Ngày 14/6, Công an TP.HCM đã phục hồi điều tra bị can đối với Trương Hồ Phương Nga (SN 1987, ngụ TP.Hà Nội, là Hoa hậu người Việt tại Nga năm 2007) và Nguyễn Đức Thùy Dung (SN 1987, ngụ TP.HCM). Hai bị can này tiếp tục bị điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Để có cái nhìn khách quan, khái quát về lần phục hồi điều tra này, PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với luật sư Nguyễn Hoàng Tiến, Trưởng văn phòng luật sư Đức Thịnh – đoàn luật sư Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng khen thưởng luật sư Hà Nội để làm rõ hơn sự việc trên.
PV: Thưa ông, về việc Công an TP.HCM có quyết định phục hồi điều tra vụ án, ông có quan điểm như thế nào?
Tôi hoàn toàn đồng ý với cơ quan CSĐT, vì trước đó không đủ thời gian điều tra nên cần tạm đình chỉ vụ án, giờ đã điều tra thêm 1 số nội dung cần làm rõ thì việc khôi phục điều tra không có vấn đề gì.
PV: Trước đó Phương Nga đã bị bắt tạm giam để điều tra, vậy khi phục hồi điều tra, liệu Phương Nga có lại bị bắt tạm giam không thưa ông?
Việc bắt tạm giam Phương Nga là không cần thiết, vì Phương Nga trước đó đã bị tạm giam hơn 2 năm. Theo Bộ luật Tố tụng Hình sự thì thời gian tạm giam của Phương Nga đã hết. Phương Nga chỉ có thể bị bắt tạm giam trở lại nếu mắc 1 trong những cáo buộc như: Bỏ trốn, hủy hoại tài liệu vụ án, cản trở hoạt động điều tra, cản trở hoạt động xét xử của Tòa án hoặc phạm tội mới.
PV: Nếu trong trường hợp Phương Nga được tòa tuyên vô tội, vậy theo ông khi đó ông Mỹ có phải chịu trách nhiệm gì không? Vì mức thiệt hại của Phương Nga là quá lớn.
Nếu Phương Nga được tòa tuyên vô tội, thì Cao Toàn Mỹ chỉ phải chịu trách nhiệm khi Phương Nga làm đơn tố cáo Cao Toàn Mỹ với tội danh Vu khống theo Điều 122 Bộ luật Tố tụng Hình sự.
Còn về trách nhiệm Nhà nước, VKSND TP.HCM phải chịu trách nhiệm bồi thường tổn thất cho Phương Nga về cả tinh thần lẫn vật chất theo Bộ luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017.
PV: Được biết, ông đã từng là 1 điều tra viên, giờ hiện tại đang là luật sư, vậy trong quá trình làm việc ông có ấn tượng với vụ án phục hồi điều tra tương tự như này không? Và quan điểm cá nhân của ông về vụ án này ra sao?
Trong quá trình công tác, tôi gặp không ít vụ án phải tạm đình chỉ điều tra rồi lại tiếp tục điều tra. Ví dụ như những vụ án có những bị can bỏ trốn, cơ quan công an phải ra quyết định truy nã. Đến khi bắt được đối tượng lại tiếp tục điều tra. Còn về vụ án “tình – tiền” như này thì khá hi hữu.
Qua vụ án, tôi thấy nổi lên những thực tế của xã hội, những mối quan hệ giữa “đại gia và kiều nữ” mà xưa nay vẫn có câu nói dân gian “bắc thang lên hỏi ông trời, tiền đem cho gái có đòi được không?”
Nó mang tính chất răn đe cho các đại gia thích chơi ngông khác để rồi sau đó lại phải nhờ đến cơ quan chức năng đòi lại “công lý” cho mình.
Vì với tôi, chỉ cần hiểu đơn giản là số tiền hơn 16 tỷ đồng không phải nhỏ mà ông Mỹ có thể dễ dàng chuyển cho Phương Nga không có căn cứ.
Xin cảm ơn ông!