Ngày 21/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã duyệt sắc lệnh công nhận độc lập của hai vùng ly khai tại miền đông Ukraine gồm Donetsk và Lugansk.
"Tôi cho rằng cần đưa ra quyết định đáng lẽ phải diễn ra từ lâu, đó là lập tức công nhận độc lập, chủ quyền của Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Cộng hòa Nhân dân Luhansk", ông nói.
Trong bài phát biểu trên truyền hình, ông Putin, trông có vẻ tức giận và mô tả Ukraine "là một phần lịch sử Nga", cho rằng "miền đông Ukraine là lãnh thổ Nga trong quá khứ" và tin rằng người dân Nga sẽ ủng hộ quyết định của ông.
Tổng thống Putin cũng chỉ đạo Bộ Quốc phòng Nga triển khai quân tới 2 khu vực này để "gìn giữ hòa bình", nhưng chưa rõ quy mô và thời điểm lực lượng này bắt đầu nhiệm vụ mà chỉ nói rằng lệnh "có hiệu lực kể từ ngày ký".
Hành động công nhận độc lập của Donetsk và Lugansk của ông Putin cho phép phe ly khai chính thức mời quân đội Nga vào trong vùng lãnh thổ miền Đông của Ukraine.
Theo AFP, cả hai khu vực trên đều là những vùng lãnh thổ tự trị bởi lực lượng ly khai do Nga hậu thuẫn ở vùng Donbass, miền Đông Ukraine, sau khi xảy ra các cuộc giao tranh với chính quyền Kiev vào 2014.
Sự công nhận của Nga với hai vùng lãnh thổ này, trong mắt phương Tây, là một sự leo thang nghiêm trọng, “thủ tiêu” các thỏa thuận Hiệp định Minsk (năm 2015). Thỏa thuận mà nhiều người tin rằng có thể giúp tìm ra một phương cách ngoại giao thoát khỏi bế tắc hiện tại.
Tuy nhiên, ông Putin khẳng định, Nga “đã làm tất cả để đảm bảo toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine”, trong đó có việc “đấu tranh để thực hiện các thỏa thuận Minsk”, song đều vô ích.
Cũng trong bài phát biểu, ông chủ Điện Kremlin một lần nữa nêu lên vấn đề Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) kết nạp Ukraine. Theo ông Putin, Moscow có cơ sở để khẳng định việc Ukraine gia nhập NATO và sau đó, việc triển khai các cơ sở của NATO trên lãnh thổ Ukraine chỉ là “vấn đề thời gian”, đây là “đòn tấn công chủ động” của phương Tây đối với nước Nga.
Ông Putin nhấn mạnh, các đề xuất về đảm bảo an ninh của Nga đưa ra hồi tháng 12/2021 đã bị bỏ qua nên Moscow có “toàn quyền áp dụng các biện pháp đáp trả để đảm bảo an ninh của mình”.
Theo Reuters, ông Putin đã gọi điện cho Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong ngày 21/2 để thông báo việc công nhận nền độc lập của Donetsk và Luhansk. Điện Kremlin cho biết, cả hai (lãnh đạo Pháp và Đức) đều bày tỏ sự thất vọng về quyết định này.
Hãng tin Reuters đã dẫn lời người phát ngôn của Thủ tướng Đức Olaf Scholz về thông tin này sau khi ông Scholz nói chuyện điện thoại với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Tổng thống Mỹ Joe Biden sau bài phát biểu của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Người phát ngôn không nói rõ các biện pháp trừng phạt mà các nước phương Tây sẽ áp đặt lên Nga nhưng khẳng định: "Các đối tác đã thống nhất là quyết tâm không giảm bớt các cam kết của họ với sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine".
Tương tự, Ngoại trưởng Anh Liz Truss cho biết, bà đồng ý với người đứng đầu về chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell rằng, Anh và EU sẽ phối hợp để đưa ra các biện pháp trừng phạt nhanh chóng với Nga.
Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte cho biết, Liên minh châu Âu đã đồng ý áp đặt lệnh cấm vận hạn chế nhằm vào "những người chịu trách nhiệm" trong quá trình Nga công nhận các khu vực ly khai.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cáo buộc Moscow tiếp tục leo thang căng thẳng ở miền Đông Ukraine và "tìm cách dàn dựng lý do" để tấn công nước láng giềng.
Trong khi đó, sau tuyên bố của ông Putin, Nhà Trắng Mỹ cho biết, Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ sớm ban hành lệnh "cấm người Mỹ đầu tư, thương mại và tài chính, kể cả đầu vào hoặc ra" ở hai khu vực ly khai là Donetsk và Luhansk.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết, các biện pháp này tách biệt với đòn cấm vận được Mỹ và đồng minh chuẩn bị nếu Nga tấn công Ukraine.
Hai tỉnh Donetsk và Lugansk nằm ở vùng Donbass phía đông Ukraine, trở thành điểm nóng giao tranh từ năm 2014, sau khi người dân ở đây đòi tăng quyền tự trị bất thành và tổ chức phong trào phản kháng vũ trang. Chính phủ Ukraine 2 lần phát động chiến dịch quân sự quy mô lớn nhằm giành lại quyền kiểm soát Donbass nhưng đều bất thành.
Đụng độ giữa quân chính phủ Ukraine và phe ly khai ở miền Đông đã leo thang những ngày qua. Chính quyền các địa phương Nga sát biên giới Ukraine những ngày qua ban bố tình trạng khẩn cấp khi dân thường từ khu vực Donbass di tản sang nước láng giềng. Bộ Tình trạng Khẩn cấp Nga hôm 20/2 cho biết, hơn 50.000 người đã nhập cảnh vào Nga sau khi các lãnh đạo phe ly khai kêu gọi phụ nữ, trẻ em và người già di tản vì đụng độ leo thang.
Căng thẳng xung quanh Ukraine tăng nhiệt từ cuối năm ngoái, sau khi Mỹ và nhiều đồng minh phương Tây cáo buộc Nga tập trung hơn 100.000 quân ở biên giới phía tây để lên kế hoạch tấn công nước láng giềng.
Trong khi Nga nhiều lần khẳng định, mọi hoạt động quân sự ở biên giới là vấn đề nội bộ và chỉ nhằm mục tiêu diễn tập trước mối đe dọa từ kịch bản NATO mở rộng sang phía đông, đồng thời chỉ trích Mỹ và đồng minh phóng đại nguy cơ chiến tranh.
Minh Hoa (t/h theo VnExpress, Tuổi Trẻ Online)