Tờ News.com.au cho hay, Nga đã phản ứng trước cuộc tấn công của Washington và đồng minh nhằm vào Syria bằng việc hứa hẹn cung cấp cho quốc gia Trung Đông này những loại tên lửa mới.
Nhưng cho tới nay, Nga chỉ thông báo chi tiết hành động duy nhất là cung cấp cho chính quyền Tổng thống Bassar al-Assad những hệ thống phòng không tân tiến hơn. Có khả năng phía Syria đang trong quá trình nhận được các lá chắn phòng không này.
Tờ News.com.au dẫn các nguồn tin chưa được xác nhận cho hay tàu chở hàng Nga đã cập cảng tại căn cứ hải quân Tartus, một dấu hiệu được cho là không mấy bất thường sau những diễn biến vừa qua.
Tuy nhiên, theo trang tin này, điều kỳ lạ là, theo các nguồn tin ủng hộ Chính phủ Syria, tàu Nga đang tháo dỡ hàng hóa một cách bí mật dưới những làn khói dày nhằm chặn những con mắt tò mò, hay hệ thống cảm biến vệ tinh và máy bay không người lái.
Vẫn chưa rõ những con tàu của Nga mang theo thứ gì tới Syria. Song trên đường tới Trung Đông, tàu đã được nhiều nhà phân tích quân sự theo dõi khi đi qua Biển Đen và eo biển Bosphorus trước khi tiến vào Địa Trung Hải trong những ngày gần đây.
Tuy nhiên, cho tới nay, thứ được giới quan sát nhắc suy đoán nhiều nhất chính là hệ thống tên lửa đánh chặn S-300 tiên tiến cùng radar và xe vận chuyển. Một hệ thống vũ khí như vậy có khả năng gia tăng đáng kể khả năng phòng không của Syria trong việc bắn hạ các tên lửa của phương Tây (và Israel) cũng như chiến đấu với chiến đấu cơ của các đối thủ.
Nếu thực sự Nga mang tới S-300 tới Syria thì diễn biến này sẽ thực sự làm gia tăng leo thang trong cuộc xung đột đang diễn ra ở quốc gia Trung Đông.
Nga đượpc cho là đã bán S-300 cho Iran. Đây là một đơn vị phòng không tiêu chuẩn có khả năng phóng tới 6 tên lửa, mỗi tên lửa có thể bay khoảng 200km trước khi vươn tới mục tiêu.
Trong một diễn biến mới nhất, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hôm nay 20/4 tuyên bố các cuộc tấn công quân sự của Mỹ đã khiến Nga “không còn nghĩa vụ đạo đức nào phải từ chối cung cấp hệ thống tên lửa phòng không S-300” cho đồng minh là chính quyền của Tổng thống Assad.
Ông Lavrov cho hay, trước khi Mỹ tấn công nhằm vào Syria, Nga đã thông báo cho các quan chức Mỹ về các khu vực của Syria được cho là "giới hạn đỏ" đối với Moskva và Mỹ đã không vượt qua những ranh giới này.
Do đó, Moscow hoàn toàn có thể sẽ cung cấp S-300 cho Syria. Tuyên bố của Ngoại trưởng Nga càng củng cố thêm cho nhận định về sự hỗ trợ vũ khí của Kremlin đối với Damascus mà các chuyên gia đã nêu phía trên.
Hồi tháng trước, một hệ thống phòng không cũ nhưng mới được nâng cấp của Nga đã được Syria sử dụng để hạ một máy bay chiến đấu chiến đấu F-16 của Israel khi Tel Aviv tiến hành tấn công trên lãnh thổ Syria.
Do đó, nếu được trang bị hệ thống S-300, năng lực phòng không của Syria sẽ được tăng cường đáng kể, gây ra mối đe dọa thực sự với chiến đấu cơ Israel.
Radar của biến thể S-300PMU-2 có khả năng phát hiện đồng thời 300 mục tiêu ở khoảng cách tới 300 km, đủ sức giúp lực lượng phòng không Syria phát hiện tiêm kích Israel hoạt động trên không phận Lebanon và báo động toàn hệ thống.
Hiện tại, mạng lưới phòng không Syria vẫn dựa chủ yếu vào những hệ thống từ thời Liên Xô như S-75 Dvina, S-125 Pechora, S-200 Vega, 2K12 Kub.
Dù bị đánh giá là cũ kỹ, song lưới phòng không Syria vẫn thể hiện sức mạnh trong nhiều cuộc không kích do Israel tiến hành.
Do vậy, nếu Nga quyết định nối lại hợp đồng bán S-300 cho Syria được đưa ra từ năm 2013, tiêm kích Israel sẽ đối mặt với thách thức nghiêm trọng nhất từ trước đến nay, đồng thời tính mạng của phi công nước này cũng bị đe dọa.
Xem thêm: Pháp chuyển sang “kế hoạch B” trong cuộc tấn công tên lửa vào Syria