Nga có thể bắt đầu cung cấp hệ thống phòng thủ tên lửa S-300 mạnh mẽ cho Syria trong tương lai gần, bất chấp sự phản đối từ Israel và các cường quốc phương Tây, tờ Kommersant của Nga đưa tin hôm 23/4.
Các nguồn tin nói với tờ báo rằng nếu Israel cố tình tiêu diệt hệ thống phòng không của Nga, hậu quả dành cho nước này sẽ “vô cùng thảm khốc”
Tuần trước, Moscow thông báo đang cân nhắc thay đổi chính sách lâu năm bằng việc cung cấp hệ thống S-300 cho chính quyền ở Syria.
Tuyên bố này tiếp diễn sau một loạt các cuộc không kích của Mỹ, Anh và Pháp chống lại mục tiêu ở quốc gia Trung Đông hồi đầu tháng này trước cáo buộc vũ khí hóa học nhắm vào Tổng thống Bashar Assad.
“Một vài năm trước theo yêu cầu của các đối tác, chúng tôi quyết định không cung cấp S-300 cho Syria", Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nói với BBC tuần trước. "Bây giờ, trước hành động xâm lược thái quá được thực hiện bởi Mỹ, Pháp và Anh, chúng tôi cần phải tính toán xem làm thế nào để đảm bảo rằng nhà nước Syria được bảo vệ".
Theo báo cáo của Kommersant, Nga sẽ không bán hệ thống S-300 cho Syria, mà cung cấp miễn phí để đẩy nhanh quá trình chuyển giao.
Hệ thống do Nga chế tạo sẽ cung cấp lưới bảo vệ tầm xa chống lại cả máy bay chiến đấu và tên lửa. Hệ thống này đã được Moscow cung cấp cho Tehran và được quân đội Nga triển khai tại Syria, cùng với phiên bản cải tiến: S-400.
Hiện chưa rõ Moscow sẽ mang hệ thống mới đến Syria hay chỉ sử dụng lại S-300 từ các căn cứ không quân của mình. Theo Kommersant, sẽ phải mất vài tháng để quân đội Syria có thể nắm vững cách hoạt động và thao tác một cách nhuần nhuyễn
Các quan chức Israel bày tỏ lo ngại việc bán hệ thống S-300 cho Damascus có thể làm suy yếu quyền lực tối cao trong khu vực của Israel. Do đó, Israel có thể xem xét để phá hủy hệ thống phòng thủ của đối thủ, có thể là trước khi hệ thống được thiết lập và đi vào hoạt động.
Cựu Giám đốc tình báo quân sự Israel, Amos Yadlin từ viện Nghiên cứu an ninh quốc gia ở Tel Aviv, cho biết lực lượng không quân nước này sẽ tiêu diệt S-300 một cách nhanh gọn.
“Như những gì tôi biết về lực lượng không quân của mình, chúng tôi đã có kế hoạch thích hợp để đối phó với mối đe dọa này. Sau khi nhiệm vụ hoàn thành, tình hình sẽ lại như lúc ban đầu”, Yadlin nói với tờ Bloomberg.
Trong một phản ứng trực tiếp với khả năng hiện diện của S-300 và các hệ thống phòng thủ tên lửa khác trên khắp Trung Đông - đặc biệt là ở Iran - Israel đã mua một hạm đội máy bay chiến đấu tàng hình F-35 từ nhà thầu quốc phòng Lockheed-Martin của Mỹ.
Hạm đội mới sẽ cung cấp một giải pháp cho những thách thức đến từ S-300, hệ thống có radar phát hiện máy bay từ khoảng cách 300 km (186 dặm).
Israel cũng tiến hành các bước đi ngoại giao để ngăn chặn việc Nga bán hệ thống S-300 cho Iran vào năm 2016. Năm ngoái, Tehran thông báo rằng hệ thống này có đầy đủ chức năng và kết nối với phần còn lại của mạng lưới phòng không của đất nước.
Ngoài các cuộc tấn công do Mỹ dẫn đầu, Israel ngày càng tham gia nhiều vào các cuộc không kích ở Syria với mục đích ngăn chặn việc chuyển giao vũ khí tiên tiến cho Hezbollah và ngăn chặn sự can thiệp quân sự của Iran.
Điều này khiến giới phân tích cho rằng lời tuyên bố tấn công hệ thống S-300 của Israel có thể không chỉ là nói suông. Trước đó, không quân nước này đã tham gia vào nhiều cuộc tấn công gây tranh cãi.
Vào ngày 9/4, Israel bị cáo buộc tấn công căn cứ không quân T-4 ở Syria, nơi các nguồn tin nói rằng Iran đang có các hoạt động tại đây. Ít nhất bảy thành viên của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran đã thiệt mạng. Căn cứ được bảo vệ bởi hệ thống phòng thủ tên lửa đất đối không.
Ảnh vệ tinh được công bố vào cuối tuần trước cho thấy các cuộc tấn công được thực hiện vào T-4 có độ chính xác cao, đánh trúng hai nhà chứa máy bay, nhưng gây ra ít thiệt hại cho khu vực xung quanh.
Trong khi từ chối bình luận về việc có đứng sau vụ tấn công hay không, vài ngày sau Israel tiết lộ một máy bay không người lái của Iran xuất phát từ căn cứ T-4 đã bị bắn hạ chỉ 30 giây sau khi tiến vào không phận Israel.
Trong động thái trả đũa sau đó, chiến đấu cơ của Israel bị bắn bởi hỏa lực phòng không của Syria và mất một chiếc F-16, đây cũng là máy bay chiến đấu đầu tiên nước này thiệt hại trong 35 năm.
Sau khi chiếc F-16 rơi xuống, máy bay của Israel tung đòn trả đũa vào lưới phòng không của Syria, phá hủy khoảng 1/3 mục tiêu.