"Sự lãnh đạo, chỉ đạo, sự giám sát của Bộ trưởng ở đâu?"
Đánh giá về lời hứa, trách nhiệm của các vị trưởng ngành trong 2 ngày chất vấn và trả lời chất vấn vừa qua, ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TP.HCM) nhận định: “Riêng ngành Giáo dục, tôi đánh giá không ổn ở nhiệm kỳ này, Bộ trưởng bộ GD&ĐT đã có hai năm rưỡi, tức gần nửa nhiệm kỳ để làm. Đương nhiên, tôi không đòi hỏi một điều gì đó quá cao, nhưng những chuyện quá cao chưa làm được thì ít ra cần phải giải quyết rốt ráo. Thái độ xử sự của Bộ trưởng bộ GD&ĐT sau vụ sửa điểm thi là một điều đáng tiếc.
Rồi một số vụ việc tiêu cực khác, đương nhiên tiêu cực là người trong ngành làm chứ không phải bản thân Bộ trưởng. Nhưng, sự lãnh đạo, chỉ đạo, sự giám sát của Bộ trưởng ở đâu? Xử lý sau vụ việc xảy ra như thế nào? Điều này, đòi hỏi phải thể hiện một sự quyết liệt, quyết liệt từ tâm của mình chứ không phải hô khẩu hiệu”.
Cũng bày tỏ ý kiến của mình về việc có hài lòng với phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng bộ GD&ĐT hay không, ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan nói: “Bộ trưởng bộ GD&ĐT không phải là một nhà hùng biện và phần trả lời chất vấn chưa thuyết phục tôi. Tôi lấy ví dụ, trong việc dự thảo có quy định sinh viên bán dâm 4 lần bị buộc thôi học gây xôn xao những ngày qua, nếu tôi là Bộ trưởng, tôi sẽ không đổ lỗi cho cấp dưới. Và không thể lý luận rằng vì trước đây có những văn bản chưa phù hợp nên bây giờ Bộ ra lệnh rà soát, nhưng chỉ lý do cấp dưới quên rồi đưa dự thảo lên là không được.
Cái cần ở đây là gì? Cần đánh giá lại năng lực tư duy và nhận thức, ý thức của bộ phận soạn thảo ra những vấn đề như thế”.
“Trong phiên chất vấn, Bộ trưởng bộ GD&ĐT phải làm sao cho đại biểu hiểu được cảm xúc của Bộ trưởng, làm sao để chúng tôi đồng cảm với Bộ trưởng về vấn đề đó. Chứ không phải loay hoay tìm cớ để đổ, như vậy suy ra việc mình không dũng cảm”, ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan bày tỏ sự thất vọng trước câu trả lời của Bộ trưởng bộ GD&ĐT trong phiên chất vấn sáng ngày 31/10.
Hãy chứng minh...
Nói về hành động của Bộ trưởng bộ GD&ĐT liên quan đến trách nhiệm nêu gương, đặc biệt với những người đứng đầu, tư lệnh ngành, ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan cho rằng: “Chúng ta đang nói về năng lực lãnh đạo, về những điều mà Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã thể hiện ra. Nhưng, chuyện nhận lỗi và đổ lỗi trong xã hội thì dường như nó đã trở thành văn hóa từ xưa đến nay để an toàn cho bản thân. Xảy ra chuyện gì thì điều đầu tiên đều nói “lỗi không phải tại tôi”.
Chỉ có điều, tôi trách Bộ trưởng bộ GD&ĐT là bởi Bộ trưởng là người chịu trách nhiệm cao nhất, chịu trách nhiệm của hệ thống Giáo dục, đào tạo ra những người thầy sau này… Chúng tôi - những ĐBQH sẽ tiếp tục giám sát.
Tôi thì cũng cho rằng không nên đổ hết lỗi cho Bộ trưởng, nhưng tôi đánh giá với một ghế “nóng” như vậy, với nhiều vấn đề tồn đọng như vậy thì Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khó đủ sức để vượt qua. Còn nếu đủ sức thì xin Bộ trưởng hãy chứng minh!”.
Ở đâu cũng là trách nhiệm người đứng đầu!
Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin bên hành lang Quốc hội, ĐBQH Nguyễn Hữu Cầu (đoàn Nghệ An) cho biết: “Qua 2 ngày chất vấn và trả lời chất vấn, tôi thấy tư lệnh ngành nào làm tốt rồi, được Quốc hội ghi nhận rồi thì trả lời tương đối chắc chắn. Còn tư lệnh ngành nào có nhiều phiếu “tín nhiệm thấp” thì vẫn còn trả lời ấp úng.
Tôi lấy ví dụ, một sơ suất của bộ GD&ĐT về dự thảo quy định sinh viên hoạt động mại dâm 4 lần bị đuổi học. Thực ra Bộ trưởng cũng nhận trách nhiệm về mình nhưng mà nói đây là do một cán bộ bên dưới đưa bản dự thảo lên.
Như tôi phân tích thì “con dại cái mang”. Ở đâu cũng là trách nhiệm của mình cả thôi. Không thể nói rằng ngành mình, bên dưới ai làm cái gì cũng được. Trách nhiệm đó là trách nhiệm của mình, với tư cách là người cao nhất ngành. Là tư lệnh ngành thì phải quán xuyến cái đó.
Đương nhiên, có thể quán xuyến không hết nhưng mà những cái sơ suất đấy là không đáng có”.
Nguyễn Hường - Hoàng Bích