Nga ra tay
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan không có tầm nhìn xa và chính sách Libya của ông có những tính toán sai lầm dễ dẫn đến một cuộc đối đầu quân sự nguy hiểm với Ai Cập, tờ Al-Monitor nhận định.
Chỉ hai ngày sau khi Quốc hội Ai Cập cho phép nước này can thiệp quân sự vào Libya, đã có suy đoán rằng các lực lượng của Chính phủ Hiệp định Quốc gia (GNA) do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn sắp tiến hành một cuộc tấn công nhằm vào lực lượng Quân đội Quốc gia Libya (LNA) do tướng Khalifa Haftar lãnh đạo, được UAE và Ai Cập hậu thuẫn, để giành quyền kiểm soát tỉnh Sirte và căn cứ không quân al-Jufra.
Tuy nhiên, bất chấp khả năng đối đầu quân sự trực tiếp giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập, có những đánh giá cho rằng không bên nào thực sự muốn hoặc sẵn sàng cho điều đó. Chưa nói đến những thất bại trong quá khứ của Ai Cập có thể khiến nước này chùn bước, ít nhất, Nga đã bước vào ngăn chặn kịch bản như vậy xảy ra.
Vào ngày 22/7, Moscow đã trích dẫn cam kết của Thổ Nhĩ Kỳ về việc "tạo điều kiện cho một lệnh ngừng bắn bền vững ở Libya”, tuyên bố chung được công bố sau một loạt các cuộc họp cấp Bộ trưởng giữa Ankara và Moscow.
Thổ Nhĩ Kỳ và Nga tiết lộ rằng họ đã thống nhất bốn điểm, trong đó hai điểm quan trọng nhất là: "Tiếp tục nỗ lực chung, bao gồm khuyến khích các bên Libya, với mục đích tạo điều kiện cho ngừng bắn lâu dài và bền vững” và “tạo điều kiện tiến bộ cho cuộc đối thoại chính trị Libya phù hợp với kết luận của Hội nghị Berlin”.
Nói tóm lại, Thổ Nhĩ Kỳ cam kết, theo yêu cầu của Nga, kiềm chế gây chiến vì vấn đề Sirte và al-Jufra. Ngoài ra, liên quan đến cuộc đối thoại chính trị Libya có thể hiểu là Thổ Nhĩ Kỳ chấp nhận tướng Khalifa Haftar là một phần trong tiến trình hòa bình, do nhà lãnh đạo này cũng có mặt tại Hội nghị Berlin.
Nguy cơ vẫn còn
Theo một nghĩa nào đó, lệnh ngừng bắn giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga không có nghĩa là một chiến thắng ngoại giao dành cho Tổng thống Erdogan; ngược lại, đó được coi như một sự ủng hộ dành cho Ai Cập.
Điều thú vị hơn nữa là những phát biểu của Ngoại trưởng Nga Serge Lavrov được đưa ra một giờ sau tuyên bố chung giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga: "Tình hình ở Libya mà chúng ta đang đối phó bây giờ bắt nguồn từ sự gây hấn của NATO năm 2011, vi phạm nghiêm trọng nghị quyết của Liên Hợp Quốc”.
Ông Lavrov đã cẩn thận để không đề cập đến tên Thổ Nhĩ Kỳ với tư cách là thành viên NATO như một cách tránh làm mích lòng quốc gia này.
"Không giống như nhiều thế lực bên ngoài khác, Nga chưa bao giờ cố gắng đặt cược vào trò chơi Libya. Chúng tôi luôn làm việc với tất cả các lực lượng chính trị ở Libya, họ đã đến thăm Moscow vào nhiều thời điểm và chúng tôi tiếp tục duy trì liên lạc với họ cho đến hiện tại", ông Lavrov nói. Ẩn ý của nhà ngoại giao Nga là rõ ràng. Moscow đang làm việc với tướng Haftar bất chấp việc Ankara đối đầu với nhân vật này.
"Các nước láng giềng của Libya bao gồm Algeria, Tunisia, Ai Cập nên đóng vai trò quan trọng nhất, bởi điều này liên quan đến việc ổn định một quốc gia là láng giềng trực tiếp đối với họ”, ông Lavrov nói thêm.
Như vậy, Nga không chỉ hợp pháp hóa sự tham gia của Ai Cập vào trò chơi Libya mà còn thành công khi hòa hoãn được với Thổ Nhĩ Kỳ trên đường đua ngoại giao.
Do đó, một cuộc chiến Thổ Nhĩ Kỳ-Ai Cập dường như đã được ngăn chặn. Nga đã thương thuyết thành công để Ankara ngừng hoạt động quân sự, trong khi mở đường cho Ai Cập có chân ở Libya.
Trong một động thái giữ thể diện, người phát ngôn của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Ibrahim Kalin giải thích với Reuters sau tuyên bố chung giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga rằng: "Để lệnh ngừng bắn được bền vững, al-Jufra và Sirte nên giải phóng khỏi lực lượng tướng Haftar".
Tuy nhiên, tất cả các bên liên quan đến Libya bao gồm cả Nga có thể sẽ lo ngại về sự không nhất quán của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ. Do đó, mặc dù một cuộc chiến với Ai Cập đã được ngăn chặn ở thời điểm hiện tại, nhưng không ai có thể nói trước tương lai gần sẽ xảy ra điều gì. Một khi có cơ hội, rất có thể Ankara sẽ tiếp tục các tính toán của riêng mình.