UNSC hôm 9/1 đã nhất trí gia hạn hoạt động viện trợ nhân đạo cho khu vực Idlib ở Tây Bắc Syria thêm 6 tháng nữa, đảm bảo các mặt hàng thiết yếu được vận chuyển từ Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp tục đến tay những người mà sự sống còn của họ phụ thuộc vào đó.
Cơ quan quyền lực nhất của Liên Hợp Quốc (LHQ) phải đối mặt với hạn chót vào ngày 10/1 để gia hạn hoạt động bắt đầu từ năm 2014, cho phép LHQ và các đối tác gửi thực phẩm, thuốc men và các nguồn cung cấp quan trọng khác tới Idlib - thành trì cuối cùng của các lực lượng nổi dậy ở Tây Bắc Syria.
Kết quả cuộc bỏ phiếu là 15 phiếu thuận, 0 phiếu chống. Như vậy, Nga đã gây bất ngờ cho các nhà phân tích khi cùng với các thành viên còn lại của UNSC thông qua nghị quyết. Mỹ và các đồng minh của họ trước đó đã cảnh báo rằng việc hoạt động viện trợ không được gia hạn sẽ là thảm họa đối với hàng triệu người Syria nghèo khó, những người dựa vào nguồn cung này để đáp ứng các nhu cầu cơ bản của họ.
“Cuộc bỏ phiếu hôm nay cho phép người dân Syria thở phào nhẹ nhõm”, Đại sứ Mỹ tại LHQ Linda Thomas-Greenfield cho biết. “Nhưng trong khi đường dây cứu sinh này sẽ tiếp tục hoạt động, thì còn rất nhiều điều đáng ra có thể đã được thực hiện và vẫn còn rất nhiều điều cần phải làm”.
“Bất ngờ” của Nga
Cơ chế “viện trợ xuyên biên giới” bắt đầu vào năm 2014, ban đầu thiết lập 4 cửa khẩu biên giới - 2 ở Thổ Nhĩ Kỳ, 1 ở Jordan và 1 ở Iraq - qua đó các nguồn cung cấp nhân đạo có thể được chuyển đến mà không cần sự hợp tác từ chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Trong những năm gần đây, cả Nga và Trung Quốc đều sử dụng quyền phủ quyết của mình tại UNSC để giảm số tuyến đường vận chuyển hàng hóa vào Syria, chỉ để lại cửa khẩu Bab al-Hawa ở biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ. LHQ và các đối tác sử dụng hành lang viện trợ còn lại để tiếp cận trung bình 2,7 triệu người Syria mỗi tháng.
Sau cuộc bỏ phiếu hôm 9/1, Đại sứ Nga tại LHQ Vasily Nebenzya đã gọi việc nước ông chấp thuận tiếp tục viện trợ là một “quyết định khó khăn”, và không nên được coi là một sự thay đổi trong quan điểm lâu nay của Nga rằng cơ chế này “không mang lại lợi ích cho người dân Syria, những người mong muốn rằng bên cạnh sự hỗ trợ nhân đạo hiệu quả, UNSC thể hiện sự tôn trọng đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Syria”.
Phương Tây quan tâm đến việc duy trì cơ chế “viện trợ xuyên biên giới” ở Syria như một công cụ gây áp lực chính trị đối với Damascus, nhà ngoại giao Nga cho biết.
Nga, ủy viên thường trực UNSC từ lâu đã đe dọa phủ quyết toàn bộ hoạt động viện trợ, được cho là sẽ bỏ phiếu trắng trong cuộc bỏ phiếu mới nhất. Ông Richard Gowan, Giám đốc LHQ tại Tổ chức Khủng hoảng Quốc tế (ICG), giải thích việc người Nga bỏ phiếu ủng hộ hôm 9/1 là một dấu hiệu cho thấy họ muốn tránh bắt đầu một năm bị cô lập ở New York.
“Moscow có thể hài lòng rằng các cuộc đàm phán về việc gia hạn này diễn ra khá nhẹ nhàng, và rằng Mỹ và các đồng minh của họ đã không cố gắng làm Moscow bối rối bằng cách thúc đẩy gia hạn lâu hơn hoặc buộc Nga phải phủ quyết”, ông Gowan nói với Al-Monitor.
“Tuy nhiên, tôi sẽ không suy luận rằng các cuộc đàm phán trong tương lai về vấn đề này sẽ diễn ra suôn sẻ”, ông Gowan nói, đồng thời cho biết thêm rằng ông hy vọng Nga sẽ tìm kiếm những nhượng bộ mới khi nghị quyết này hết hiệu lực vào tháng 7 tới.
“Sáu tháng là không đủ”
Đối mặt với mối đe dọa về quyền phủ quyết của Nga vào tháng 7 năm ngoái, cơ quan gồm 15 thành viên đã quyết định gia hạn thêm 6 tháng, thay vì gia hạn cả năm như ý muốn của các cường quốc phương Tây. Các cơ quan viện trợ cho biết, các ủy quyền trong 6 tháng của UNSC là không đủ để giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo đang tiếp diễn ở Syria, bao gồm cả sự bùng phát dịch tả đang lan rộng nhanh chóng.
“Sáu tháng là không đủ”, bà Brenda Mofya, người đứng đầu Văn phòng New York của Oxfam, cho biết.
“Sự thất bại liên tiếp của UNSC trong việc nắm bắt trách nhiệm của mình trong việc tạo ra một phương tiện bền vững hơn để giảm thiểu đau khổ và cải thiện triển vọng cho các thế hệ bị tàn phá bởi cuộc xung đột khủng khiếp này là điều gây sốc”, bà Mofya cho biết trong một tuyên bố hôm 9/1.
Các nhóm viện trợ cho rằng không có giải pháp thay thế khả thi nào cho cơ chế “viện trợ xuyên biên giới”. LHQ tài trợ và điều phối các hoạt động giữa các nhóm viện trợ địa phương và quốc tế theo một hệ thống không thể sao chép trên cùng một quy mô.
Cuộc bỏ phiếu hôm 9/1 diễn ra khi điều kiện kinh tế vẫn còn tồi tệ ở tỉnh Idlib. Thành trì cuối cùng của phiến quân ở Tây Bắc Syria, nơi chủ yếu do nhóm cực đoan Hayat Tahrir al-Sham kiểm soát, là nơi sinh sống của 4,1 triệu người Syria. Nhiều người đã tìm nơi nương náu ở Idlib sau khi chạy trốn chiến sự ở những nơi khác trong nước.
Sự không chắc chắn xung quanh việc gia hạn nghị quyết xuyên biên giới mỗi năm gây ra sự hoang mang trong cộng đồng viện trợ, buộc các tổ chức cứu trợ phải dự trữ nguồn cung cấp và kêu gọi mức tối thiểu vào thời điểm nhu cầu gia tăng chưa từng có ở Syria. Sau 12 năm chiến tranh, LHQ cho biết con số kỷ lục 14,6 triệu người Syria cần hỗ trợ nhân đạo khẩn cấp.
Minh Đức (Theo Al-Monitor, TASS)