3 câu hỏi sau vụ Su-25 bị bắn rơi
Nga đã phản ứng một cách nhanh chóng và quyết liệt sau vụ chiến đấu cơ Su-25 bị bắn rơi ở Idlib, Syria hôm 3/2, khiến một phi công của nước này hy sinh. Ngay sau vụ việc xảy ra, bộ Quốc phòng Nga tuyên bố đã giáng đòn tấn công tên lửa vào khu vực này giết chết ít nhất 30 chiến binh khủng bố.
Một cuộc điều tra về nguồn gốc của những tên lửa phòng không vác vai (MANPADS) mà chiến binh ở Syria sử dụng để bắn hạ Su-25 của Nga đã được yêu cầu tiến hành.
Nga đặc biệt quan tâm đến loại vũ khí đã bắn rơi Su-25 khi rõ ràng các nhóm khủng bố không thể tự có được loại vũ khí này mà không được cung cấp từ một quốc gia bên ngoài.
Hiện tại, thủ phạm bắn rơi Su-25 vẫn còn là dấu hỏi khi khu vực máy bay Nga bị bắn hạ là lãnh thổ tranh giành của nhiều phe nhóm, bao gồm nhóm khủng bố Hayat Tahrir al-Sham (HTS) - trước đây thường biết đến với cái tên Mặt trận al-Nusra; Lực lượng Quân đội Syria Tự do và Jaish al-Nasr - được biết đến là “nhóm đối lập ôn hòa" thường xuyên nhận vũ khí hỗ trợ từ Mỹ.
Chỉ vài phút sau khi bắn hạ Su-25, Alaa al-Hamwi, một trong những chỉ huy của Jaish al-Nasr đã nhận trách nhiệm về vụ tấn công. Tuy nhiên nhóm khủng bố có liên quan đến al-Qaeda là Hayat Tahrir al-Sham cũng lên tiếng nhận vai trò về mình.
Hiện có ba câu hỏi đang được các cuộc điều tra của Nga nỗ lực giải đáp. Thứ nhất là bằng cách nào Su-25 có thể bị bắn hạ một cách chính xác như vậy? Nhóm chiến binh bắn hạ Su-25 lấy vũ khí từ đâu? Và liệu có thế lực nào đứng đằng sau bảo trợ vụ tấn công này hay không?
Máy bay Nga thường hoạt động ở tầm cao mà các tên lửa vác vai không thể phóng tới. Mặc dù Su-25 khi đó của Nga hoạt động khá thấp và dễ dàng trở thành mục tiêu, các chuyên gia quân sự Nga cho rằng để bắn chính xác như vậy cần phải có hệ thống tên lửa tân tiến và kinh nghiệm tác chiến thuần thục.
Có nhiều quan điểm về việc ai đã cung cấp cho phiến quân loại tên lửa vác vai dùng để bắn hạ Su-25, trong đó mọi chú ý đổ dồn vào Mỹ. Tuy nhiên có nhận định nói đây có thể là vũ khí mà những kẻ khủng bố thu được từ kho quân sự của quân đội Syria, hoặc được cung cấp bởi Thổ Nhĩ Kỳ, Qatar hoặc Saudi Arabia.
Dmitry Sablin, người đứng đầu nhóm hợp tác quốc hội Nga-Syria, ngụ ý rằng loại tên lửa này được cung cấp thông qua một nhà nước tiếp giáp với Syria: "Các quốc gia mang đến vũ khí chống lại quân đội Nga nên hiểu rằng họ sẽ không thoát khỏi trừng phạt.
Các quan chức Nga dù không đề cập đến Thổ Nhĩ Kỳ có liên quan đến vụ bắn máy bay ở Idlib nhưng không loại trừ khả năng quốc gia này đứng đằng sau.
Ankara có thể đã đóng vai trò chủ mưu trong cuộc tấn công bắt nguồn từ sự mất lòng tin sâu xa giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ ở chính tại Idlib thời gian qua. Hai nước vẫn âm ỉ căng thẳng sau những sự cố trước đó, bao gồm vụ bắn Su-24 vào năm 2015 và pháo kích vào căn cứ không quân Khmeimim trong thời gian gần đây.
Chính sách của Nga không thay đổi
Theo tờ Al-Monitor, bất kể là ai đứng đằng sau vụ tấn công hay muốn làm bẽ mặt Moscow trong vụ việc này, quốc gia đó sẽ không làm thay đổi những diễn biến hiện tại ở Syria và chính sách của Nga vốn đã ấn định từ trước.
Quyết định rút quân của Tổng thống Vladimir Putin hồi tháng trước được xem là tuyên bố chiến thắng của Điện Kremlin sau hai năm tham chiến ở Syria. Tổng thống Putin cho rằng đây là thời điểm thích hợp để tránh rơi vào vũng lầy quân sự và tập trung chủ yếu cho các giải pháp chính trị ở Syria.
“Các cuộc không kích yểm trợ cho Chính phủ Syria dù giảm dần về quy mô nhưng về cơ bản là không bao giờ ngừng lại - và Moscow muốn các các nước có mặt trong cuộc chơi ở Syria phải theo luật chơi của Nga, chứ không phải phản đối hay đòi hỏi các điều kiện có lợi”, chuyên gia Maxim A. Suchkov từ Hội đồng Quan hệ Quốc tế Nga nhận định.
Về mặt quân sự, vụ Su-25 bị bắn hạ là một đòn đánh đau nhưng khó có khả năng làm cho Moscow đảo ngược quyết định của mình về sự hiện diện của quân đội nước này ở Syria.
Nhưng Điện Kremlin sẽ tăng cường áp lực hơn nữa bằng các đòn trả đũa sấm sét đối với những kẻ khủng bố và thậm chí là những kẻ “chống đối” và thiếu “linh hoạt về mặt chính trị”, chuyên gia Suchkov nói thêm.