Từ trước đến nay, trên trường đấu sắc đẹp quốc tế, Việt Nam vẫn là cái tên khá mờ nhạt. Dù việc đầu tư, chuẩn bị cho các đại diện Việt Nam đi thi được chú trọng nhiều hơn. Trong mắt bạn bè quốc tế, các thí sinh Việt Nam cũng được đánh giá cao hơn. Tuy nhiên, những cái tên như Phạm Hương, Lệ Hằng, Diệu Ngọc... cuối cùng vẫn “trắng tay”.
Sau rất nhiều thất vọng, năm 2018 được đánh giá là một năm thành công của Bộ Văn hóa – Thể thao & Du lịch. Đằng sau chiến thắng của ĐT Việt Nam tại AFF Cup 2018, tin vui tiếp tục đến với người hâm mộ nước nhà khi H’Hen Niê lọt top 5 Hoa hậu Hoàn vũ Thế giới. Trước H'Hen Niê, thành tích cao nhất của Việt Nam trong cuộc thi này chỉ là top 15.
Dù vậy, nhiều người tỏ ra tiếc nuối khi H’Hen Niê không thể lọt top 3. Thậm chí, không ít người còn mong muốn cô gái người Ê Đê có thể giành vị trí cao nhất của cuộc thi này. Nhưng điều đó là quá khó!
Tiếng Anh chính là thứ rào cản lớn mà người đẹp Việt Nam bao đời đi thi đều mắc phải. Và đó cũng là “tử huyệt” của H’Hen Niê. Ngôn ngữ không tốt đồng nghĩa với việc bị hạn chế trong giao tiếp, hành xử, thể hiện cá tính con người... những nhân tố vô cùng quan trọng và có tính chất quyết định trong một cuộc thi sắc đẹp mang tầm quốc tế.
Tạm gác lại câu chuyện về các cuộc thi sắc đẹp, ở Việt Nam, tiếng Anh luôn là “điểm nghẽn” cản trở sự thành công của nhiều người trong tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là giới trẻ. Cùng học 1 trường, cùng 1 xuất phát điểm… nhưng ai có trong tay ngôn ngữ thứ 2 là người luôn giành được những cơ hội việc làm tốt hơn, thăng tiến nhanh hơn…
Trở về cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Thế giới 2018, nếu Việt Nam sớm công nhận tiếng Anh là ngôn ngữ thứ 2, H’Hen Niê có thể tự hiểu, tự biểu đạt điều mình muốn nói trong phần thi ứng xử top 5 mà không cần đến người phiên dịch. Kết quả thi của đại diện Việt Nam có lẽ đã ở một thứ hạng khác còn… hơn cả mong đợi.
Trong khi nhiều người hâm mộ không đủ tinh tế để nhận ra tiếng Anh kém mới là mấu chốt vấn đề của H’Hen Niê thì cô lại tỏ ra hiểu biết và bao dung.
Cô không trách phiên dịch viên, thậm chí cô hài lòng và cảm ơn người chị đã đồng hành với mình trong cuộc thi để được xướng tên trong top 5 của cuộc thi sắc đẹp vô cùng danh giá.
Thậm chí nhận lỗi về mình: “Lỗi của tôi khi trả lời ứng xử là nói quá nhanh, chị sẽ không nghe được. Hơn nữa, những từ tôi dùng đều rất Việt Nam, rất địa phương mà chị sống ở Mỹ thì đâu có dùng những từ như vậy”.
Một điều đáng khen nữa, trong bữa tiệc đăng quang của Hoa hậu Hoàn vũ ở Bangkok (Thái Lan) vào tối 17/12, dù mắc kẹt trong vòng vây của người hâm mộ và những chuyên gia sắc đẹp Thái Lan lẫn quốc tế nhưng H'Hen Niê không quên gặp gỡ người phiên dịch sau hậu trường để gửi một cái ôm ấm áp: "Chị đừng nghĩ gì cả, em rất vui, top 5 là tuyệt lắm rồi".
Vâng, ánh hào quang không thể mãi chói sáng. Điều còn đọng lại sau vẻ đẹp là nhân cách con người và trí tuệ. Ngoài việc học được sự độ lượng và bao dung khi sống trong một môi trường đa sắc tộc, H’Hen Niê hiểu được điểm yếu ngôn ngữ của chính mình và luôn khao khát lấp đầy được những khoảng trống ấy.
Cả năm qua, H’Hen Niê đã cống hiến và nỗ lực nhiều với chiếc vương miện Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam. Giờ là lúc cô phải trở về cuộc sống thường nhật. Ngoài việc học thêm chuyên ngành nào đó để có tương lai tốt hơn, giúp đồng bào mình, H’Hen Niê luôn nhắc nhở bản thân phải học ngoại ngữ.
Nhà triết học người Áo Ludwig Wittgenstein từng nói: “Hạn chế ngôn ngữ là hạn chế tầm nhìn”. Với những người đang sống trong thời đại toàn cầu hóa, việc trau dồi thứ ngôn ngữ thứ 2 chính là cánh cửa mở ra nhiều cơ hội mới trong cuộc sống. Tôi tin rằng, H’Hen Niê hiểu và đang nỗ lực từng ngày để cống hiến và xây đắp ước mơ du học, tiệm cận với thế giới.
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả!