Nga và EU lấn át NATO?
Sự hình thành của lực lượng vũ trang chung toàn châu Âu tiếp tục là một đề tài tranh luận sôi nổi. Phát biểu với Sputnik, các nhà phân tích châu Âu đã chia sẻ quan điểm của họ về khả năng hình thành một cơ cấu quân sự thống nhất ở châu Âu và khả năng tạo ra một khối phòng thủ chung EU-Nga.
Việc thành lập một liên minh phòng thủ EU-Nga có thể hình thành trong trường hợp Moscow và châu Âu tạo ra một không gian kinh tế chung từ Lisbon đến Vladivostok - một khái niệm của Tổng thống Vladimir Putin đã đề xuất cách đây vài năm.
Tuy nhiên, theo nhà khoa học chính trị người Đức Alexander Rahr, cơ cấu này sẽ chưa thể hoàn thiện trong thời gian sớm.
"Ít nhất sẽ mất khoảng 25 năm tới cho một sự thống nhất chung từ Lisbon đến Vladivostok", ông nói với Sputnik.
Tại thời điểm đó, các nước sẽ tin tưởng lẫn nhau và nhận thức rằng cần phải chung tay chống lại những thách thức của khủng bố quốc tế và sự sụp đổ ở Trung Đông.
Khi đó, sẽ có một cơ hội lớn cho Nga và châu Âu kết hợp lại thành một cơ cấu phòng thủ chung của châu Âu.
Tuy nhiên, ngày nay có rất ít khả năng để thúc đẩy tiến trình diễn ra nhanh hơn: "Bây giờ châu Âu đang tích hợp sâu sắc với hệ thống quan hệ xuyên Đại Tây Dương", Rahr lưu ý.
Với việc các nước châu Âu vẫn tiếp tục gắn kết với Mỹ, dường như Nga sẽ không quan tâm đến một nền tảng phòng thủ chung. "Có lẽ thế hệ tiếp theo của các chính trị gia sẽ hiểu rằng chúng ta cần phải hành động cùng nhau", ông nói.
Theo Rahr, người Mỹ đang bí mật ngăn chặn quá trình hình thành một cấu trúc phòng chủ chung thay thế cho NATO.
Quan điểm của Mỹ về an ninh châu Âu có thể được mô tả như sau: "Hãy để người châu Âu đoàn kết kinh tế, nhưng không có cơ hội nào tạo ra sự thay thế cho NATO", Rahr giải thích.
Nhận xét về tương lai của lực lượng quân đội chung châu Âu, Rahr cho rằng, đây sẽ là một đội quân được trang bị tiên tiến khi chiến tranh trong tương lai sẽ liên quan đến trí tuệ nhân tạo, máy bay không người lái, tên lửa và robot.
Trong bối cảnh này, các tổ hợp công nghiệp quân sự của Nga và châu Âu sẽ cần phải tạo ra một lá chắn chống tên lửa và vũ khí phòng thủ chung chống lại khủng bố Hồi giáo, thay vì tự chống lại nhau.
Tranh cãi
Chủ tịch Ủy ban châu Âu, Jean-Claude Juncker, từ lâu đã là một trong những người ủng hộ của liên minh quốc phòng EU.
"Đến năm 2025, chúng tôi cần một liên minh quốc phòng châu Âu hoạt động . Chúng tôi cần nó và NATO muốn chúng tôi có nó", ông Juncker cho biết vào giữa tháng 9/2017 trong bài phát biểu trước Nghị viện châu Âu.
Cùng thời điểm đó, trong bài phát biểu kéo dài hai giờ tại đại học Paris-Sorbonne, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã nhấn mạnh sự cần thiết phải tạo ra các lực lượng phản ứng nhanh, hình thành hệ thống ngân sách và một học thuyết phản ứng chung.
Ý tưởng về một cấu trúc quân sự thống nhất được lưu trong Hiệp ước Lisbon năm 2007. Nguyên mẫu của lực lượng vũ trang châu Âu được gọi là Thỏa thuận hợp tác cấu trúc thường trực về quốc phòng (PESCO).
Tuy nhiên, trong tháng 11/2017, 23 quốc gia EU bao gồm các thành viên không phải NATO - Áo, Síp, Phần Lan và Thụy Điển - chính thức thông báo cho Brussels rằng họ sẽ không chấp nhận PESCO.
Vì sao lực lượng quân đội EU-Nga khó thành?
Về phần mình, Igor Delanoe, Phó Giám đốc Trung tâm phân tích Pháp-Nga, đánh giá rằng dự án lực lượng quân đội chung châu Âu là ý tưởng khá cũ. Trong khi cái bóng NATO đã tồn tại quá lâu và chứng minh được sự hiệu quả.
Delanoe bày tỏ hoài nghi về triển vọng hình thành một cấu trúc quân sự mới của EU. "Các quân đoàn châu Âu đã tồn tại, các lữ đoàn chung Pháp-Đức là hình thái tối đa có thể hình thành", học giả này nêu quan điểm.
Tuy nhiên, ông không loại trừ Nga và EU có thể hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng. Đó sẽ là một đi bước tích cực đối với bình thường hóa quan hệ giữa EU và Nga thúc đẩy sự tin tưởng giữa hai bên.
Tuy nhiên, một trong những lý do khác ngăn cản sự hình thành của lực lượng quân đội chung châu Âu lại đến từ sự ngờ vực lẫn nhau trong khối.
Phát biểu với Sputnik, chính khách từ đảng Xã hội Đức, Alexander Neu, cho rằng các quốc gia châu Âu không muốn bỏ sức vì lợi ích dành cho các đồng minh của mình.
Điều này đặt ra câu hỏi liệu Hy Lạp hay Bulgaria sẽ chịu hy sinh binh lính của họ vì lợi ích của Pháp hay Đức hay không.
"EU đang tham gia vào một số dự án mới, nhưng tôi có nghi ngờ lớn rằng họ sẽ không muốn hội nhập vào một cơ cấu quân sự chính thức", Neu hoài nghi.
Theo Neu, việc tạo ra một đội quân chung EU là không thực tế, trong khi sự hình thành một cấu trúc quân sự thống nhất châu Âu càng tăng thêm sự chia rẽ giữa các thành viên.