Tối 27/6, Mỹ đã triển khai các cuộc không kích ở Iraq và Syria nhằm vào các mục tiêu của các nhóm vũ trang do Iran hỗ trợ. Mục tiêu của các cuộc tấn công này chính là các nhóm người Shiite cực đoan của Iraq là Kataib Hezbollah và Kataib Sayyed al-Shuhada.
Lầu Năm Góc cho biết các biện pháp này được thực hiện theo lệnh của Tổng thống Mỹ Joe Biden để đáp trả các cuộc tấn công của các chiến binh vào các căn cứ của Mỹ ở Iraq.
Một ngày sau, các chiến binh được Iran hỗ trợ và lực lượng ủng hộ chính phủ ở Syria đã bắn tên lửa vào các vị trí quân sự của Mỹ ở tỉnh Deir ez-Zor của Syria và quân đội Mỹ đã bắn trả. Các cuộc tấn công của các nhóm thân Iran ở Iraq tiếp tục nhằm vào các mục tiêu của Mỹ ở Iraq trong tuần này.
Tại Deir ez-Zor, các binh sĩ Mỹ hỗ trợ các hoạt động của Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) kiểm soát một khu vực rộng lớn của đất nước bao gồm lãnh thổ giữa các thành phố Al-Bukamal và Al-Mayadin trên hữu ngạn sông Euphrates.
Sự hiện diện của các nhóm người Shiite cực đoan thân Iran, chủ yếu là người nước ngoài, ở Syria trong hàng ngũ của lực lượng chính phủ Assad một lần nữa đặt ra câu hỏi về "sự nguy hiểm" với quân đội Nga khi thực hiện sứ mệnh của họ ở Syria. Điều này tạo ra mối đe dọa khi Mỹ sẽ triển khai các cuộc tấn công vào lãnh thổ Syria và cố gắng loại bỏ các chiến binh này dù họ ở đâu, kể cả ở Syria.
Ngoài ra, những nỗ lực của các tổ chức thân Iran nhằm thực hiện các cuộc tấn công trả đũa vào lãnh thổ Syria dưới hình thức pháo kích vào các cơ sở quân sự của Mỹ nằm trong khu vực sông Euphrates có thể tạo ra nhiều rủi ro hơn cho quân đội Nga.
Nga không thực sự can thiệp vào cuộc đối đầu giữa quân đội Mỹ và lực lượng vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) cũng như tổ chức quốc tế thân Iran khác dưới sự kiểm soát của nước này đang hoạt động ở Iraq và Syria. Điều tương tự cũng xảy ra trong cuộc xung đột giữa một bên là Syria với Iran và một bên là Israel. Nga cũng muốn tránh những hậu quả tiêu cực từ sự leo thang như vậy.
Ngoài ra, không thể bỏ qua lo ngại về việc các nhóm người Shiite cực đoan có liên hệ với Tehran ở Syria, vì đã có nhiều sự cố dẫn đến cái chết của lực lượng Nga ở Syria.
Một sự việc nghiêm trọng khác là vụ máy bay quân sự Nga Il-18 bị phá hủy vào tháng 9/2018 bằng tên lửa phòng không S-200 của Syria. Trong khi các tên lửa nhắm mục tiêu vào máy bay chiến đấu của Israel nhưng vì đi chệch hướng nên đánh trúng máy bay Nga. Nguyên nhân sâu xa của vụ việc này là do vị trí của các căn cứ của lực lượng vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran và các tay súng cực đoan dòng Shiite ở ngay gần các cơ sở quân sự của Nga là Khmeimim và Tartus.
Quân đội Nga nói chung có lẽ đã nhận thức được những rủi ro khi có sự hiện diện của các đơn vị lực lượng vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran ở hữu ngạn sông Euphrates. Do đó, quá trình giảm bớt ảnh hưởng của Iran trong khu vực đang được triển khai.
Các cuộc tấn công tiếp theo của Mỹ nhằm vào các nhóm thân Iran ở Syria và những trận chiến hỏa lực giữa nhóm này và quân đội Mỹ ở Syria có lẽ sẽ thúc đẩy phía Nga tăng cường hơn nữa các nỗ lực nhằm tạo ra các khu vực không có các tay súng thân Iran. Trên thực tế, Moscow có lẽ cũng đang theo dõi kỹ lưỡng hơn để không có sự "trà trộn" của các lực lượng thân Nga với các lực lượng thân Iran.
Nga chưa có đủ nguồn lực để giảm thiểu ảnh hưởng của Iran ở Syria, nhưng Nga cần ngăn chặn sự mở rộng hoạt động của các tổ chức bán quân sự thân Iran ở nước này, chỉ giới hạn sự hiện diện của lực lượng này ở một số khu vực biệt lập.
Tuy nhiên, tình huống này cũng có thể mở ra cơ hội tương tác mới giữa Nga và Mỹ trên đường đua Syria. Thực tế, các cuộc tiếp xúc của Tổng thống Vladimir Putin với cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt đầu bằng cuộc thảo luận về tình hình ở tây nam Syria, nơi Nga và Mỹ cố gắng ngăn chặn việc triển khai các nhóm cực đoan thân Iran gần biên giới với Israel.
Có lẽ dưới chính quyền ông Biden, Moscow và Washington sẽ có thể tìm thấy điểm chung và các giải pháp sẽ được tìm thấy để giảm leo thang ở hữu ngạn sông Euphrates của Syria.