Nga chặn đường lui của ngân hàng phương Tây, lý do rất dễ hiểu

Thứ 7, 07/09/2024 06:00

Moscow nói rõ rằng họ muốn Raiffeisen ở lại vì ngân hàng này – với khoảng 2.600 khách hàng doanh nghiệp, 4 triệu chủ tài khoản địa phương và 10.000 nhân viên – cho phép thanh toán quốc tế.

Ngân hàng Raiffeisen Bank International (RBI) AG vừa hứng chịu thêm một "sự kéo lùi" nữa sau khi một tòa án ở Nga đóng băng cổ phần của họ tại công ty con ở nước này, chặn việc bán đơn vị này và làm leo thang căng thẳng hơn nữa giữa Moscow và phương Tây.

RBI, có trụ sở tại Vienna - Áo, là ngân hàng phương Tây lớn nhất tại Nga. Kể từ khi Moscow phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine, ngân hàng này đã tuyên bố sẽ tách riêng hoạt động kinh doanh tại Nga, nơi cung cấp đường dây thanh toán cho hàng trăm công ty địa phương, sau khi chịu áp lực từ các cơ quan quản lý quốc tế. Nhưng sau hơn 2 năm xung đột Nga-Ukraine, rất ít thay đổi diễn ra.

Nga chặn đường lui của ngân hàng phương Tây, lý do rất dễ hiểu- Ảnh 1.

Raiffeisen Bank International (RBI) AG là ngân hàng phương Tây lớn nhất tại Nga. Ảnh: FT

Một phát ngôn viên của Raiffeisen cho biết, phán quyết của tòa án ở Nga đã loại trừ khả năng bán chi nhánh ngân hàng. Tuy nhiên, họ cho biết điều này sẽ không ảnh hưởng đến hoạt động của ngân hàng ở Nga hoặc những nỗ lực mà Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) yêu cầu nhằm giảm bớt hoạt động của ngân hàng này.

"Chúng tôi vẫn có thể bổ nhiệm ban quản lý và đưa ra chỉ thị cho chi nhánh ở Nga nhưng chúng tôi không thể bán ngân hàng", RBI cho biết trong một tuyên bố vào cuối ngày 5/9.

Raiffeisen sẽ cố gắng đảo ngược quyết định của tòa án, tuyên bố cho biết, gọi đây là vụ đóng băng cổ phần lớn nhất liên quan đến một ngân hàng phương Tây tại Nga.

Mặc dù UniCredit của Italy cũng có một doanh nghiệp tại Nga và cũng đang chịu áp lực phải rời đi, RBI lớn hơn nhiều và đã trở thành phép thử cho quyết tâm của phương Tây trong việc chấm dứt quan hệ với Nga.

Đối với Raiffeisen, động thái của tòa án đặc biệt nhạy cảm vì chi nhánh Nga của họ đã tích lũy được hơn 4,58 tỷ Euro lợi nhuận chưa trả cho cổ đông. 

Họ không thể gửi số tiền đó trở lại Áo vì Nga đã nhanh tay áp đặt lệnh cấm chuyển các khoản thanh toán cổ tức ra khỏi nước này. Điều đó làm tăng rủi ro trong các nỗ lực của các đơn vị phương Tây muốn rời Nga.

Một nguồn tin nói với Reuters rằng chính quyền Nga đã nói rõ rằng họ muốn Raiffeisen ở lại vì ngân hàng này – với khoảng 2.600 khách hàng doanh nghiệp, 4 triệu chủ tài khoản địa phương và 10.000 nhân viên – cho phép thanh toán quốc tế.

RBI là một trung gian tài chính quan trọng đối với hàng triệu khách hàng Nga muốn gửi Euro hoặc USD ra nước ngoài. Các cơ quan quản lý phương Tây muốn điều này thay đổi. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đang yêu cầu Raiffeisen cắt giảm hoạt động kinh doanh tại Nga.

Với các công ty công nghiệp rộng lớn, hơn 18 triệu khách hàng từ Vienna đến Moscow và 44.000 nhân viên, Raiffeisen cũng là trung gian tài chính quan trọng của Áo và nhiều nước Đông Âu.

Ở chiều ngược lại, thị trường Nga cũng trở nên càng quan trọng với RBI kể từ khi xung đột ở Ukraine bùng nổ vào năm 2022, với việc công việc kinh doanh ở Nga mang lại khoảng một nửa lợi nhuận cho ngân hàng mẹ ở Áo trong 3 tháng đầu năm nay khi phí thanh toán ở nước ngoài tăng đột biến.

Minh Đức (Theo Euractiv, Bloomberg)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.