Phương Tây hoài nghi
Thời gian qua, chiến trường Syria liên tục chứng kiến những thắng lợi của lực lượng quân đội Chính phủ Syria (SAA) cùng đồng minh, đặc biệt là ở khu vực miền Trung đất nước và ở tỉnh Deir ez-Zor. Nhiều chuyên gia nhận định, cuộc chiến tàn khốc kéo dài suốt 6 năm qua ở Syria đang bước vào giai đoạn kết thúc.
Có được thành công hiện tại của SAA một phần lớn nhờ vào sự hỗ trợ tích cực của quân đội và Chính phủ Nga. Những đợt không kích yểm trợ SAA, những đợt phóng tên lửa Kalibr nhằm vào những kẻ khủng bố tại Syria... cùng những nỗ lực ngoại giao của Moscow cho thấy nước Nga đang tích cực giúp chính quyền Damascus vượt qua khỏi cơn ác mộng dai dẳng này.
Tuy nhiên, một vấn đề mà giới quan sát phương Tây đặt ra là dù Syria có toàn thắng trong cuộc chiến ấy, thì chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad cũng phải đối mặt với một cuộc chiến khác không kém phần khốc liệt: Tái thiết Syria từ đống đổ nát, hoang tàn với nền kinh tế kiệt quệ.
Đó cũng là câu hỏi mà họ đặt ra đối với Nga: Liệu Moscow có thể giúp Damascus “hồi sinh” với chi phí ước tính khoảng 300 tỷ USD? Chặng đường phía trước với Damascus và Moscow vẫn còn rất dài.
Ngân hàng Thế giới ước tính, cuộc chiến Syria đã khiến nước này thiệt hại khoảng 226 tỷ USD, số tiền lớn gấp 4 lần so với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Syria năm 2010, trước thời điểm cuộc chiến bùng phát. Khoảng 85% người dân đang sống ở dưới mức nghèo đói, trong khi một nửa công dân thất nghiệp.
Theo ông Jihad Yazigi, nhà báo kinh tế tại tờ The Syria Report, tình trạng hiện tại khó có thể giúp Syria tái thiết đất nước. Với chi phí khoảng 200 tỷ USD (thậm chí một số ước tính lên tới 300 tỷ USD), chính quyền Damascus chỉ có thể bắt đầu tái thiết đất nước trong trung hạn.
Ngoài ra, theo Yazigi, những thể chế tài chính Syria hiện tại không đủ khả năng cấp vốn tái thiết đất nước bởi tổng tài sản của 12 ngân hàng Nhà nước chỉ nằm vỏn vẹn trong con số 3,5 tỷ USD. Trong khi đó, những tổ chức có khả năng tài trợ như Liên minh châu Âu, Ngân hàng Thế giới hay Liên minh vùng Vịnh... lại không hề có ý định sẽ đổ tiền vào Syria. Hiện tại, tổng dự trữ ngoại hối của Nga rơi vào khoảng 400 tỷ USD, trong khi số tiền mà Syria cần lên tới 300 tỷ USD.
Các học giả phương Tây băn khoăn liệu Moscow có sẵn sàng chi ra một khoản tiền khổng lồ để giúp đỡ Syria sau những gì mà Nga đã thể hiện ở chiến trường Trung Đông này trong nhiều năm qua?
Đi lên từ hoang tàn, đổ nát
Trên thực tế, trong suốt 8 tháng qua, bên cạnh việc tích cực tăng cường các hoạt động quân sự nhằm chống khủng bố tại Syria, Nga vẫn nỗ lực tìm kiếm các giải pháp, nhằm từng bước phục hồi sự ổn định xã hội và chính trị Damascus.
Moscow đã bắt tay cùng Thổ Nhĩ Kỳ và Iran thiết lập nhiều “khu vực không leo thang” ở Syria, bao phủ 4 khu vực lớn trên đất nước. Đồng thời, Nga cũng kêu gọi và bắt tay vào tái xây dựng nhiều nhà thờ ở Syria. Những tài liệu mới được tiết lộ cũng cho thấy, nhiều công ty của Nga đã cam kết đảm bảo lợi ích kinh tế của Damascus thời kỳ hậu chiến tranh, theo tờ Syria Untold.
Đặc biệt, bất chấp những khó khăn kinh tế từ trong nước, Nga vẫn thể hiện sự “hào phóng” khi vừa xóa nợ 9,8 tỷ USD cho Syria (73% số nợ). Chưa hết, bộ Quốc phòng Nga vừa thông tin Moscow sẽ chuyển hơn 4.000 tấn vật liệu xây dựng tới Syria trong thời gian sớm nhất để tái thiết cơ sở hạ tầng những khu dân cư mới được giải phóng. Bằng đường sắt, số vật liệu này sẽ được bộ Quốc phòng Nga đưa tới cảng Novorossiysk và từ đó chuyển sang Syria. Bên cạnh đó, Moscow cũng gửi đi 40 máy móc các loại gồm máy ủi, máy xúc, cần cẩu... và hơn 2.000 tấn ống kim loại giúp khôi phục đường ống nước, cùng hàng trăm km đường điện cao áp và dây cáp quang để tái kết nối thông tin liên lạc. Bộ Quốc phòng Nga cho biết, ưu tiên hàng đầu trong danh mục tái thiết là trường học và bệnh viện.
Trên đây là kết quả sau cuộc họp giữa Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu và Tổng thống Syria Bashar al-Assad vào tuần trước. Ngay trước khi bay sang Damascus, ông Shoigu còn gửi một bức thư tới Đặc phái viên Liên Hợp Quốc tại Syria Staffan de Mistura, thúc giục Liên Hợp Quốc tích cực hỗ trợ nhân đạo cho Syria, nơi đang cần 1.000 tấn lương thực và hơn 80 tấn thuốc.
Thời gian qua, Moscow và Damascus, cùng với sự hỗ trợ của Tổ chức Trăng lưỡi liềm đỏ Syria (SARC), đã tập trung vào việc cung cấp viện trợ cho người dân ở Deir ez-Zor gồm thực phẩm, thuốc men và các vật tư khác.
Nga đang rất nỗ lực giúp đỡ Syria và những hành động trên đây chính là câu trả lời của Moscow đối với những nghi vấn của các học giả phương Tây. Dù vậy, không thể phủ nhận, cả Nga và Syria còn rất nhiều khó khăn trước mắt.
Theo chuyên gia về Syria Thomas Prierret từ đại học Edinburgh, trước mắt dù đã kiểm soát được phần lớn lãnh thổ, nhưng chính quyền Assad sẽ vẫn phải đối mặt với những cuộc tấn công nhỏ lẻ từ các phiến quân đối lập ít nhất là trong một vài năm tới.
“Những cuộc nổi dậy sẽ không đe dọa trực tiếp bộ máy hành chính trung ương nhưng về cơ bản chúng sẽ là mối đe dọa tiềm tàng với một chính quyền còn non yếu”, chuyên gia nói.
Nhưng với sự quyết tâm của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad cùng với thiện chí của Nga, nhiều người vẫn bày tỏ sự lạc quan trong công cuộc dần dần tái thiết đất nước của Syria, giúp Damascus có sức sống vươn lên phục hồi sau chiến tranh.
Xem thêm: TT Putin và nghệ thuật quan hệ với hai đối thủ "không đội trời chung"
D.T