Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án Văn hóa công vụ nhằm hình thành phong cách ứng xử, lề lối làm việc chuẩn mực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đáp ứng nhu cầu phục vụ nhân dân, xã hội. Trong Đề án này có nhiều nội dung, tuy nhiên, nội dung được thảo luận nhiều trong những ngày qua là việc công chức không được nịnh bợ, lấy lòng cấp trên vì mục đích không trong sáng.
Xung quanh vấn đề này, trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, PGS.TS Bùi Thị An (ĐBQH khoá XIII) cho rằng: “Đề án này nếu đi vào cuộc sống thì sẽ nâng cao trách nhiệm của cán bộ, công chức trong phục vụ nhân dân, giúp cho hoạt động thực thi công vụ minh bạch, hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, vấn đề là làm thế nào để tất cả các văn bản phải khả thi, thực sự đi vào cuộc sống? Muốn vậy thì phải có mấy yếu tố.
Thứ nhất là điều kiện để thực hiện. Theo đó, cán bộ, công chức phải làm đúng những điều gương mẫu trong quy định của trung ương. Trước hết, những người đứng đầu cơ quan, đơn vị, đứng đầu công sở đó phải gương mẫu về văn hóa ứng xử trong cơ quan. Từ đó mới có tác dụng lan tỏa.
Yếu tố thứ hai là phải giám sát việc thực hiện. Nếu theo đề án này thì người nọ giám sát người kia hay ai giám sát? Cái này cần phải đặt ra, như vậy thì người mắc lỗi mới biết được để sửa.
Còn nếu như thiếu sự giám sát thì đọc tai trước lại ra tai sau, nếu không cẩn thận sẽ thành “nhờn quy định”, cứ ra quy định rồi không ai thực hiện cũng chả làm sao. Quy định sẽ không thể đi vào cuộc sống.”.
Vị ĐBQH khoá XIII Bùi Thị An cũng đặt vấn đề: “Nếu bản thân lãnh đạo mà không gương mẫu thì nói gì cấp dưới vi phạm? Lãnh đạo dù là nhóm trưởng, tổ trưởng thì vẫn phải gương mẫu đầu tiên trong việc thực hiện các quy chế của cơ quan. Bản thân lãnh đạo không gưỡng mẫu thì không dám nói ai, không chỉnh đốn được ai. Nếu cứ như vậy thì cấp dưới sẽ tiếp tục vi phạm.
Bởi vậy, việc đầu tiên là các đồng chí lãnh đạo ở tất cả các cấp phải gương mẫu, còn nếu họ không gương mẫu thì dù ra hàng loạt quy định cũng không khả thi. Nó giống như việc “đánh bùn sang ao”.
Và phải có “hậu kiểm”, theo dõi, quản lý đánh giá, tìm ra nguyên nhân tồn tại khuyết điểm. Nếu cá nhân nào đó liên tiếp vi phạm thì phải xử lý. Nơi nào phương pháp không ổn thì phải chấn chỉnh”.
Cũng theo bà An: “Trong thực tế từ trước tới giờ vẫn có hiện tượng một số trường hợp cấp dưới suốt ngày xum xoe, nịnh bợ cấp trên vì động cơ mục đích không trong sáng. Còn việc ứng xử có văn hóa, đoàn kết trong nội bộ cơ quan lại khác với chuyện nịnh bợ. Những lời nói đúng sự thật nhưng ngọt ngào, ôn hòa, ứng xử văn hóa khác với sự nịnh bợ.
Trách người nịnh bợ một phần thì cũng phải trách người nghe nịnh bợ nhiều phần hơn. Nếu sếp là người không thích được nịnh thì cấp dưới làm sao dám nịnh bợ? Thậm chí, nịnh xong lại thấy “hiệu quả” bằng thuận lợi, được tạo điều kiện trong công việc thì cấp dưới sẽ tiếp tục nịnh. Vì nghe nịnh bợ mới không bổ nhiệm được người tài, như vậy chính là trách nhiệm của người lãnh đạo.
Lãnh đạo mà gương mẫu đúng như quy định của Trung ương vừa rồi thì không ai dám nịnh bợ. Ai nịnh phải phát hiện ra ngay.
Vì vậy, hãy chọn người đứng đầu các đơn vị để bổ nhiệm cho thật đúng đã, những người có tài, có tâm, có tầm thì sẽ gạt được tất cả các hiện tượng đó”.
Đồng tình với quan điểm trên, GS.TS Nguyễn Anh Trí, ĐBQH đoàn Hà Nội (khóa XIV) nhìn nhận: “Trên thực tế, đất nước ta có rất còn nhiều cán bộ tốt. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số cán bộ chưa thực sự tu dưỡng, rèn luyện mình. Thậm chí, có những cán bộ chưa đủ năng lực, trình độ kiến thức, đạo đức nhưng đã len lỏi lên được những vị trí nọ, vị trí kia. Chính đó là những hình ảnh xấu trong Chính phủ kiến tạo, làm cho người dân mất lòng tin. Tôi cho rằng, Chính phủ thông qua đề án Văn hóa công vụ như vừa rồi là hết sức đúng đắn”.
Theo GS Trí: “Để đưa quy định “công chức không được nịnh bợ, lấy lòng cấp trên vì mục đích không trong sáng” thực sự đi vào cuộc sống, cần nhìn ở 2 góc độ.
Thứ nhất, một người khi đã trở thành cán bộ thì phải hết sức tu dưỡng, rèn luyện, cố gắng phục vụ cho đất nước, cho nhân dân. Giả sử nếu người cán bộ có trình độ kiến thức mà kém, đang non yếu thì phải học tập và không ngừng tu dưỡng đạo đức. Đặc biệt trong xã hội có nhiều cám dỗ như hiện nay thì phải luôn luôn rèn luyện.
Thứ hai, những người thủ trưởng khi đưa ra quyết định bổ nhiệm cấp dưới của mình thì phải hết sức chú ý, phải phân tách được tình cảm, đánh giá đúng năng lực của cán bộ cấp dưới, chứ không bị ảnh hưởng bởi sự xu nịnh với động cơ không trong sáng của cấp dưới để mà bổ nhiệm”.
Vị ĐBQH nhấn mạnh: “Thường thì khi người ta nghe những lời ngọt ngào bao giờ cũng dễ nghe hơn những lời trái với tai của mình. Đó là xu hướng chung. Vì vậy, người lãnh đạo phải rất tinh nhạy về việc này.
Đặc biệt, đừng để cho những người thân, vợ con của mình ảnh hưởng đến việc soi xét cán bộ cấp dưới trong cơ quan mình. Cán bộ phải hết sức tỉnh táo.
Tôi hy vọng, nhiệm kỳ này sẽ tiếp tục tìm kiếm được những người có trách nhiệm, làm tốt hơn, hết lòng với sự nghiệp chung của đơn vị, của cơ quan và của đất nước”.