Tại hội nghị đánh giá tình hình yêu cầu bồi thường trong hoạt động tố tụng tại thành phố Hà Nội, luật sư Vũ Thị Nga cho rằng: "Đối với nhiều vụ án hình sự oan sai, trên thực tế sai phạm bắt đầu xuyên suốt từ quá trình điều tra, truy tố đến xét xử. Chẳng hạn như vụ án oan của ông Nguyễn Thanh Chấn, có những tình tiết rõ ràng từ khi xét xử sơ thẩm. Chẳng hạn như quá trình chị Nguyễn Thị Hoan bị giết đã bị cướp mất hai chiếc nhẫn vàng, song các cơ quan tiến hành tố tụng ở Bắc Giang đã không đưa vào. Nếu xem xét ngay từ đầu thì ông Chấn đã không bị xét xử oan sai".
Và đúng như luật sư Nga nhận định, chiều ngày 4/12 trả lời với báo chí, chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bắc Giang Nguyễn Văn Linh cho biết Công an tỉnh này đã thừa nhận “có sai sót trong quá trình tổ chức điều tra, có những nguyên nhân chủ quan dẫn đến oan” với ông Nguyễn Thanh Chấn.
Hội nghị đánh giá tình hình yêu cầu bồi thường trong hoạt động tố tụng tại thành phố Hà Nội.
Cũng trong ngày 4/12, tại Hội nghị giao ban báo chí của UBND tỉnh Bắc Giang, đại tá Trần Đình Hồng, phó giám đốc Công an tỉnh Bắc Giang, thừa nhận: “Vụ ông Nguyễn Thanh Chấn là một vụ việc hết sức đáng tiếc trong quá trình tác nghiệp của lực lượng công an. Vụ ông Nguyễn Thanh Chấn, rất đáng tiếc là có sai sót trong quá trình tổ chức điều tra, có những nguyên nhân chủ quan dẫn đến oan. Đây là việc chúng tôi cũng thấy cần nghiêm túc kiểm điểm”.
Như báo Nguoiduatin.vn đã có hàng loạt bài phản ánh về nghi án oan Nguyễn Thanh Chấn. Vào ngày 15/8/2003, tại thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang đã xảy ra vụ án giết người, nạn nhân là chị Nguyễn Thị Hoan. Theo kết quả khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, nạn nhân bị nhiều vết thương ở đầu, mặt, bụng làm đứt động mạch, chảy máu và mất máu cấp … dẫn đến tử vong.
Ngày 17/8/2003, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bắc Giang đã ra Quyết định khởi tố vụ án giết người theo Điều 93 Bộ luật hình sự để tiến hành điều tra. Từ một số thông tin ban đầu, ngày 30/8/2003, Cơ quan điều tra đã mời ông Nguyễn Thanh Chấn (52 tuổi, trú tại thôn Me) đến trụ sở làm việc để lấy lời khai.
Căn cứ tài liệu điều tra ban đầu ngày 28/9/2003, Cơ quan điều tra đã ra lệnh tạm giữ với ông Nguyễn Thanh Chấn; tiếp đó, ngày 29/9/2003, đã ra Quyết định khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam với Ông Nguyễn Thanh Chấn về tội danh giết người.
Ngày 3/12/2003, cơ quan điều tra đã ra bản kết luận điều tra vụ án và chuyển hồ sơ để nghị Viện kiểm sát truy tố bị can Nguyễn Thanh Chấn về tội giết người. Ngày 10/2/2004, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Giang ra bản Cáo trạng – quyết định truy tố bị can Nguyễn Thanh Chấn về tội giết người theo quy định tại điểm n, khoản 1, điều 93 Bộ Luật Hình sự.
Đến ngày 26/3/2004, Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang đã mở phiên tòa xét xử bị cáo Nguyễn Thanh Chấn và đã ra bản án tuyên bị cáo phạm tội giết người với mức án tù chung thân; bị cáo Chấn kêu oan và làm đơn kháng cáo. Ngày 26 và 27/7/2004, Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà nội xét xử phúc thẩm vụ án, tuyên y án sơ thẩm.
Trong quá trình ở trại giam, phạm nhân Nguyễn Thanh Chấn đã có một số lần kêu oan. Ban giám thị trại giam đã gửi đến các cơ quan liên quan, trong đó có viện KSND tối cao và TAND tối cao xem xét. Bà Nguyễn Thị Chiến, vợ của phạm nhân Nguyễn Thanh Chấn cũng có đơn kêu oan cho chồng. Ngày 25/10/2013, nghi phạm Lý Nguyễn Chung đã ra đầu thú và khai nhận toàn bộ hành vi giết người.
Ngày 4/11, VKSND Tối cao ra kháng nghị đề nghị Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao xét xử theo thủ tục tái thẩm hủy các quyết định của bản án hình sự sơ thẩm và phúc thẩm đối với ông Chấn để điều tra lại vụ án theo quy định của pháp luật. Cùng ngày, ông Chấn được tạm đình chỉ thi hành bản án, được thả tự do về nhà.
Chiều 6/11, Hội đồng thẩm phán – Tòa án Nhân dân Tối cao tuyên hủy chấp nhận kháng nghị của viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao; tuyên hủy bản án hình sự phúc thẩm và sơ thẩm để điều tra lại vụ án.
Băng Tâm