lầm để lại hậu quả khôn lường, là nỗi ám ảnh trong thâm tâm. Để tránh những sai lầm không đáng có ấy, điều quan trọng là cần có khối óc tỉnh táo và có cái nhìn toàn diện về sự việc. Biết nghề nguy hiểm và nhiều cám dỗ, chỉ một phút yếu lòng là sẽ phải trả giá đắng, tôi luôn trau dồi, tu dưỡng đạo đức và kỹ năng.
Đời sống & Pháp luật có môi trường báo chí hiện đại, năng động, chuyên nghiệp, luôn đổi mới theo hướng tích cực. Tôi thấy mình thật sự may mắn khi được làm việc tại đây. Cảm ơn cơ quan đã cho tôi cơ hội để học tập, rèn luyện và cống hiến, giúp ước mơ trở thành một phóng viên, một nhà báo trở thành hiện thực.
Ứng Hà Chi