Ngày 17/2, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin khẳng định, Washington thấy Moscow tích trữ nguồn cung máu, triển khai bổ sung chiến đấu cơ và đưa binh sĩ tiến sát hơn đến biên giới Ukraine.
"Cách đây không lâu, bản thân tôi cũng là một người lính. Tôi biết bạn không làm những điều này mà không có lý do. Và chắc chắn, bạn không làm chúng nếu bạn sẵn sàng thu dọn đồ đạc và về nhà", Bộ trưởng Austin nói không lâu sau khi Nga tuyên bố đang rút binh sĩ khỏi khu vực biên giới.
Theo Công ty Maxar Technologies (Mỹ), hình ảnh vệ tinh cho thấy, Nga đã rút một vài khí tài, nhưng một vài hệ thống khác đã được triển khai đến khu vực gần biên giới.
Cùng ngày 17/2, Điện Kremlin phủ nhận điều họ mô tả là "những cáo buộc vô căn cứ" của Mỹ và NATO (Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương) rằng Moscow hiện không rút các lực lượng ra khỏi biên giới Ukraine. Điện Kremlin nhấn mạnh, việc rút quân đòi hỏi thời gian và Bộ Quốc phòng Nga đã lên thời gian cụ thể để đưa các đơn vị trở lại căn cứ thường trực.
Nga từng nhiều lần khẳng định, họ không có kế hoạch tấn công Ukraine dù theo ước tính của Mỹ, Moscow đang hiện diện khoảng 150.000 binh sĩ gần biên giới. Tuy nhiên, Điện Kremlin ngày 17/2 cảnh báo, họ có thể "buộc phải đáp trả" quân sự nếu Mỹ không đáp ứng yêu cầu đảm bảo an ninh của Nga.
Theo đó, ngày 17/2, Bộ Ngoại giao Nga công bố toàn bộ nội dung văn bản phúc đáp đối với Mỹ và NATO về nội dung dự thảo Hiệp ước giữa Moscow với Washington và NATO liên quan đến đảm bảo an ninh.
Trong văn bản này, Nga khẳng định phía Mỹ đã không đưa ra phản ứng mang tính xây dựng đối với các yếu tố cơ bản của dự thảo hiệp ước do Moscow chuẩn bị về đảm bảo an ninh.
Cụ thể, Mỹ đã bác bỏ đề nghị của Nga về những nội dung như: Ngừng mở rộng NATO (rút lại "công thức Bucharest" rằng "Ukraine và Gruzia sẽ trở thành thành viên NATO"); không thiết lập các căn cứ quân sự trên lãnh thổ của các nước cộng hòa thuộc Liên Xô trước đây nhưng không phải là thành viên của liên minh này; không sử dụng cơ sở hạ tầng của NATO để tiến hành bất kỳ hoạt động quân sự nào, đồng thời quay trở lại biên giới của khối này vào năm 1997, khi Đạo luật thành lập Nga-NATO được ký kết".
Văn bản khẳng định những đòi hỏi gần đây về việc cùng rút quân khỏi một số khu vực trên lãnh thổ Nga, kèm theo lời đe dọa về các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn, là không thể chấp nhận được và làm suy yếu triển vọng đạt được những thỏa thuận thực sự.
Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh, trong trường hợp phía Mỹ không sẵn sàng nhất trí về những cam kết chắc chắn và mang tính ràng buộc pháp lý để đảm bảo an ninh của Moscow, Nga sẽ buộc phải đáp trả, trong đó có khả năng triển khai các biện pháp quân sự-kỹ thuật.
Văn bản phản hồi cũng khẳng định, Nga không có kế hoạch xâm lược Ukraine như phương Tây tuyên truyền, đồng thời kêu gọi phương Tây ngừng cung cấp vũ khí cho Ukraine, rút tất cả các cố vấn quân sự và không cho Ukraine gia nhập NATO để giảm leo thang căng thẳng.
Chỉ ít phút sau khi Bộ Ngoại giao Nga công bố toàn văn phản hồi dự thảo Hiệp ước với Mỹ và NATO về đảm bảo an ninh, trang mạng chính thức của Bộ này ở địa chỉ www.mid.ru đã không thể truy cập được. Hiện chưa rõ nguyên nhân sự việc.
Minh Hoa (t/h theo Vietnam+, Người Lao Động)