Nga "đa mưu túc trí" tung đòn trước, Thổ "ngậm bồ hòn" ở Syria

Nga "đa mưu túc trí" tung đòn trước, Thổ "ngậm bồ hòn" ở Syria

Trương Mạnh Kiên

Trương Mạnh Kiên

Thứ 2, 28/12/2020 15:57

Tổng thống Nga Vladimir Putin không tiếc lời khen ngợi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nhưng giới hạn ở Syria đã lên đến đỉnh điểm.

Tiêu điểm - Nga 'đa mưu túc trí' tung đòn trước, Thổ 'ngậm bồ hòn' ở Syria

Nga-Thổ đang đi đến giới hạn hợp tác.

Sự hợp tác giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Nga đã đi theo một lộ trình dao động. Hợp tác ở Caucasus ít nhiều được thực hiện một cách thỏa đáng, ít nhất là trong thời điểm hiện tại. Theo đánh giá của tờ Arab News, mối quan hệ này chưa rõ sẽ phát triển như thế nào nhưng sẽ vẫn có cả rủi ro lẫn cơ hội.

Giới hạn ở Syria

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã không tiếc lời khen ngợi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, mặc dù điều này được cho là vì thái độ kiên định của nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ trong việc mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga.

Còn trên thực tế, hợp tác Thổ Nhĩ Kỳ-Nga đang gần đạt đến giới hạn, tiêu biểu như ở Syria. Một cuộc tấn công của Nga hồi tháng 10 nhằm vào trại huấn luyện của Faylaq Al-Sham - nhóm đối lập vũ trang do Thổ Nhĩ Kỳ hỗ trợ ở Syria - đã giáng một đòn nặng nề vào mối quan hệ hợp tác Thổ Nhĩ Kỳ-Nga.  

Cuộc tấn công đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 78 chiến binh và hơn 100 người khác bị thương. Phản ứng của Thổ Nhĩ Kỳ đối với cuộc tấn công chỉ giới hạn ở động thái "ghi nhận" vụ việc.

Cuộc tấn công này có tác động quan trọng đối với Thổ Nhĩ Kỳ, vì các chiến binh Faylaq Al-Sham trước đây đã được Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ tuyển dụng, trang bị. Năm 2016, Thổ Nhĩ Kỳ được hưởng lợi từ sự hỗ trợ của nhóm này trong chiến dịch quân sự đầu tiên ở Syria, giúp trục xuất khủng bố khỏi khu vực.

Nhưng, mục đích chính của Thổ Nhĩ Kỳ trong chiến dịch nói trên là trục xuất các chiến binh của Lực lượng Dân chủ Syria (SDF), một nhóm chiến binh do Mỹ hỗ trợ có nòng cốt là các chiến binh người Kurd thuộc Các đơn vị Bảo vệ Nhân dân (YPG) ở Syria.

Faylaq Al-Sham cũng là một phần trong chiến dịch thứ hai của Thổ Nhĩ Kỳ ở tỉnh Afrin vào đầu năm 2018. Chính vì vậy, việc Nga không ngại ngần mở cuộc tấn công lớn nhằm vào nhóm chiến đấu hợp tác chặt chẽ với Thổ Nhĩ Kỳ sẽ để lại dấu vết cay đắng trong quan hệ Ankara-Moscow.

Trong một diễn biến khác ở Idlib, 7 trong tổng số 12 trạm quan sát của Thổ Nhĩ Kỳ đã được chuyển dịch xa hơn về phía Bắc, đến một nơi do phe đối lập Syria kiểm soát.

Các trạm quan sát nói trên được thành lập theo quyết định vào ngày 4/5/2017 bởi bộ ba Astana - Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran. Do quân đội Syria tràn lên phía Bắc, các trạm quan sát của Thổ Nhĩ Kỳ rơi vào tình trạng bị bao vây.

Ban đầu, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ từng tuyên bố các trạm quan sát nói trên sẽ không bao giờ được chuyển đến bất kỳ nơi nào khác. Tuy nhiên, Nga có thể đã thuyết phục Thổ Nhĩ Kỳ rằng binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ sẽ an toàn hơn ở những địa điểm mới.

Yếu tố Mỹ

Tiêu điểm - Nga 'đa mưu túc trí' tung đòn trước, Thổ 'ngậm bồ hòn' ở Syria (Hình 2).

Mỹ sẽ phản đối vai trò trung gian của Nga giữa người Kurd và Thổ Nhĩ Kỳ.

Sau bốn ngày im lặng, trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Trung Đông (ORSAM) của Thổ Nhĩ Kỳ đã công bố một phân tích lý giải lợi thế của các địa điểm mới và tại sao sứ mệnh của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ được thực hiện hiệu quả hơn ở đó.

Sự im lặng này nói lên nhiều điều về khó khăn của Thổ Nhĩ Kỳ khi phản ứng trước cuộc tấn công của Nga.

Một diễn biến khác ở Idlib là có báo cáo về các cuộc đàm phán giữa Faylaq Al-Sham và Abdullah Al-Muhaysini - kẻ cực đoan có liên hệ với Al-Qaeda. Không rõ liệu cuộc tiếp xúc này có được Thổ Nhĩ Kỳ nắm bắt hay không. Nếu điều này xảy ra, nó sẽ gây thêm khó chịu trong quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ-Nga, bởi vì Moscow không yên tâm về sự hiện diện tăng cường của các chiến binh ở Idlib.

Ngoài ra còn có yếu tố Mỹ trong liên hệ này. Dưới thời chính quyền Trump, Mỹ ủng hộ bất kỳ động thái nào có thể làm xáo trộn chính quyền Syria. Tuy nhiên, chính quyền mới của Joe Biden có thể sẽ tìm một cách tiếp cận khác với Nga ở Syria và phản đối việc hợp nhất các phe nhóm cực đoan ở Idlib. Điều này có thể trở thành một vấn đề đau đầu khác đối với Thổ Nhĩ Kỳ khi chống lại sức ép kết hợp của Nga và Mỹ.

Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, một thách thức khác mà quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ-Nga có thể phải đối mặt là vấn đề người Kurd. Nga đang nỗ lực làm trung gian hợp tác giữa người Kurd và Chính phủ Syria. Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng chào đón nhưng Mỹ lại phản đối sự hợp tác như vậy. Vì vậy, Thổ Nhĩ Kỳ cũng có thể bị áp lực giữa Mỹ và Nga trong vấn đề này. Có thể thấy, quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ-Nga sẽ gặp nhiều biến động hơn trong thời gian tới.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.