Bình luận về các diễn biến xung quanh Hiệp ước Các Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), ông Atonov cáo buộc Mỹ có ý định phá vỡ hệ thống kiểm soát vũ khí vốn được xây dựng nhiều năm qua giữa hai nước đồng thời khẳng định ý tưởng giành vị thế chi phối quân sự toàn cầu của Mỹ sẽ không thể thực hiện.
Đại sứ Antonov nhắc lại việc Tổng thống Nga Vladimir Putin "đã ra chỉ thị rõ ràng cho Bộ Quốc phòng liên quan tới việc bảo vệ lợi ích quốc gia, ngăn chặn nguy cơ phá vỡ sự bình đẳng chiến lược" và cho rằng các biện pháp của Nga không tốn kém, cũng không tạo ra một cuộc chạy đua vũ trang, thay vào đó cho phép duy trì sự cân bằng quân sự-chiến lược. Moskva đã làm mọi điều có thể để cứu vãn hiệp ước INF. Bộ Quốc phòng Nga cũng đã đề xuất các biện pháp minh bạch chưa từng có, vượt xa khuôn khổ hiệp ước.
Đại sứ Antonov chỉ trích các bước đi của Washington cho thấy Mỹ có kế hoạch xóa bỏ hiệp ước INF ngay từ đầu và không có ý định đạt thỏa hiệp với Nga về vấn đề này. Ông cho rằng các hành động của Washington đặc biệt nguy hiểm do ảnh hưởng tới sự ổn định chiến lược, không chỉ trong mối quan hệ với Moskva.
Đại sứ Antonov nhấn mạnh mối quan hệ Nga-Mỹ trong lĩnh vực này luôn xác định hướng đi cho sự ổn định chiến lược và luôn là yếu tố được các nước khác cân nhắc khi họ phát triển các chính sách an ninh của mình, đồng thời đóng vai trò là nguyên tắc chỉ đạo cho việc tăng cường cơ chế không phổ biến vũ khí hạt nhân.
Khẳng định đối thoại giữa lãnh đạo Nga-Mỹ đóng vai trò rất quan trọng cho mối quan hệ song phương cũng như tăng cường sự ổn định và an ninh chiến lược, ông Antonov cũng cho rằng các cuộc gặp này cần được chuẩn bị và mang lại kết quả thực chất. Nga không muốn đối đầu và luôn ủng hộ việc phát triển mối quan hệ thực chất, cùng có lợi. Đại sứ Nga cho rằng, tâm lý bài Nga tại Mỹ cản trở nghiêm trọng việc tổ chức các cuộc gặp thượng đỉnh mới giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Donald Trump.
Ngoài ra, Đại sứ Nga kêu gọi Mỹ tập trung xây dựng mối quan hệ với các nước khác dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau thay vì tiếp tục đưa ra các tối hậu thư. Việc ra điều kiện để đối thoại, trong bất kỳ trường hợp nào dù liên quan tới tình hình Ukraine hay các mối quan tâm khác, sẽ không mang lại kết quả tốt đẹp. Vì vậy, Washington cần từ bỏ các tối hậu thư trong liên lạc giữa các quốc gia.
Những bình luận trên được đưa ra trong bối cảnh quan hệ Nga-Mỹ đang chịu tác động xấu sau khi Mỹ tuyên bố rút khỏi hiệp ước kể trên. INF được Mỹ và Liên Xô ký ngày 8/12/1987 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/6/1988. Theo đó, hai bên cam kết không sản xuất, thử nghiệm, triển khai các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình trên mặt đất tầm trung và tầm ngắn (từ 500 - 5.500 km).
Tuy nhiên, vào tháng 10/2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump cáo buộc Nga vi phạm hiệp ước khi chế tạo tên lửa “Novator 9M729". Trong khi đó, Nga tuyên bố không tiêu hủy “Novator 9M729", đồng thời khẳng định loại tên lửa này không vi phạm INF. Theo Moskva, Mỹ tạo cớ rút khỏi hiệp ước để có thể tự do phát triển những loại tên lửa mới.
Hôm 1/2 vừa qua, Tổng thống Trump tuyên bố Mỹ ngừng các nghĩa vụ trong khuôn khổ hiệp ước INF với Nga kể từ ngày 2/2 và bắt đầu tiến trình rút khỏi INF. Ngày 6/2, Nga thông báo sẽ rút khỏi INF trong vòng 6 tháng, như một câu trả lời tương xứng đối với việc Mỹ rút khỏi hiệp ước này. Căng thẳng về INF khiến nhiều nước trên thế giới quan ngại. Một loạt quốc gia và tổ chức quốc tế đã kêu gọi Nga - Mỹ đối thoại để "đảo ngược" quyết định trên và tránh một cuộc chạy đua vũ trang mới.
Theo baotintuc.vn