Theo CNN, không khó để nhận ra rằng thời gian gần đây, Nga liên tục có các động thái được xem là đầy tính “khiêu khích” với Mỹ.
Đáng kể nhất phải kể đến là sự kiện Moscow triển khai tên lửa hành trình trên mặt đất. Đây là loại tên lửa mà theo hiệp định kiểm soát vũ khí năm 1987, Mỹ và Nga không được phép phát triển.
Nga cũng điều tàu do thám ra Đại Tây Dương và điều tàu chiến Mỹ ra Biển Đen.
Hôm 16/2, tàu do thám của Nga di chuyển quanh bờ biển Connecticut một cách đáng ngờ. Lần đầu tiên một tàu do thám của Nga đi xa như vậy lên phía Bắc, và trên tàu còn có nhiều trang thiết bị theo dõi hiện đại.
Một số quan chức Lầu Năm Góc tin rằng, những động thái này của Nga đối với Mỹ là dấu hiệu dò xét phản ứng của chính quyền Trump, chính quyền đang có những động thái quyết liệt về nhiều lĩnh vực trên khắp toàn cầu.
CNN ngày 18/2 ghi nhận, một số quan chức Lầu Năm Góc tin rằng Nga đang thử thách Tổng thống Donald Trump khi tung ra loạt động thái khiêu khích.
"Có thể họ đang thử thách chính quyền mới", một quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết.
“Người Nga đang làm nhiều cách khác nhau để thử phản ứng của chính quyền mới của Mỹ”, một quan chức quốc phòng Mỹ cho biết.
Những động thái trên làm dấy lên câu hỏi về việc liệu ông chủ Nhà Trắng sẽ có biện pháp gì trước thái độ của Nga, và liệu ông Trump, sau nhiều những lời ngợi ca có cánh dành cho Tổng thống Nga Putin cũng như thiện chí thể hiện cải thiện mối quan hệ Nga, có chọn cách đối đầu với Moscow hay không.
Về phần mình, ông Trump thẳng thừng bác bỏ quan điểm cho rằng Nga đang "thử" Mỹ và khẳng định lý do thực sự của các động thái gần đây của Nga là do ông Putin tin rằng ông Trump đang bị bó buộc và không có khả năng thương thuyết với Nga.
“Tất cả những điều mà bạn đề cập tới đều xảy ra vào thời gian gần đây bởi có thể ông Putin cho rằng ông ấy không thể đàm phán với tôi...”, ông Trump cho biết trong một cuộc họp báo thứ Năm tuần trước.
Ngược lại, một số quan chức quốc phòng Mỹ lại cho rằng động thái quân sự của Nga ngày càng trở nên quyết liệt trong những năm gần đây và rằng Moscow có thể thử phản ứng của bất kỳ chính quyền mới nào.
Giới phân tích cũng tỏ ra đồng tình với suy nghĩ của giới chức Nhà Trắng. Tuy nhiên, các nhà phân tích cũng cho rằng sở dĩ Nga đẩy mạnh động thái khiêu khích còn vì một lý do khác: Moscow nhận thấy khả năng ông Trump có thể xây dựng mối quan hệ nồng ấm hơn với nước này là không cao.
“Họ đang cố gắng thể hiện vị thế của mình”, Magnus Nordenman, giám đốc Trung tâm An ninh Xuyên Thái Bình Dương tại Hội đồng Đại Tây Dương cho hay.
"Moscow đang thử nghiệm và quan sát xem họ nắm giữ vị trí nào", ông Magnus Nordenman cho biết.
Ông Joerg Forbig, chuyên gia tại Quỹ Marshall nhận xét, hành động mới đây của Nga "chỉ là hành động mới nhất trong chuỗi dài các hành động khiêu khích quân sự của Nga”.
“Hành động này gần như chắc chắn được sắp xếp để diễn ra trong lúc chuyển giao sang chính quyền mới", ông Joerg Forbig cho biết thêm.
Cả ông Nordenman và Forbig đều cho rằng Nga đã tạm dừng các hành động khiêu khích trong thời gian chuyển giao quyền lực giữa chính quyền Tổng thống Obama và chính quyền ông Trump nhưng giờ thì mọi chuyện lại bắt đầu.
"Kremlin đã tạm dừng các hành động khiêu khích trong vài tuần giữa lúc chuyển giao từ Tổng thống Obama sang Trump, nhưng đã quay trở về vị trí cũ”, ông Forbrig cho biết.
Ông Forbig nhận định rằng động thái thăm dò của Nga sẽ còn tiếp tục.
“Nga đã đánh mất niềm hy vọng có được mối quan hệ hợp tác tốt hơn với chính quyền ông Trump so với chính quyền người tiền nhiệm”, ông Forbig cho biết.
Còn người phát ngôn viên của điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định rằng chính phủ Nga chưa bao giờ quá tự tin vào mối quan hệ với chính quyền ông Trump.
"Vài tháng qua, chúng tôi luôn khẳng định rằng chúng tôi chưa bao giờ ảo tưởng nhiều. Vì lẽ đó nên chúng tôi không có gì thất vọng cả", ông Dmitry Peskov cho biết trong cuộc họp báo hôm thứ Sáu tuần trước.
Ông Nordenman nhận định hành động gần đây của Nga có thể làm phức tạp thêm nỗ lực cải thiện mối quan hệ giữa hai nước nếu những hành động khiêu khích đó còn tiếp diễn.
Trong buổi họp báo hôm thứ Năm tuần trước, phản hồi câu hỏi về phản ứng với các hoạt động gần đây của Nga, ông Trump cho biết điều đó là “không hay”.
Nhưng sau đó, ông cho biết: "Tôi sẽ không nói thêm về việc tôi sẽ phản hồi ra sao. Tôi không bàn về phản ứng quân sự".
Người đứng đầu Nhà Trắng cho biết thêm: "Vì lẽ đó nên khi các anh hỏi tôi sẽ làm gì với con tàu, ví dụ như tàu của Nga, thì tôi không nói với các anh đâu. Nhưng hy vọng là tôi sẽ không phải làm gì".
Ông Trump sau đó nhấn mạnh: "Nếu chúng ta có thể hòa thuận với Nga thì rất tốt".
Và đại sứ Nga tại NATO, Alexander Grushko thì viết trên twitter rằng: “Quyết định tăng sự hiện diện của lực lượng hải quân của NATO ở Biển Đen là một bước tiến làm leo thang căng thẳng với Nga”.
Xem thêm >> Nga-Mỹ sẽ xích lại hay xa cách trong bước tiến tiếp theo?
Thanh Hiền