Phá chương trình F-35?
Trong bài viết có tiêu đề “S-400 phải chăng là cái bẫy của ông Putin?” trên tờ Al-Ahram Weekly, cây bút bình luận Hany Ghoraba cho rằng, thương vụ mua bán hệ thống phòng không với Thổ Nhĩ Kỳ có thể là cách để Nga làm suy yếu chương trình tiêm kích tàng hình F-35.
Theo tác giả này, liên minh quân sự NATO vừa chứng kiến một sự rạn nứt chưa từng có trong tuần qua khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Thổ Nhĩ Kỳ không còn là một phần của nhóm phát triển máy bay chiến đấu F-35 tiên tiến.
Quyết định này dựa trên lo ngại của Bộ Quốc phòng và Quốc hội Mỹ, trong đó Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống phòng thủ chiến lược S-400 mới do Nga sản xuất có thể làm tổn hại đến sự an toàn của chương trình F-35.
Thổ Nhĩ Kỳ được giao nhiệm vụ sản xuất 844 bộ phận trong số gần 185.000 bộ phận cấu thành của máy bay. Quyết định này sẽ buộc NATO phải tìm một nhà sản xuất thay thế cho các bộ phận này và có thể làm trì hoãn chương trình.
F-35 là dự án quân sự đắt đỏ và tham vọng nhất trong lịch sử phương Tây, với chi phí vượt quá 400 tỷ USD và có thể đạt ngưỡng 1 nghìn tỷ USD khi hoàn thành.
Ý nghĩa chính trị của lệnh cấm đối với Thổ Nhĩ Kỳ là rất lớn và là tiền lệ đầu tiên trong liên minh NATO. Việc Thổ Nhĩ Kỳ mua S-400 do Nga sản xuất đã vi phạm các quy tắc của NATO từ năm 1949, trong đó bắt buộc các thành viên của liên minh phải sử dụng vũ khí do các thành viên NATO sản xuất.
Do vấp phải hạn chế trong thời điểm hiện tại, F-35 đã không đạt được mục tiêu 80% sẵn sàng chiến đấu được hướng đến trong năm nay. Điều này cũng bao gồm cả các thất bại trong các bài thử nghiệm và ngay cả trong quá trình huấn luyện F-35.
Máy bay chiến đấu mới của NATO không phải là bất khả chiến bại như lời quảng cáo và nó cũng chưa chắc có thể phát triển xong sớm như các tuyên bố trước đây.
Mở ra lỗ hổng
Việc triển khai tên lửa của Nga ở Thổ Nhĩ Kỳ cũng có thể đẩy nhanh quá trình làm lộ ra các lỗ hổng của F-35 mới và các dữ liệu sẽ phục vụ hữu ích trong quá trình phát triển hệ thống S-500 mới của Nga, cây bút Ghoraba nêu quan điểm.
Những mục tiêu như vậy của Nga sẽ không thể bị Mỹ và các đồng minh bỏ qua. Không những vậy, nếu người Nga phát hiện ra bí mật để khắc chế F-35 mới, điều này có nghĩa là chương trình quân sự đắt đỏ nhất thế giới đã được thực hiện một cách vô ích. Kết quả là những người đứng đầu chương trình sẽ phải chịu trách nhiệm.
Do đó, Tổng thống Putin đã gây ra đau đầu cho các đối thủ NATO bằng cách giáng cho họ một “đòn kép”, cây bút Ghoraba nhấn mạnh.
Nhà lãnh đạo Nga được coi là người chiến thắng khi bán hệ thống phòng thủ trị giá 2 tỷ USD cho Thổ Nhĩ Kỳ, đặc biệt trong lúc Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đang tìm cách hàn gắn lại những rạn nứt với người Nga sau cuộc khủng hoảng máy bay năm 2015 và vụ đại sứ Nga tại Istanbul bị ám sát.
Với mục tiêu nối lại quan hệ với Tổng thống Putin, ông Erdogan đã chấp nhận mua S-400 ngay cả khi biết rằng nó có thể phát sinh vấn đề sau này với NATO.
Đối với nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ, ông giờ đang cảm thấy rằng Tổng thống Putin là người bạn duy nhất của mình, và do đó cảm thấy phụ thuộc hơn vào các hệ thống vũ khí của Nga.
Truyền thông Nga gần đây nói nhiều đến việc nước này sẵn sàng quan tâm đến việc cung cấp máy bay chiến đấu SU-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ và có thể cả máy bay chiến đấu tàng hình SU-57 đang được phát triển.
Nếu người Thổ Nhĩ Kỳ hướng tới đề xuất này một cách nghiêm túc, tư cách thành viên của họ trong NATO sẽ bị đe dọa nghiêm trọng. Tuy nhiên, chính quyền Mỹ sẽ không vui khi thấy một thành viên sáng lập của liên minh ra đi, đặc biệt khi họ lại lo ngại Thổ Nhĩ Kỳ trở thành đồng minh của Nga.
Nếu kịch bản ác mộng đó xảy ra, Mỹ sẽ mất quân đội lớn thứ hai trong liên minh NATO và căn cứ không quân chiến lược của họ ở Incirlik.
Tổng thống Putin dường như hiểu rõ viễn cảnh này khi ông cung cấp cho người Thổ Nhĩ Kỳ hệ thống phòng thủ S-400 mới. Và hơn cả, nhà lãnh đạo Nga hiểu rằng, dù rơi vào kịch bản nào, ông cũng là người chiến thắng.
Nếu tư cách thành viên của Thổ Nhĩ Kỳ trong NATO bị đóng băng hoặc bị thu hồi, ông sẽ có một kẻ thù ít tiềm năng hơn để lo lắng, đặc biệt khi nói về tầm quan trọng địa chính trị của Thổ Nhĩ Kỳ đối với NATO.
Đồng thời, ông sẽ kích thích thêm Thổ Nhĩ Kỳ mua thiết bị quân sự của Nga trong tương lai.
Thông qua việc bán hệ thống tên lửa S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Putin đã nhận lại mọi sự bù đắp từ Thổ Nhĩ Kỳ sau những lần gây ra căng thẳng năm xưa.
Đây là một tình huống có lợi cho Putin, vì ông đã thuyết phục được một thành viên NATO phá vỡ các quy tắc mà liên minh đã tuân thủ từ khi thành lập cho đến nay.
Tuy nhiên, để nói về việc Thổ Nhĩ Kỳ bị đuổi khỏi NATO là quá sớm và có thể không thực tế trong thời điểm này. NATO không có khả năng để Thổ Nhĩ Kỳ rơi vào tay Nga.