Đó là ý kiến của GS.TS KH Phan Trường Thị, trường ĐH KHTN- ĐH Quốc gia Hà Nội về những vụ xuất hiện "hố tử thần", trong đó có "hố tử thần" ở Quảng Ninh ngày 5/4 vừa qua.
PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc phỏng vấn với GS.TS KH Phan Trường Thị về các vấn đề có liên quan.
PV: Thưa Giáo sư, theo ông đánh giá, nguyên nhân có thể dẫn đến những "hố tử thần" xuất hiện trong khu vực dân cư như trường hợp "hố tử thần" ở Quảng Ninh vừa qua là do đâu?
GS Phan Trường Thị: Thông thường, những vùng xuất hiện "hố tử thần" hầu hết đều ở những khu vực đá vôi. Những nơi này, vùng ngầm phía dưới có rất nhiều hang ngầm từ xa xưa như Quảng Ninh, Thanh Hóa. Theo thời gian, những khu vực này sẽ được bồi lấp đầy bởi các loại cát mới. Khi dân cư đến sinh sống sẽ không biết được lịch sử xa xưa của vùng đất. Họ xây nhà lên, nếu trúng phải vị trí có hang ngầm thì khả năng một thời điểm bất kỳ, lớp đất cát phía trên sẽ sụt xuống, tạo ra các "hố tử thần" và gây tai họa với người dân.
PV: Hiện nay chúng ta có phương pháp nào để biết trước những khu vực sẽ xuất hiện "hố tử thần" hay không?
GS. Phan Trường Thị: Ngành địa chất hiện nay họ có chứ. Với những vùng nhiều đá vôi như Quảng Ninh, Thanh Hóa và nhiều vùng khác, ngành địa chất có thể dùng máy đo dò sâu, sử dụng phương pháp địa chấn nung để dò. Ví dụ, trong 1 xã, 1 huyện thuộc vùng có đá vôi, kỹ sư địa chất sẽ xách máy đo đi chừng 1 tháng, nửa tháng là có thể vẽ được một cái bản đồ những nơi có khả năng cao xuất hiện "hố tử thần", từ đó phục vụ cho việc quy hoạch nhà cửa, xây dựng công trình.
Phương pháp này có từ rất lâu rồi, nhưng các cấp chính quyền của chúng ta dường như không quan tâm đến. Các vùng có đá vôi đã được thể hiện rõ trên bản đồ địa chất Việt Nam rồi, chúng ta lại cũng có phương pháp rồi, vậy thì tại sao lại không phòng tránh được?
PV: Vậy, thưa Giáo sư, với những vùng đã xây dựng trước quy hoạch rồi cũng cần phải có một phương pháp phòng tránh rủi ro chứ?
GS. Phan Trường Thị: Xây dựng rồi thì cũng có thể xử lý. Nếu khu vực đó có các hang ngầm phía dưới thì trước sau cũng sụt xuống thôi.
Nếu là 1 vùng có nhà cửa sẵn rồi thì người ta có thể đi mạng lưới ô vuông, cắm máy đo chấn động xuống, phát tiếng nổ nhẹ nhàng và ghi lại bản đồ phân bố những hố ngầm trong lòng đất. Ở những nơi có khả năng cao có hang ngầm thì người dân cần thiết phải rời đi nơi khác mới đảm bảo an toàn được.
PV: Thưa Giáo sư, phương pháp này có tốn kém hay không?
GS. Phan Trường Thị: Phương pháp này không hề tốn kém. Kỹ sư địa chất hiện nay thì cứ than là không có việc, toàn phải làm trái ngành hoặc đi vẽ những cái bản đồ đâu đâu, hoặc ngồi chờ các dự án vô bổ còn việc thiết thực như thế này thì không được làm.
Thực ra việc này là một trong những nhiệm vụ của ngành Địa môi trường, trực thuộc bộ Tài nguyên và Môi trường. Vấn đề địa môi trường bao gồm vấn đề nền móng dưới đất, rất quan trọng.
Ví dụ như Thanh Hóa đã từng có "hố tử thần". Tôi đã từng tới nghiên cứu, chụp ảnh. Đó gọi là hố caster. Nhưng chẳng ai quan tâm tới nó, nghĩ rằng lấp là xong. Thậm chí đường xá, đền đài đều có thể xảy ra "hố tử thần". Những việc đó xảy ra có phải hàng ngày đâu. 10 năm, 20 năm… mới có, nhưng chúng ta không biết cụ thể lúc nào. Một trong những nhiệm vụ của địa môi trường là nghiên cứu những hố ngầm trong lòng đất.
PV: Thưa Giáo sư, như vậy, "hố tử thần" chỉ xuất hiện ở những nơi có hang ngầm phía dưới?
GS. Phan Trường Thị: "Hố tử thần" không nhất thiết xuất hiện ở những nơi có sẵn hố mà là những vùng đá vôi. Ví dụ như đảo Cát Bà, vịnh Hạ Long chẳng hạn, trong vịnh toàn bộ là đá vôi, vùng có những hang caster. Ở những vùng nước hiện nay sẽ lắng cát xuống tạo thành những lớp dày. Sau này toàn bộ vùng đó sẽ nâng lên thành núi. Nếu không nghiên cứu kỹ mà tiến hành xây dựng, nó sẽ tạo thành những nguy cơ gây nên những tai họa kinh khủng của việc sập đất.
PV: Thưa Giáo sư, hiện nay trong quá trình xây dựng nhà ở, có quy định nào cho biết phải có thăm dò địa chất hay không?
GS. Phan Trường Thị: Việc xây dựng nhà cao tầng, 2-3 tầng trở lên thì phải có nền móng. Việc xác định nền móng là nhiệm vụ của anh địa chất công trình. Nhưng vấn đề là họ có làm không?
Ngành địa chất hiện nay theo tôi, họ cứ kêu không có việc làm, đi làm lung tung. Họ đi làm những bản đồ viển vông, nhưng việc rất quan trọng là vẽ những bản đồ nền móng này thì lại không ai làm.
PV: Vậy theo Giáo sư, trách nhiệm trong câu chuyện này thuộc về ai?
GS. Phan Trường Thị: Theo tôi thì bộ Tài nguyên Môi trường phải quan tâm nghiêm túc về việc này, nếu không sẽ tiếp tục có những tai họa mang tên "hố tử thần" xảy ra.
Tôi ví dụ đơn giản, ở những con sông lớn như sông Hồng, sông Cả, sông Mã, việc nghiên cứu dọc bên bờ sông là việc của ngành Môi trường. Quản lý 1 dòng sông còn nặng nề hơn quản lý 1 tập đoàn kinh tế lớn. Bên lở thì bóc mãi còn bên bồi sẽ lấp lên. Nếu người ta cứ xây nhà ở bên lở thì 10 năm, 20 năm… đến một lúc nào đó, nó sẽ sập xuống. Còn nếu xây dựng phía bên bồi thì vô tư.
Hoặc như việc sụt lún liên tiếp những năm vừa qua ở một vùng của bãi biển Cà Mau chẳng hạn. Đây là vùng giao lưu giữa các dòng hải lưu và các con sông, tạo ra những vùng lở và những bãi bồi. Tuy nhiên những việc này ta hoàn toàn có thể thấy từ 20-30 năm trước. Bởi chúng ta không quan tâm, không có quy hoạch nên vẫn cho người dân xây dựng nhà cửa trên đó, và đến lúc nó sụt xuống thì lại đến quay phim, chụp ảnh. Không có nước nào cứ để diễn ra tình trạng sụt lở xuống rồi quay phim, rồi sau đó xin tiền Nhà nước để đền bù thiệt hại cả.
Hay như ở Quảng Bình, trước đây thường hay lưu truyền các câu chuyện dân gian kỳ bí như thả một quả bưởi vào dưới hang sâu, sau một thời gian nó trôi được ra biển. Trên cơ sở khoa học, lý giải không hề khó. Đây là một vùng đá vôi, có các hang ngầm và dòng chảy ngầm dưới lòng đất thôi.
Theo tôi, bộ Tài nguyên Môi trường nên có trách nhiệm trước những vấn đề như thế này.
Xin cảm ơn Giáo sư!