Nhà Trắng mới đây đã thông báo Mỹ và các đồng minh nhất trí về việc loại một số ngân hàng Nga khỏi hệ thống thanh toán tài chính SWIFT. Trong một tuyên bố chung với các nhà lãnh đạo của Ủy ban châu Âu (EC), Pháp, Đức, Ý, Anh, Canada, các quan chức cho biết việc Nga bị loại khỏi SWIFT có nghĩa “rằng những ngân hàng này bị ngắt kết nối với hệ thống tài chính quốc tế và khả năng hoạt động của họ trên toàn cầu bị tổn hại”.
Các nhà lãnh đạo đã nói gì về việc loại bỏ Nga khỏi SWIFT?
Động thái mới nhất trên đánh dấu sự leo thang hơn nữa của các biện pháp trừng phạt liên quan mà các cường quốc phương Tây đã áp đặt nhằm vào Nga trong tuần này.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy từng kêu gọi Mỹ và các nước khác loại Nga khỏi hệ thống SWIFT. Một số quốc gia khi đó không ủng hộ động thái này do lo ngại những tác động sâu rộng đến nền kinh tế.
Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã chia sẻ rằng các lệnh trừng phạt được công bố hôm 24/2 đã vượt quá những biện pháp nhắm vào quyền truy cập SWIFT. Thời điểm đó, ông cho biết về lệnh trừng phạt SWIFT rằng "Đó luôn là một lựa chọn, nhưng hiện tại không phải là điều mà phần còn lại của châu Âu mong muốn".
Tuy nhiên, sau khi Nga tiến hành can thiệp quân sự sâu hơn vào Ukraine đã khiến nhiều quốc gia Liên minh châu Âu (EU) quay lại với đề xuất. Tờ Wall Street Journal đưa tin rằng động lực để EU loại Nga khỏi SWIFT đã gia tăng, do các biện pháp khác mà các nước phương Tây áp đặt dường như không có tác dụng đáng kể trong việc ngăn chặn Tổng thống Vladimir Putin tấn công vào Ukraine.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau cho biết đất nước của ông ủng hộ mạnh mẽ việc cấm Nga tham gia hệ thống này. Hôm 25/2, Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng lên tiếng kêu gọi lãnh đạo các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) thực hiện hành động ngay lập tức để loại Nga khỏi SWIFT.
Sáng 26/2, Thủ tướng Italy Mario Draghi cho biết sẽ ủng hộ "việc ngắt kết nối của Nga với SWIFT".
Vài tiếng đồng hồ sau đó, một tuyên bố chung từ Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock và Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cho biết nước này ủng hộ việc loại Nga khỏi SWIFT. Các quan chức cho biết trong một thông báo: “Chúng tôi đang tìm giải pháp nhằm hạn chế thiệt hại về tài sản thế chấp, giúp chúng được chuyển đến đúng đối tượng khi bị ngắt kết nối khỏi SWIFT”. Được biết, Đức là quốc gia có dòng chảy thương mại với Nga lớn nhất trong khối EU.
Đại diện SWIFT cho biết trong một tuyên bố: "Được hợp nhất theo luật quốc gia Bỉ, nghĩa vụ của chúng tôi là tuân thủ các quy định liên quan của EU và Bỉ.” Hiệp hội đang tìm kiếm các thông tin chi tiết về những đối tượng sẽ chịu tác động của biện pháp trừng phạt.
Việc bị loại khỏi SWIFT sẽ ảnh hưởng đến Nga như thế nào?
Việc bị loại bỏ khỏi SWIFT sẽ gây thiệt hại ngay lập tức cho nền kinh tế Nga, trong khi về lâu dài sẽ khiến nước này không thể tham gia vào các giao dịch tài chính quốc tế. Điều đó có tác động rất lớn bởi hơn 40% doanh thu nước Nga đến từ lợi nhuận quốc tế của hoạt động sản xuất dầu và khí đốt.
Bà Alicia Garcia Herrero, nhà kinh tế trưởng phụ trách khu vực Châu Á Thái Bình Dương tại tập đoàn dịch vụ tài chính Natixis, cho biết việc cấm Nga tham gia SWIFT sẽ là một đòn giáng mạnh vào quốc gia này. Bà nói: “Đó là một vấn đề lớn vì các khoản nợ hoặc thanh toán thương mại không thể thực hiện". Bà Garcia Herrero chia sẻ với hãng tin Al Jazeera rằng vấn đề lớn hơn có thể là việc ngừng nhập khẩu khí đốt của EU từ Nga.
Vào năm 2012, Iran đã mất quyền truy cập vào SWIFT như một phần của các lệnh trừng phạt đối với chương trình hạt nhân nước này. Cho đến năm 2016, nhiều ngân hàng Iran đã được kết nối lại với hệ thống. Bà Alexandra Vacroux, Giám đốc điều hành Trung tâm Davis nghiên cứu về Nga và Á-Âu tại Đại học Harvard, chia sẻ với hãng tin NPR rằng khi bị loại khỏi SWIFT "Iran đã mất một nửa doanh thu xuất khẩu dầu và 30% doanh thu thương mại quốc tế".
Trước đây, Mỹ đã sử dụng ảnh hưởng của mình để loại Iran khỏi SWIFT, nhưng Nga là một nền kinh tế lớn hơn nhiều và chưa có tiền lệ về cách các thị trường sẽ phản ứng. Điều này có khả năng sẽ đẩy giá năng lượng tăng cao hơn, làm trầm trọng thêm tình hình lạm phát tại Mỹ và EU. Phần lớn các giao dịch trên SWIFT được thanh toán bằng USD, trong khi chỉ có khoảng 2% các cuộc thanh toán bằng đồng NDT của Trung Quốc.
Vào tháng 1, ông Nikolay Zhuravlev, Phó chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga, đã thừa nhận khả năng đất nước sẽ bị loại khỏi SWIFT. Ông nói: “Nếu bị ngắt kết nối với SWIFT thì chúng tôi sẽ không nhận được ngoại tệ, nhưng những người mua mà hàng đầu đến từ các nước châu Âu cũng sẽ không nhận được hàng hóa của chúng tôi. Đó là dầu, khí đốt, kim loại và các thành phần quan trọng khác trong hàng hóa nhập khẩu của họ".
Trên thực tế, một số quốc gia đã có các lựa chọn thay thế cho SWIFT. EU đã phát triển hệ thống thay thế của riêng mình sau khi Mỹ chấm dứt thỏa thuận hạt nhân Iran. Trung Quốc cũng phát triển hệ thống của riêng mình, mang tên CIPS, với hơn 613 ngân hàng gián tiếp tham gia. Nga đã phát triển mạng nhắn tin thanh toán của riêng mình, được gọi là SPFS. Hệ thống này xử lý khoảng 1/5 các khoản thanh toán trong nước, tuy nhiên chưa đạt được quy mô và hiệu quả cao khi so sánh với hiệu quả SWIFT mang lại.
Ông Sergey Aleksashenko, từng là Phó Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Nga, cho biết các lệnh trừng phạt có thể sẽ ảnh hưởng mạnh đến đồng rúp khi thị trường mở cửa vào thứ Hai.
Hệ thống tài chính SWIFT là gì?
SWIFT, cụm từ viết tắt của Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu, là một hệ thống nhắn tin toàn cầu kết nối hàng nghìn tổ chức tài chính trên thế giới.
SWIFT được thành lập vào năm 1973, có trụ sở chính tại Bỉ, hoạt động dưới sự giám sát bởi Ngân hàng Quốc gia Bỉ (NBB), ngoài ra còn có Hệ thống Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) và các tổ chức khác. Hệ thống kết nối hơn 11.000 tổ chức tài chính, tại hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới để ngân hàng có thể nhận được thông báo về các giao dịch.
SWIFT cho biết họ đã ghi nhận trung bình 42 triệu tin nhắn mỗi ngày vào năm 2021 và 82 triệu tin nhắn tổng thể trong tháng này. Nội dung bao gồm trao đổi tiền tệ, thương mại và các vấn đề khác.
Phạm Hà Thanh (theo USA Today, Reuters, Aljazeera)