Đừng nghĩ sáp nhập đơn giản một cách cơ học!
Theo đề xuất của bộ Nội vụ, những tỉnh miền núi, vùng cao có diện tích dưới 8.000 km2 và dân số dưới 900.000 người, những tỉnh còn lại có diện tích dưới 5.000 km2 và dân số dưới 1,4 triệu người sẽ thuộc diện sáp nhập thời gian tới.
Câu chuyện này đang được dư luận đặc biệt quan tâm. PV Người Đưa Tin Pháp Luật đã trao đổi với một số cán bộ, chuyên gia để ghi nhận ý kiến xung quanh đề xuất này.
PGS.TS Nguyễn Trọng Điều, nguyên Thứ trưởng bộ Nội vụ, nguyên Phó Giám đốc học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nêu quan điểm: “Tôi cho rằng, đề xuất của bộ Nội vụ về việc thí điểm sáp nhập một số tỉnh trong thời gian tới là hợp lý. Bởi vì, chúng ta muốn phát triển mà chia các địa dư ra manh mún quá thì không ổn. Lý do thứ hai, hiện nay “thế giới phẳng”, công nghệ 4.0 của ta phát triển, đáp ứng nhanh nhiều việc mà chúng ta lại chia cắt nhiều tỉnh, có tỉnh chưa đến 1 triệu dân thì rất khó phát triển. Tôi nghĩ, trừ các trường hợp những tỉnh miền núi mật độ dân số thưa thớt, rừng núi quá rộng thì tiêu chí dân số có thể thấp hơn, nhưng tiêu chí về dân số ở các tỉnh đồng bằng ít nhất cũng phải 2 triệu dân”.
Nguyên Thứ trưởng bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Điều cũng lưu ý: “Tuy nhiên, khi sáp nhập các tỉnh cũng cần phải chú ý đến tính truyền thống, lịch sử, tính văn hóa của các địa phương, chứ đừng có nghĩ sáp nhập đơn giản một cách cơ học. Nếu như kết hợp được những yếu tố đó thì sẽ thuận lợi hơn rất nhiều”.
Rút kinh nghiệm từ những lần tách ra - nhập vào trước đây!
Ông Bùi Văn Xuyền - Đại biểu Quốc hội, Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khóa XIV cho rằng: “Tôi đồng tình với quan điểm nên sáp nhập một số đơn vị địa phương, đặc biệt là các đơn vị cấp huyện, cấp xã. Việc sáp nhập như vậy sẽ đem lại hiệu quả trong tổ chức, tinh giản biên chế, giảm đầu mối, kinh phí, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước.
Hiện nay, không gian phát triển của nhiều tỉnh rất nhỏ, quy mô manh mún; trong khi đó những quy hoạch về kết cấu, về vùng thì lại chưa cụ thể, rõ ràng, chưa đủ về mặt pháp lý, cho nên rất vướng. Vì thế, việc sáp nhập các tỉnh nhỏ vào một quy mô lớn để có không gian cho quy hoạch phát triển là lẽ tất yếu.
Nếu chia nhỏ các tỉnh ra, tỉnh nào cũng muốn phát triển, tỉnh nào cũng phải quy hoạch cảng biển, sân bay, đường sá, rồi thì thu hút đầu tư nước ngoài, mỗi tỉnh thu hút một kiểu thì không biết doanh nghiệp chia 5 sẻ 7 ra làm sao? Hiện nay, công tác quản lý Nhà nước đã ứng dụng khoa học công nghệ vào nhiều lĩnh vực, chúng ta thực hiện Chính phủ điện tử, trình độ dân trí cũng tăng, cơ sở hạ tầng, đường sá giao thông thuận lợi hơn trước, cho nên không nhất thiết phải để bộ máy các tỉnh cồng kềnh vậy”.
Tuy nhiên, ông Bùi Văn Xuyền nhấn mạnh: “Trước đây, chúng ta nhiều lần tách ra – nhập vào, nhập vào - tách ra, nhưng khi đó vẫn thiếu những căn cứ khoa học. Lúc tách ra thì có lập luận của tách ra, lúc nhập vào cũng có lập luận để nhập vào.
Còn bây giờ, cần rút kinh nghiệm từ những lần tách ra - nhập vào trước đây, phải có những lập luận chắc chắn, có luận cứ về mặt khoa học, về mặt thực tiễn, phải nghiên cứu cả về văn hóa, con người, đặc điểm khu dân cư. Cần bài bản hơn, tạo đồng thuận của người dân, cán bộ Đảng viên, đảm bảo được sự đoàn kết trong nội bộ… để làm sao sau khi sáp nhập sẽ bền vững, hiệu quả lâu dài; tránh những hệ lụy xấu, không hay xảy ra”.
"Không thể cứ nói tách là tách – nhập là nhập được!"
Trong khi đó, một cán bộ nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho rằng: “Cơ quan chức năng phải có đánh giá tổng kết từ địa phương, để xem việc tách - nhập các tỉnh trong mấy chục năm vừa qua, cái gì được và chưa được. Chứ nếu như chỉ lấy tiêu chí diện tích đất tự nhiên và dân số để làm căn cứ thì không ổn. Nhìn ra bên ngoài, như Singapore, diện tích nhỏ nhưng đất nước rất phát triển. Đâu cứ phải diện tích lớn mới phát triển.
Tất nhiên, chúng ta tôn trọng khoa học, nhưng cũng phải tôn trọng cả thực tiễn. Hiện nay, có những huyện miền núi rộng lớn, đường đi khó khăn, hiểm trở, đặc biệt là vùng biên giới, khi chưa sáp nhập huyện với huyện thì cán bộ còn chưa đi hết được các xã, vậy mà bây giờ sáp nhập thì quản lý làm sao! Như vậy có phải là quan liêu không?”.
“Bên cạnh đó, ở đây cũng cần lưu ý đến câu chuyện: Khi bắt đầu có đề xuất sáp nhập một số tỉnh - có thể sẽ gây ra tác động lớn, đó là hiện nay nhiều địa phương đã có những ý tưởng phát triển tổng thể nhưng khi có đề xuất này thì sẽ xuất hiện tâm lý “trông chờ” sự ổn định đơn vị hành chính thì mới thực hiện kế hoạch, có thể phải chờ đợi kéo dài cả chục năm. Vậy có nên hay không nên?”, vị cán bộ này đặt vấn đề.
Ông cũng phân tích: “Nếu nói diện tích tự nhiên nhỏ để nhập thành to thì không ổn, đó chỉ là phép cộng cơ học. Vậy, nếu diện tích nhỏ nhưng dân số đông và kinh tế vẫn phát triển thì đánh giá như thế nào?
Có thể, khi đưa ra đề xuất, người ta chỉ tính toán một cách đơn thuần rằng, sáp nhập tỉnh sẽ giảm bớt biên chế; nhưng tại sao không đặt vấn đề ngược lại, một tỉnh diện tích nhỏ, họ quản lý tốt, có chính sách phát triển kinh tế phù hợp nên đóng góp ngân sách lớn?...”.
Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương thẳng thắn chia sẻ: “Nói tóm lại, việc thực hiện sáp nhập các tỉnh không thể vội vàng chạy theo thành tích giảm bớt đầu mối, giảm bớt biên chế một cách cơ học mà không phù hợp với tình hình thực tiễn.
Khi đưa ra vấn đề này cần phải nêu rõ cơ sở khoa học, phải có khảo sát, có viện dẫn lý do chính đáng. Phải trả lời câu hỏi “tổng kết thực tiễn đã được đánh giá chưa, đã chính xác chưa”. Tôi nhấn mạnh, cái này phải được đánh giá từ dưới lên trên, chứ không thể ở trên nhìn xuống, như vậy sẽ thiếu thực tiễn. Nếu chưa có đánh giá toàn diện thì chưa nên đưa ra đề xuất, chứ không thể cứ nói tách là tách – nhập là nhập được”.