Toan tính can thiệp quân sự của Mỹ
Theo TASS, phát biểu trong bài phỏng vấn với truyền hình Zvezda hôm qua, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nhận định Washington tính đến những rủi ro có thể của khả năng can thiệp quân sự vào Venezuela.
“Giờ khi người Mỹ nói rằng mọi lựa chọn đều được đặt lên bàn, tôi cho rằng họ đang tính đến những hậu quả của việc can thiệp quân sự”, ông Lavrov chia sẻ trong cuộc phỏng vấn. “Họ thực sự nghĩ rằng đây có thể là cuộc tấn công chớp nhoáng nhưng điều này đã không xảy ra và họ phải tự thừa nhận”.
“Khó có ai ở Mỹ Latinh sẽ ủng hộ họ”, nhà ngoại giao cho biết thêm.
Ông Lavrov cũng bày tỏ sự tin tưởng rằng một khi Mỹ triển khai sự can thiệp quân sự ở Venezuela thì đại đa số các nước trong khu vực sẽ ngừng ủng hộ Mỹ trong mục tiêu thay đổi chính quyền ở Caracas.
Và nguyên tắc Quod licet Jovi, non licet bovi
Nga cũng đặt câu hỏi về logic của Mỹ khi cáo buộc Moscow đưa chuyên gia quân sự tới Venezuela trong khi các nước NATO cũng triển khai ồ ạt sĩ quan quân sự tới Ukraine.
“Có những yêu cầu đặt ra rằng không một sĩ quan quân sự nào của Nga nên ở lại Venezuela, bởi vì đây là mong muốn của Mỹ, và không quốc gia nào bên ngoài bán cầu Tây (châu Mỹ) có quyền hiện diện ở Venezuela”, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nói trong cuộc phỏng vấn.
“Lời giải thích của chúng tôi rằng, sĩ quan quân sự Nga có mặt tại Venezuela theo một hợp đồng về sửa chữa và bảo trì thiết bị quân sự đã bị phớt lờ. Trong khi đó, không một ai đề cập tới thực tế rằng, quân đội Mỹ và các lực lượng khác của NATO, từ Anh cho tới Canada, đã ồ ạt đổ về Ukraine”, Ngoại trưởng Lavrov nói thêm.
“Rõ ràng, họ đang đi theo nguyên tắc Quod licet Jovi, non licet bovi (Thần thánh có thể làm những việc mà gia súc không được làm)”, ông Lavrov nói, nhắc tới câu ngạn ngữ mang hàm ý về tiêu chuẩn kép, trong đó Mỹ được phép làm một việc nào đó, nhưng các nước khác thì không.
“Đây là một logic méo mó. Điều đó sẽ không giúp ích cho các đối tác Mỹ của chúng tôi. Tôi hy vọng một ngày nào đó họ sẽ hiểu ra điều đó”, ông Lavrov nói thêm.
Ngoại trưởng Nga nhấn mạnh rằng Mỹ từng tiến hành đối thoại với Moscow về những vấn đề mà Washington quan tâm, song không thể giải quyết một mình. Đó là các vấn đề liên quan tới Afghanistan và chương trình hạt nhân của Triều Tiên.
Trước đó, tờ El Comercio cho biết hai máy bay quân sự Nga, một chiếc Antonov-124 và Ilyushin-62 đã chở các sĩ quan quân sự và 35 tấn hàng hóa tới sân bay Caracas ở Venezuela hôm 23/3.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharov đã lên tiếng xác nhận rằng, sự hiện diện của các chuyên gia quân sự Nga tại Venezuela phù hợp với hiến pháp của Venezuela. Bà Zakharov khẳng định việc chuyên gia Nga ở Venezuela là dựa theo thỏa thuận giữa Nga và Venezuela về hợp tác quân sự-công nghệ được ký hồi tháng 5/2001 và được cả hai nước thông qua.
Trong khi đó, Mỹ luôn tỏ ra nghi ngờ với động thái trên của Nga. Mỹ thậm chí còn tìm cách phối hợp với đồng minh ngăn chặn mọi hoạt động tăng cường hiện diện về con người và khí tài của Nga tại Venezuela.
"Chúng tôi hoan nghênh chính phủ Malta đã từ chối cho các máy bay Nga dùng không phận để tiếp tế cho chính quyền Venezuela. Chúng tôi kêu gọi tất cả các nước hành động giống Maltan nhằm ngăn chặn sự hỗ trợ của Điện Kremlin đối với ông Maduro", phát ngôn viên bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus ngày 19/4 viết trên Twitter.
Trước đó cùng ngày, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết Malta đã không cho phép hai máy bay quân sự Nga bay qua không phận để vận chuyển hàng hóa và binh sĩ đến Venezuela ngày 4/4.
Căng thẳng tại Venezuela leo thang sau khi thủ lĩnh đối lập Juan Guaido tự xưng là "Tổng thống lâm thời", trực tiếp thách thức quyền lực của Tổng thống Nicolas Maduro. Mỹ cùng một số quốc gia công nhận Guaido là lãnh đạo mới của Venezuela, trong khi Nga, Trung Quốc, Cuba và nhiều quốc gia khác khẳng định ông Maduro mới là Tổng thống hợp pháp của nước này.
Xem thêm >> Mỹ kêu gọi các nước từ chối cho phép máy bay Nga tới Venezuela