New Zealand cuối cùng sẽ trở thành một nước Cộng hòa và từ bỏ công nhận Quốc vương Anh là Nguyên thủ Quốc gia, nhưng không phải trong tương lai gần, Thủ tướng Jacinda Ardern cho biết hôm 11/9, vài ngày sau sự ra đi của Nữ hoàng Elizabeth II – vị quân vương tại vị 70 năm.
Khi được hỏi liệu việc Nữ hoàng Elizabeth II băng hà có gây ra một cuộc tranh luận về vấn đề tiến lên nền Cộng hòa ở đảo quốc Nam Thái Bình Dương hay không, bà Ardern nói: “Tôi tin rằng đó là tương lai của New Zealand”.
“Tôi tin rằng điều đó có thể xảy ra trong cuộc đời tôi, nhưng tôi không coi đó là một biện pháp ngắn hạn hay một điều sớm có trong chương trình nghị sự”, bà Ardern cho biết trong một cuộc họp báo hôm 11/9 ở thủ đô Wellington. Chính phủ của bà sẽ không thảo luận về điều này, “phần lớn là vì tôi chưa bao giờ cảm thấy sự cấp bách của vấn đề”, bà nói.
New Zealand, cùng với các thuộc địa cũ của Anh như Australia và Canada, vẫn coi Quốc vương là Nguyên thủ Quốc gia, và hiện chân dung Nữ hoàng Elizabeth II vẫn được trang trí trên tiền xu và tiền giấy của các nước này. Việc bà qua đời và sự lên ngôi của Vua Charles III đã làm sống lại cuộc tranh luận về nền Cộng hòa ở Australia.
Nhưng ở New Zealand, bà Ardern cho biết, bây giờ không phải là lúc để thảo luận về một sự thay đổi quan trọng như vậy.
“Có rất nhiều thách thức mà chúng tôi đang phải đối mặt”, Thủ tướng New Zealand cho biết. “Đây là một cuộc tranh luận lớn, quan trọng. Tôi không nghĩ nó sẽ xảy ra trong tương lai gần”.
Hôm 11/9, Thủ tướng Ardern cũng thông báo rằng New Zealand sẽ tưởng nhớ Nữ hoàng Elizabeth II bằng một kỳ nghỉ lễ quốc gia vào ngày 26/9. Đảo quốc Nam Thái Bình Dương cũng sẽ tổ chức lễ tưởng niệm ở cấp nhà nước vào cùng ngày tại thủ đô Wellington.
Bà Ardern cho biết, Nữ hoàng Elizabeth là một người phi thường và nhiều người New Zealand sẽ trân trọng cơ hội tưởng niệm bà vào ngày này.
“Bà là Nữ vương của New Zealand và bậc quân vương được yêu mến trong suốt 70 năm trị vì. Việc chúng tôi tưởng nhớ sự phục vụ tận tụy của bà bằng một lễ tưởng niệm cấp nhà nước và một kỳ nghỉ lễ quốc gia là phù hợp”, Thủ tướng Arden nói, cho biết thêm rằng bà – cùng với Toàn quyền New Zealand – sẽ lên đường đến Vương quốc Anh hôm 14/9 để dự lễ tang Nữ hoàng Elizabeth.
Ở New Zealand, dường như công chúng không mấy mặn mà với một sự thay đổi lớn về hiến pháp để loại bỏ chế độ quân chủ. Trong một cuộc thăm dò năm 2021, chỉ 1/3 số người New Zealand được khảo sát cho biết họ sẽ ủng hộ việc ly khai Hoàng gia Anh, trong khi đề xuất gỡ biểu tượng của nước Anh Union Jack (Chữ thập đỏ) ra khỏi lá cờ New Zealand vào năm 2016 đã bị đánh bại hoàn toàn.
Dân bản địa New Zealand có mối quan hệ phức tạp với chế độ quân chủ Anh. Năm 1840, các tù trưởng người Maori cùng với đại diện của chế độ quân chủ Anh ký kết Hiệp ước Waitangi, một văn bản pháp lý đóng một vai trò quan trọng trong mối quan hệ giữa chính phủ New Zealand và người dân Maori. Jock Phillips, một nhà sử học người New Zealand cho biết: “Họ luôn coi quốc vương là đối tác khác trong Hiệp ước Waitangi, vì vậy mối quan hệ đó luôn là quan trọng”.
Đầu năm nay, Te Pati Maori, một đảng thiểu số ở New Zealand tìm cách đại diện cho lợi ích của người dân bản địa, đã kêu gọi từ bỏ công nhận người đứng đầu Hoàng gia Anh là Nguyên thủ Quốc gia của New Zealand.
Minh Đức (Theo Bloomberg, New York Times, Lemonde)