Nga đã 'tác động' đến các cuộc bầu cử Mỹ từ năm 1917 như thế nào?

Nga đã 'tác động' đến các cuộc bầu cử Mỹ từ năm 1917 như thế nào?

Trương Mạnh Kiên

Trương Mạnh Kiên

Thứ 4, 09/11/2016 05:57

Có một điều thú vị rằng Nga thực sự có "bề dày lịch sử" trong việc tác động tới các cuộc bầu cử Mỹ, ít nhất là từ năm 1917, theo một cách rất riêng.

Người Mỹ đang bỏ phiếu trong cuộc bầu cử có thể coi là gây tranh cãi nhất trong lịch sử, với số lượng kỷ lục những lời công kích cá nhân giữa hai ứng viên Hillary Clinton và Donald Trump, những trò đâm lén sau lưng bởi chính người trong đảng, hay những bê bối chính trị của cả hai.

Đặc biệt hơn, dư luận nhắc nhiều đến thuyết âm mưu về việc "bàn tay bí mật của Moscow" đã thao túng nền dân chủ Mỹ. Những lời cáo buộc liên tục đưa ra cho rằng tin tặc Nga đang muốn thay đổi kết quả cuộc bầu cử theo hướng có lợi.

Cuộc tranh cãi cho đến nay vẫn chưa có hồi kết, nhiều người tỏ ra hoài nghi, có người tin là sự thật. Nhưng có một điều thú vị rằng Nga thực sự có một "bề dày lịch sử" tác động tới các cuộc bầu cử Mỹ, ít nhất là từ Cách mạng Nga năm 1917 cho đến nay. Dù không phải bằng các hành động như tình báo, gián điệp, hay tuyên truyền phá hoại, người Nga vẫn khiến nước Mỹ "đứng ngồi không yên" theo cách rất riêng.

Hồ sơ - Nga đã 'tác động' đến các cuộc bầu cử Mỹ từ năm 1917 như thế nào?

Cựu Tổng thống Jimmy Carter từng giành chiến thắng trong cuộc bầu cử cũng nhờ một phần "coi trọng" mối đe dọa đến từ Liên Xô nhiều hơn đối thủ.

Kể từ khi trở thành một siêu cường đối trọng với Mỹ, Nga đã luôn trở thành chủ đề bất đắc dĩ trong mỗi thời điểm nước Mỹ bầu ra nhà lãnh đạo mới.

Trong quá khứ, cuộc bầu cử năm 1920 diễn ra song song với cuộc "khủng hoảng đỏ" khi có hàng ngàn người nước ngoài bị bắt giữ và trục xuất, do chính quyền Mỹ lo sợ chủ nghĩa cộng sản toàn cầu đang xâm lấn đến quốc gia này.

Đến năm 1952, đảng Cộng hòa sau khi giành chiến thắng vang dội đã không quên cáo buộc đảng Dân chủ đương nhiệm thiếu khả năng, thậm chí là phản bội lại mục tiêu lật đổ phong trào cộng sản đang lớn mạnh do Liên Xô đứng đầu.

Năm 1960, Đảng Dân chủ trả đũa bằng cách buộc tội đảng Cộng hòa đã cố tình để cho Liên Xô phát triển hạt nhân đến mức sắp đuổi kịp được Mỹ. Tổng thống John Kennedy khi đó đã giành được rất nhiều sự ủng hộ cho mình chỉ nhờ nói về vấn đề này.

Năm 1976, ứng viên đảng Cộng hòa Gerald Ford đã tụt lại phía sau trong các cuộc thăm dò và sau đó thua đối thủ của mình là Jimmy Carter chỉ vì ông đã hạ thấp mối đe dọa của Liên Xô đối với Mỹ. Cựu Tổng thống Jimmy Carter sau đó đã khởi động một chương trình vũ trang nhiều tỷ đô la triển khai vào Afghanistan, móc ngoặc với Pakistan và Ả Rập Saudi.

Dường như bằng một cách mơ hồ nào đó, Nga đã khiến cho rất nhiều cuộc bầu cử ở Mỹ phải chịu sự "chi phối" một phần từ sự ảnh hưởng của cường quốc này. Giải thích về sự kỳ lạ nói trên, nhà báo kỳ cựu của BBC Nikolai Gorshkov nói rằng, vị thế mạnh mẽ và tầm ảnh hưởng lan rộng của Nga khi xưa đã khiến cho nước Mỹ luôn trong trạng thái không ngừng cảnh giác và tự "lo sợ với nhau" - dù thực tế Nga chẳng có một động thái đe dọa gì lúc đó; và có lẽ điều này cũng đã ám ảnh người Mỹ cho đến tận ngày nay. 

Chủ nghĩa McCarthy

Xu thế "chống Nga cuồng loạn" bắt đầu vào những năm 50 của thế kỷ trước, khơi mào bởi Thượng nghị sĩ Joseph McCarthy - tư tưởng chống cộng cực đoan của ông đã được giới học giả sau này nhắc đến với tên gọi "chủ nghĩa McCarthy".

Hồ sơ - Nga đã 'tác động' đến các cuộc bầu cử Mỹ từ năm 1917 như thế nào? (Hình 2).

Joseph McCarthy, chính khách 

McCarthy là gương mặt tiêu biểu nhất ở giai đoạn mà những căng thẳng của chiến tranh Lạnh khiến gia tăng nỗi sợ về sức ảnh hưởng ngày càng lớn của chủ nghĩa cộng sản mà đặc biệt là Liên Xô - cường quốc đang lớn mạnh khi đó. Những quan điểm của ông đã gây ảnh hưởng mạnh mẽ trong thời kỳ của hai cựu Tổng thống Harry Truman và Dwight Eisenhower.

Vào ngày 8/2/1950, Joseph McCarthy đã tuyên bố trong một bài phát biểu tại Wheeling, West Virginia, rằng ông ta có trong tay danh sách 205 người cộng sản đã thâm nhập vào Bộ Ngoại giao Mỹ. Lời tuyên bố vô căn cứ này đã khiến McCarthy từ một chính khách ít biết đến, bỗng chốc trở thành tâm điểm chú ý của quốc gia, cùng với đó dây lên phong trào chống Liên Xô mạnh mẽ.

Nhiều thành viên Quốc hội vì lợi ích riêng đã lên tiếng ủng hộ cho quan điểm McCarthy và lạm dụng điều này cho mục đích chính trị.

Sự lũng đoạn nói trên đã khiến cả hai ứng cử viên tổng thống khi đó là Truman và Eisenhower phải cố gắng để làm suy yếu McCarthy, bất chấp việc vị thượng nghị sĩ này cáo buộc cả hai "đi đêm với Moscow". Trên thực tế cả hai chỉ đơn giản là không muốn có một nhân vật chống cộng cực đoan trong chính quyền của mình.

Vì sao Nga quan tâm đến bầu cử Mỹ?

Khi trở thành người đứng đầu Nhà Trắng vào năm 2008, Tổng thống Barack Obama đã tiến thêm một bước mới trong việc làm nồng ấm mối quan hệ giá băng với Nga khi tuyên bố Moscow sẽ là một trong những ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Mỹ.

Khi đó những hình ảnh gặp gỡ giữa các nhà lãnh đạo hai nước khiến cho công chúng tin vào việc hai quốc gia đối đầu trong quá khứ đã gạt mọi hiềm khích sang một bên, tìm kiếm tiếng nói chung trong việc giải quyết các mối đe dọa toàn cầu.

Hồ sơ - Nga đã 'tác động' đến các cuộc bầu cử Mỹ từ năm 1917 như thế nào? (Hình 3).

Người Nga cũng hồi hộp chờ đón tân tổng thống Mỹ.

Tuy nhiên chẳng bao lâu sau khi ông Obama tiếp tục nhiệm kỳ thứ 2 của mình, quan hệ Moscow-Washington tiếp tục lao dốc do những bất đồng về tư tưởng.

Vấn đề Đông Âu, Trung Đông, vũ khí hạt nhân, cuộc khủng hoảng Ukraine, lệnh trừng phạt của phương Tây, hay gần đây nhất là cuộc nội chiến Syria đã khiến cả hai trở nên căng thẳng đến mức nhiều chuyên gia cảnh báo đã tiệm cận thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

Do vậy, không phải ngẫu nhiên trong cuộc bầu cử năm nay, Nga trở thành một chủ đề chính trong các cuộc tranh luận trực tiếp giữa Donald Trump và Hillary Clinton. Cựu Ngoại trưởng Mỹ tỏ ra kịch liệt hơn khi bên cạnh các vấn đề nói trên, bà còn chỉ đích danh Nga dưới sự chỉ đạo của Tổng thống Putin đã sử dụng tin tặc gây tác động tới cuộc bầu cử theo hướng có lợi cho Moscow.

Trái ngược lại tỷ phú Trump tỏ ra thân thiện hơn khi nói rằng khi lên trở thành người đứng đầu nước Mỹ, ông sẵn sàng hòa hợp với Nga trong hợp tác chống khủng bố và trên hết đưa quan hệ hai nước trở nên nồng ấm hơn.

Điều này cũng dẫn đến việc công chúng Nga hay ngay cả điện Kremlin cũng sẽ chú ý nhiều đến cuộc bầu cử năm nay. Với tư tưởng chống Nga kịch liệt, chắc chắn bà Clinton sẽ không được lòng đa số người Nga bằng Donald Trump. Tuy nhiên giới phân tích cũng lưu ý rằng, nếu ứng viên đảng Cộng hòa đắc cử, nước Nga có thể sẽ "dễ thở" hơn nhưng nó không đảm bảo việc nhà tỷ phú này sẽ thân thiết với Moscow như mong đợi.

Trên thực tế bất cứ chính khách nào vẫn sẽ coi lợi ích quốc gia là trên hết, và Donald Trump cũng sẽ không nằm ngoài điều này, cho đến khi nào sự khác biệt về tư tưởng của Nga-Mỹ vẫn chưa thể xóa bỏ. 

Quốc Vinh

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.